29 tháng 12, 2013

GIÁNG SINH, ĐIỀU GÌ CÒN ĐỌNG LẠI ?

GIÁNG SINH, ĐIỀU GÌ CÒN ĐỌNG LẠI ?



“Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa, hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương, ôi đê mê …”. *

Đấng cứu rỗi nhân loại

Nguyên thủy, tôi vốn không phải là người công giáo, mà rất khác, tôi sinh trưởng trong một gia đình phật tử. Năm 12 tuổi, tôi được thụ quy y tam bảo với pháp danh Tâm Đức, nhờ một thầy trụ trì ngôi chùa gần nhà, thầy mến vì thấy tôi thường qua chùa giúp trải chiếu, sắp kệ và kinh sách cho người lớn đọc kinh. Khi ấy, tôi cầm cái điệp quy y to tướng, in đẹp như tờ giấy khen chạy một mạch về nhà khoe bố mẹ tôi inh ỏi …

Đến khi lập gia đình, thương yêu vợ nên tôi theo đạo công giáo để lễ kết hôn của chúng tôi được tiến hành đầy đủ các nghi thức hôn phối tại nhà thờ, như ước muốn của hầu hết các thiếu nữ người công giáo. Theo đó, tôi có tên thánh là Giuse … vậy mà, có lần, tôi đã quên khuấy mất tên thánh của mình khi có vị cha xứ đột ngột hỏi trong nghi lễ hôn phối mà tôi là nhân chứng ?!

Từ đó cho đến nay, phần xác chứ không phải phần hồn trong tôi trở thành người công giáo, tôi không có được cái “phúc” như sách Phúc Âm đã viết “Phúc cho ai không thấy mà tin” !  Nhưng tôi cũng không bạc bẽo như câu thơ đùa “Con quỳ lạy chúa ba ngôi, Con lấy được vợ con thôi nhà thờ !”. Trong gia đình tôi, có bàn thờ phật giáo ở tầng này thì lại có thêm một bàn thờ công giáo ở tầng khác … thôi thì hòa đồng tôn giáo, tôn giáo nào cũng đều hướng thiện …

Thiếu lòng tin, tôi không toàn tâm là người công giáo, nhưng như hầu hết mọi người, đối với ngày Giáng sinh hàng năm vào hạ tuần tháng 12, tôi cũng rơi vào tâm trạng háo hức chờ đợi và chuẩn bị cho ngày này.

Kể ra, cũng khó mà không háo hức khi từ những ngày đầu tháng 12 thì không khí Giáng sinh đã bắt đầu rõ nét lắm rồi, mở màn là các cửa hiệu, nhà hàng … cho trang trí các dây kim tuyến óng ánh, hình ảnh ông già Noel phúc hậu với bộ quần áo truyền thống màu đỏ nổi bật trên nền tuyết trắng xóa, từng dây đèn nhấp nháy sáng đuổi bắt nhau … tuần tự, các ngôi giáo đường cùng các gia đình công giáo cũng trang hoàng với những hang đá muôn vẻ muôn hình lộng lẫy, họ trang trọng đặt vào đấy tượng chúa hài đồng cùng cha mẹ của người, đôi khi là tượng ba vua cùng các mục đồng hay đôi ba con cừu trắng cục mịch hay con lừa hiền lành, ngơ ngác sinh động, họ dựng cây thông xanh treo lủng lẳng các trái châu rực rỡ sắc màu, đặt bên dưới các hộp quà thắt nơ xinh xinh … cạnh đó, bên tai của chúng ta cũng đã vang lên những âm thanh reo rắt như chuông của bản nhạc “Jingle Bell” quen thuộc, hay da diết trầm hùng lời chào đức mẹ “Ave Maria”, hoặc du dương “Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa, hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương, ôi đê mê lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang vọng trong tuyết sương …” bâng khuâng gợi lại biết bao hoài niệm.

Càng gần đến ngày Giáng sinh, đường phố dường như chật hơn hơn với những dòng người đổ xô nhau đi mua sắm, các bạn trẻ đi dạo phố, ngắm người, ngắm cảnh và ngắm chính mình trong bộ cánh ưng ý … những lời hò hẹn lứa đôi, lời mời, rủ rê cho những đêm tiệc … làm tâm trạng mọi người dường như càng thêm xao động giữa cuộc sống thường nhật đang vốn đã quá bộn bề …

Giáng sinh, ngày lễ tôn giáo như ngày Phật đản vậy, Nhà nước không công nhận là quốc lễ hay một ngày lễ chính thức … chẳng hề gì, Giáng sinh đã mặc nhiên trở thành ngày lễ hội cho tất cả mọi người, mọi giới … không còn là ngày lễ tôn giáo độc quyền của người công giáo nữa rồi …

Sau gần cả tháng chờ đợi, ngày Giáng sinh đến rồi vụt qua thật nhanh … ai đó đã từng nói “cuộc vui chóng tàn”, tuy sáo nhưng rất thật … tuy chỉ mới qua Giáng sinh vài ngày, nhưng tôi chỉ còn nhớ láng máng vài chi tiết : Có chúc tụng nhau trên mạng, có họp mặt gia đình ăn uống, khi nâng ly mọi người có la to “dzô dzô”, có diện bộ quần áo ưng ý nhất, có đi lễ nhà thờ trong chen chúc … lờ mờ thêm vài điều gì đó … rồi thôi !

Tôi chợt hỏi mình : Giáng sinh là vậy sao ? Điều còn đọng lại trong tôi sau Giáng sinh chỉ là vậy ư ? Tôi nghĩ sau sự kiện đại lễ của một tôn giáo thì điều đọng lại phải cao đẹp, thánh thiện hơn chứ ?

Tôi đã cố gắng truy lục trí nhớ của mình thêm, rằng trong khi dự thánh lễ tại ngôi nhà thờ to nhất đất thần kinh : Phủ Cam, thì tôi đã nghe giảng những gì ? Tôi học được những gì ? Thật tiếc, ở phần bài giảng thì tôi chỉ nhớ hình ảnh duy nhất về vị cha xứ đang cố gắng đọc cho hết tờ giấy soạn sẵn, cha không để tâm đến thái độ của con chiên, có lẽ, cha yên tâm rằng dù họ không nghe nhiều, thì chắc cũng nghe ít, đồng thời, họ vẫn cứ sẽ ngồi đấy cho đến hết lễ ? Nhưng với tôi, con chiên ghẻ đang tự thú rằng không nhớ được điều gì có ý nghĩa mà cha đã giảng cả ?!

Trong thâm tâm, tôi vẫn biết Giáng sinh là dịp kỷ niệm ngày Chúa Jesus sinh ra đời, ngài được người công giáo tin là đấng cứu rỗi nhân loại khỏi gông xiềng tội lỗi … với ý nghĩa đó, ngày Giáng sinh đã trở thành biểu tượng tinh thần của sự tha thứ.

Nhưng tôi chỉ nghĩ đến điều này khi bất chợt trong một góc tâm hồn tôi “sám hối”, còn lại, trong suốt những ngày Giáng sinh thì hình như tôi đã “quên” không làm điều gì cho đúng ý nghĩa tinh thần Giáng sinh nhỉ ! Tôi đã “quên” không tha thứ cho người mà tôi vừa nảy sinh lòng ghét vào những ngày trước Giáng sinh, vì họ đã vô cớ chỉ trích tôi, tôi đã “quên” không đến Đan viện Thiên An để tặng các thầy đang tu hành ở đấy một ít quà như đã dự định, tôi đã “quên” …

Tôi mong  cái “quên” chỉ là riêng tôi có ? cái “quên” nó không là của riêng ai nữa ...

Thế nên, tôi thành thực chúc mừng cho ai đó đã làm được điều thánh thiện cho mình, cho tha nhân trong ngày Giáng sinh, vì họ đã có một Giáng sinh đích thực, phần thưởng lớn nhất mà họ hưởng là sở hữu một tâm hồn thanh thản, họ không phải khổ tâm sám hối sau đó …

Nhân suy niệm về sự tha thứ, tôi nhớ tấm gương tha thứ vĩ đại của “tượng đài” Nelson Mandela, người vừa mất … vì lẽ, sau gần 30 năm chịu khổ sở vì tù đày, đến khi đắc thời, Ông vẫn khoan dung tha thứ cho kẻ thù của mình, bằng sự tha thứ, Ông đã ban tặng cho người dân nước Ông món quà vô giá : Mỗi ngày trong cuộc sống của họ đều là những ngày Giáng sinh, mà theo đó, dường như người phàm cũng đã trở nên đấng cứu rỗi …


