13 tháng 4, 2014

THẾ SỰ - THÁNG TƯ "ĐAU LÒNG CON QUỐC QUỐC”

THÁNG TƯ “ĐAU LÒNG CON QUỐC QUỐC”

Câu chuyện Tháng Tư, bắt đầu từ khi cổng dinh Độc Lập đổ ngã dưới bánh xích xe tăng

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(trích từ “Qua Đèo Ngang”)
Hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan sáng tác tự thuở trước vẫn thường được người xa xứ nhắc đến trong nỗi niềm thương nhớ quê nhà, khi họ đang phải sống nơi “đất khách”. Nỗi niềm đó lại càng thấm thía nhân lên gấp bội phần vào khoảng thời gian hạ tuần tháng tư hàng năm, mốc cắm đỏ giao thời cho sự biến chuyển của quê hương, kéo theo sự thay đổi lớn chưa từng có của hàng triệu người kể từ thời điểm năm 1954  …

Ngẫm sao mà không thương, không nhớ quê nhà cho được, khi mà họ đã phải mất mát ở đó cả một trời hoa mộng về tinh thần lẫn vật chất, mà nay di sản còn là chỉ là kỷ niệm trong sách vở hoặc mang nặng trong tâm trí ! Ở đó không chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn ! Mà còn là nơi mà họ để lại biết bao niềm yêu thương, trìu mến ! Là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, hy vọng, danh dự và cả công lý ! Là nơi họ đã phải quay lưng rời xa một phần gia đình, bạn bè, tình nhân … mà sự mất mát hầu như đã là vĩnh viễn …

Viết cho người xa xứ, ngẫm đến mình, tôi ngỡ ngàng đến ngẩn người ra khi chợt nhận thấy không chỉ người xa xứ mới “độc quyền” nỗi niềm thương nhớ quê nhà, mà chính tôi và những người như tôi, những người sống ở quê nhà vẫn nhớ quê da diết, vẫn “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, khi chúng tôi mất quê ngay trên mảnh đất mình được sinh ra …

Bởi lẽ, cũng như người xa xứ, chúng tôi cũng đã mất ước mơ của mình ! Chúng tôi cũng đã mất người thân ! Chúng tôi cũng đã mất … mất nhiều lắm ! Phần tệ hơn người xa xứ là chúng tôi chỉ giữ lại được cho mình danh dự công dân thứ cấp ! Chúng tôi bị xem như những người xa lạ trên quê hương của mình và quả thật, chúng tôi cũng thấy mình xa lạ ngay trên quê hương của chính mình …

Đi ư ? Mà đi đâu ? Nhưng sẽ vô ích, đừng hỏi chúng tôi rằng có muốn rời đi hay không khi mà cái cột đèn nó cũng đã đi khuất dạng … đương nhiên, nếu nó có chân !

Ở lại ư ? Mà để làm gì ? Nhưng sẽ vô ích, đừng hỏi chúng tôi rằng có muốn sự yên bình không khi mà “sống muốn lặng mà gió chẳng đừng” !
Tiến thoái lưỡng nan, tôi không rõ người nhạc sĩ quá cố họ Trịnh đã suy tư điều gì qua lời ca từ :

“…
Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Ngày xưa lận đận, không biết về đâu
Về đâu cuối ngõ, về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm lại tôi
Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
…”

Nhưng với chúng tôi, mỗi lời ca từ bài hát như hình ảnh âm bản nỗi lòng mình bây giờ, chúng tôi tiếc khi chưa bao giờ “trốn đời” hay “vượt thoát” được như người nhạc sĩ tài hoa đó : “Ngày nay lận đận là ... giọt hư không”! Quả vậy, chưa thể, không thể và không bao giờ là “giọt hư không” …

Thế nên, lật tờ lịch trong một ngày tháng tư, lại thấy càng gần hơn đến thời điểm hạ tuần của một tháng tư mới, cùng với người xa xứ, chúng tôi cùng chia sẻ nỗi niềm thương nhớ quê nhà, nhớ từ tháng tư năm ấy, mà đằng sau tháng tư đó, chính nơi đã là quê nhà đã mất của chúng ta …  
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Tháng Tư/2014
Manh Dang

... kế tiếp với dòng người bỏ nước ra đi ...
----------------
Tiến thoái lưỡng nan - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét