Đó là lời tin nhắn trong điện thoại của một nữ sinh
cấp III cư trú ở Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước gởi vào điện thoại của
thầy của mình … Không biết đã “giảng dạy” bằng cách gì ? “giáo dục”
như thế nào ? “sư phạm” ra sao ? mà vị thầy khả kính được cô trò nữ “ưu
ái” gởi tin nhắn động trời như thế ?
Chỉ là câu chuyện “vòng tay học trò”(1) trong số vô vàn
câu chuyện của thời nay về mối quan hệ thầy trò thuộc phạm vi giáo
dục … mà nếu sống ở thời nay, thì đức ngài Khổng Tử, người được
xưng là “thầy của các thầy” chắc sẽ phải khóc thét vì quá kinh
ngạc ! Mà không kinh ngạc sao được
khi đức ngài đã từng là cha đẻ của khái niệm thứ bậc “Quân Sư Phụ”
tồn tại, chi phối xã hội một loạt các nước Á Đông suốt hơn hai
nghìn năm qua trong lịch sử cho đến nay.
Tương tự thế, để mưu đồ cho sự nghiệp dân giàu nước
mạnh, ông Quản Trọng thời Xuân thu vẫn đề cao giáo dục khi dâng kế
sách “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; Bách
niên chi kế, mạc như thụ nhân” hiểu nôm na “Kế hoạch một năm không gì bằng trồng
lúa; Kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; Kế hoạch trăm năm không gì bằng
trồng người”. Mà trong sách lược giáo dục, thì chính người thầy là
trung tâm.
Khổng Tử - Người đề xướng "Quân Sư Phụ" |
Tọa lạc ở vị trí địa lý Á Đông, thoát thai từ một
quốc gia mang nặng tư tưởng Nho giáo từ lịch sử hàng nghìn năm, nền
quân chủ Việt Nam cũng đã từng xem “Quân Sư Phụ” của Đức Khổng như là
nền tảng, giềng mối thứ bậc tôn ti trong quốc gia. Theo đó, đặt để
vai trò của Quân tức là vua ở vị trí quan trọng bậc nhất, sau vua
mới đến Sư tức người thầy trong xã hội và sau cùng mới đến Phụ tức
người cha trong gia đình …
Ngày nay, cùng với việc cáo chung của nền quân chủ,
thì Quân tức vua cũng đã phải bế mạc luôn vai trò chúa tể trị vì
của mình … Tuy nhiên, thứ bậc của Sư và Phụ hầu như vẫn giữ nguyên
vị thế tồn tại từ lịch sử, trong đó, Sư tức người Thầy vẫn giữ vai
trò đặc biệt quan trọng trong xã hội.
Nhắc đến Sư/Thầy cũng vô nghĩa nếu không bao gồm
Đồ/Trò, tức là mối quan hệ Sư Đồ hay Thầy Trò …
Chẳng phải người Việt ta vẫn thường được giáo dục
tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, vẫn thường đọc trong sách thấy câu “Nhất
tự vi sư, bán tự vi sư”, vẫn thường thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu
học văn” treo trang trọng trong các trường học, vẫn thường nghe câu hò
ru “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”,
hoặc nhắc nhở nhau “Không thầy đố mày làm nên” …
Thế nhưng, như câu chuyện có thật đã kể “Thầy ơi! Nhớ
mua bao cao su cho em nha, em nhớ thầy lắm rồi !?! ”, cho thấy quan hệ Sư Đồ tức Thầy
Trò ngày nay dường như đang mang một bộ dạng rất khác so với những
điều tốt đẹp mà chúng ta thường giáo huấn nhau, điều đó được thông
tin nhan nhản trên báo đài với những cái tít sẽ làm lo lắng bất cứ
ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, điều đáng nói là những thông
tin kiểu như thế xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn, tựa như :
- Có cô giáo bóp cổ con trẻ hay dốc ngược
đầu toan nhận vào lu nước ở thành phố nay mang tên ông Hồ Chí Minh, ở
Bình Dương hay ở Đồng Nai …
- Có thầy giáo tát đến thủng màng nhỉ tai
học trò ở Hà Tĩnh, hoặc ở Bình Định lại có thầy tát lấy tát để
vào mặt trò, phản ứng lại, trò cũng dang tay tát thầy trả lễ …
- Có thầy giáo bán điểm lấy tiền và cũng có
những thầy giáo “dạy” học sinh cách gian lận thi cử ở đất thủ đô
ngàn năm văn vật …
- Có những thầy giáo gạ tình lấy điểm, tống