* Ca từ của nhạc phẩm “Cao Cung Lên”, tác giả : Hoài Đức & Nguyễn Khắc Xuyên 

Manh Dang
----------------





19 tháng 12, 2013

LỜI PHI LỘ

LỜI PHI LỘ

Dặm mỏi đường xa hun hút mắt
Mệt quá thân ai gối đã chồn
Đây mái liêu xiêu tranh vách đất
Đôi chiếc chõng tre lòng son mộc
Của nả chẳng chi ngoài câu chữ
Góp ánh diêm xinh tặng người hiền
Lập lòe đom đóm trong đêm tối
Để thấy còn đây niềm hy vọng
Hượm đã khách ơi nếu không vội
Cho tôi dâng mời chén rượu xuân
...



Khách lãng du ơi ! Khách đang dạo bước trong túp lều tranh, có mái lá đơn sơ, có vách cỏ khiêm nhường, có nền đất nện làm mát chân khách lãng du đang lạc bước đến chốn thanh bần …

Là một túp lều, nên của cải chẳng nhiều nhặng gì, chỉ là những câu chữ ương dở, những mạch văn chưa liền lạt  …  của nả mà gia chủ ưng ý nhất là những ý tứ không trải lòng bằng lời được, chỉ là đôi dòng tâm tưởng để gởi gấm niềm riêng giữa đời chung, đôi khi là tiếng thở dài vô tận trước sự đời bất ưng … thế nhưng, luôn luôn vẫn sẽ là que diêm nhỏ để thắp sáng lập lòe đâu đó niềm tin, sự hy vọng, nhắc nhớ phần “tính” của con người “nhân chi sơ” của chính mình, của khách lãng du …

Túp lều này cũng là chỉ dấu kỷ niệm về một ngôi nhà khác trên blog mà gia chủ đã sở hữu từ nhiều năm trước, nhưng đã bị fan cuồng bạo "ác nhân thất đức" cưỡng chiếm mất, khi ấy, mất ngôi nhà không tiếc lắm, nhưng tiếc nhất là mất biết bao nhiêu gia sản (bài vở) trong nhiều năm tâm huyết … giờ đang gầy dựng lại từng bước với túp lều này … không biết với giông tố, bão táp luôn chực chờ, thì túp lều này sẽ thọ được bao lâu với thời gian … 

Vài lời phi lộ, thôi thì gia chủ kính cẩn nâng ly ngang mày mời khách chén rượu lạt …  khi chén cạn, lại mời khách tự nhiên dạo gót giữa chốn thanh bần …



Gia chu - Manh Dang

Của nả thanh bần là đây =>


Loạt bài viết mới :


Bài viết về hoài niệm, tự sự :
Xá tội vong nhân
Di sản nào cho con ?
Ký ức Dalat - Mẹ tôi, con dốc và thiếu nữ Dalat



Truyện ngắn (sưu tầm) :
Truyện ngắn - Em chỉ cần tiền

18 tháng 12, 2013

SỰ KIỆN UKRAINE & QUYỀN THÔNG TIN

SỰ KIỆN UKRAINE & QUYỀN THÔNG TIN




Rất sớm so với nhiều quốc gia khác, chỉ một năm sau ngày chính thể quân chủ thế tập ở Việt Nam chấm dứt, thì năm 1946, “thông tin” đã được hiến định thành một “quyền” theo Hiến pháp đầu tiên của quốc gia, theo đó, bên cạnh quyền thông tin của báo chí (báo nói, báo viết, báo hình …) là nơi phát thông tin, thì nơi nhận, tức người dân có quyền yêu cầu được biết thông tin về tất cả các phương diện đời sống xã hội trong quốc gia và thế giới …

Đến Hiến pháp sửa đổi vừa được quốc hội thông qua vào hạ tuần tháng 11/2013 thì quyền thông tin vẫn được giữ nguyên tính hiến định.

Ông Phan Quang, người nguyên từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã viết : “ … Quyền được thông tin ngày càng trở thành yêu cầu khẩn thiết với trào lưu đòi hỏi sự minh bạch trong mọi việc cai trị và quản lý, bảo đảm dân chủ xã hội ở tất cả mọi nước giàu cũng như nghèo. Quyền được thông tin của công dân thể hiện ở chỗ người dân qua báo chí có quyền tiếp cận mọi thông tin, tư liệu về hoạt động của các cơ quan công quyền, sự nghiệp công cộng (trừ một số hạn chế do luật định, như thông tin tuyệt mật về đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, không được vi phạm quyền riêng tư của người khác...) (*).

Từ pháp lý đến ý thức là như thế, có điều, không phải lúc nào một quyền hiến định và việc thực thi quyền này bao giờ cũng song hành, theo đó, quyền thông tin của công dân bị hạn chế bởi sự “dửng dưng” một cách có hệ thống của toàn bộ các cơ quan nắm giữ quyền thông tin (nơi phát thông tin) … tựa như các sự kiện biến động về chính trị quốc tế gần đây nhất ở Ukraine là ví dụ điển hình, trong đó, người dân xuống đường biểu tình, kéo đổ và đập nát bức tượng Lenin tại trung tâm thủ đô Kiev … gây chấn động dư luận, nhất là đối với tâm tưởng của những người đã từng “thần tượng” Lenin, thì kỳ lạ thay, toàn bộ bộ phận báo đài Việt Nam với hơn 600 đầu báo, cùng hơn 100 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh thành đều “dửng dưng” không đưa tin !?

Chắc chắn, không thể nói tin tức về các sự kiện biến động chính trị ở Ukraine là những tin tức thuộc loại không đáng lưu tâm hay thuộc loại hạn chế do luật định được, hay thông tin tuyệt mật về đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc vi phạm quyền riêng tư của cá nhân … Vậy thì nguyên nhân của sự “dửng dưng” là gì ?


Báo chí - Một trong các nguồn phát thông tin

Hoặc giả, các cơ quan phát thông tin có thể giải thích nguyên nhân cho sự ”dửng dưng” của mình rằng quyền thông tin điều gì, ở đâu và như thế nào là quyền chọn lựa của họ !  Giải thích này (nếu có) là không chính đáng và không hợp pháp, bởi lẽ, ở quốc gia chúng ta không có cơ quan phát thông tin tư nhân, mà tất cả các cơ quan phát thông tin đều được khai sinh từ nguồn tiền thuế của người dân, thế nên, vấn đề giản dị như câu ngạn ngữ “ăn cây nào thì rào cây ấy”, thì theo đó, chúng ta, người dân có quyền yêu cầu các cơ quan phát tin trong nước có trách nhiệm thông tin về các sự kiện … kiểu như các sự kiện chính trị đang xảy ra ở Ukraine !

Tham khảo thêm, hiện nay đã là thời đại bùng nổ thông tin … mỗi cá nhân đều có thể tự mình biết khai thác thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau, và tất nhiên, đến từ cả nguồn phát thông tin quốc tế, nên tuy các cơ quan phát thông tin trong nước không đưa tin, thì có phải vì thế mà người dân lại không biết thông tin đâu ?

Báo chí - Một trong các nguồn phát thông tin

Báo chí - Một trong các nguồn phát thông tin

Người viết biết thông tin về các sự kiện đang xảy ra ở quốc gia Ukraine này từ các nguồn phát thông tin quốc tế, đồng thời với việc đưa tin, họ cũng “thù địch” về nguyên nhân khiến các cơ quan phát tin trong nước đã không đưa tin về sự kiện này xuất phát từ chỉ thị miệng của “cơ quan ai cũng biết đấy là ai” !

Người viết đã không muốn và cũng không dám tin về lời “thù dịch” này, vì lẽ nó xúc phạm đến thiên chức nghề nghiệp của đội ngũ hàng vạn nhà báo trong nước, những người mà sự dũng cảm và tính tiên phong là những đức tính mặc định mà công chúng nghĩ về họ …

Nhưng tự giải thích nguyên nhân thì thú thật, người viết, phát ngôn theo cách thức bình dân nhất : ”Bó tay”  !!!

Manh Dang
* Nguồn : Tại đây

Dưới đây là những hình ảnh về sự kiện biến động ở Ukraine mà báo đài trong nước đã “dửng dưng” không hoặc đưa tin hạn chế … 


Tượng đài Lenin ở Thủ đô Kiev bị người biểu tình kéo đổ và đập vỡ -
Hình ảnh này không được báo đài ở Việt Nam đưa tin 














Giây phút đôi lứa cầu nguyện trong khói lửa đàn áp ...
Nguồn ảnh : Tại đây

-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Đọc thêm :