tình, thậm chí cưỡng dâm, hiếp dâm nữ sinh ở An Giang, Nghệ An, Đồng
Tháp, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Cần Thơ, Đắc Lắc, Hải
Phòng, Phú Thọ, Hà Nội, TP.HCM … Không những là thầy giáo, có người
đồng thời đã giác ngộ chính trị đến bí thư chi đoàn trường vẫn cam
lòng hiếp dâm 05 nữ sinh lớp ba ở Bắc Ninh …
Bị án Sầm Đức Xương - Hiệu trưởng mua trinh và tổ chức mại dâm nữ sinh |
- Có vị hiệu trưởng mua trinh nữ sinh bằng
tiền và bằng điểm, rồi tự mình chăn dắt đường dây mại dâm với con
hàng là chính các nữ sinh của mình, chuyện ở Hà Giang …
- Có cô giáo “bóp” vùng kín của nam sinh
cấp ba là cách để phạt ngay dưới sân trường tại TP.HCM …
- Có những trường thu tiền “chống trượt thi”
cao học ở Thanh Hóa, tốt nghiệp trung học ở Gia Lai …
- Có thầy hiệu phó dùng kéo cắt vụn đồng
tiền quốc gia trước mặt các thầy cô giáo khác ở Hải Dương …
- Có thầy thuê côn đồ hành hung người vì tư
thù ở Hà Nội …
- Có thầy tổ chức đường dây cá độ bóng đá
ở Sóc Trăng …
- Có những thầy giáo, cô giáo lừa đảo
chiếm đoạt tiền của người xin việc làm ở Nghệ An, Thái Bình …
- Có thầy trộm cắp tài sản để hút chính
ma túy ở Hà Tĩnh …
- Có thầy tạt acid vào mặt 04 đồng nghiệp ở
Đồng Tháp, hoặc sinh viên tạt acid rồi cầm dao rượt chém thầy giáo ở
TP.HCM …
- Có những phụ huynh hành hung giáo viên ngay
trên bục giảng ở Hà Tĩnh …
- Có những trò tìm đến nhà thầy để xin điểm trắng
trợn rất nhộn nhịp vào mỗi kỳ thi, chuyện có ở mọi nơi ...
- Có những trường tổ chức gian lận thi cử
quy mô lớn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước …
- Có những nam sinh rủ bạn chặn đường hành
hung thầy ở An Giang …
- Có những học sinh đăng lời xúc phạm thầy
cô giáo trên trang mạng xã hội facebook …
- Có những …
Và có những … câu chuyện bất ưng về quan hệ Sư Đồ như
thế này cứ kéo dài mãi không dứt ! Nó hiện diện ở khắp mọi cấp dạy
và học trong hệ thống giáo dục quốc gia, từ nhà trẻ cho các cháu
từ tầm 12 tháng tuổi đến mẫu giáo, từ các bậc tiểu học, trung học,
đại học, sau đại học và đến tận bậc học vị cao nhất … từ hầu hết
ở các tỉnh thành trong cả nước, trong đó, bao gồm cả đất thủ đô nghìn
năm văn vật và thành phố mang tên
ông Hồ Chí Minh, từ phạm vi giáo dục thuần túy công đến bán công hay
hoàn toàn tư !
Cho dù, vẫn còn hàng vạn thầy cô miệt mài thực
hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình, thì những câu chuyện liệt
kê trên đã mô tả sự nghiệp “trồng người” ngày nay có vẻ đã như hình
ảnh một khu vườn tan hoang, xác xơ, rệu rã sau cơn bão. Và cái tát
của cậu học trò trả lễ vào mặt thầy mình xảy ra ở Bình Định,
đích thực là cái tát vào khuôn mặt của quan hệ Sư Đồ đời nay …
Đành rằng ở thời đại nào cũng có những câu chuyện
vô luân, vô đạo xảy ra trong quan hệ Sư Đồ, nhưng chắc chắc rằng đối
với những câu chuyện bất ưng như thế thì không có thời đại nào có
thể so sánh bằng được với thời đại ngày nay ở Việt Nam … cả về tính chất, mức độ, số lượng, về
tính phổ biến … nó vượt xa các ngưỡng, các giới hạn mà xã hội đã
từng biết hay từng tưởng tượng ra.
Nêu ra vấn đề như là một hiện tượng xã hội, quả
thật, người viết không đủ khả năng điểm mặt, chỉ tên nguyên nhân …
Nhưng phải chăng, khi “Thượng bất chính” thì ắt “Hạ tắc loạn”, người
thầy mất đi tấm gương để soi rọi, thì bản thân họ cũng không còn là
tấm gương để người trò soi rọi, và ta đã bị mất đi những tấm gương
soi rọi ấy từ khi nào vậy ? và ta vẫn sẽ phải sống với tình trạng
đó cho đến bao nhiêu thế hệ nữa ? Đồng thời, cũng không còn có thể
đổ thừa là tàn dư, là ảnh hưởng của bất kỳ chế độ nào khác, khi mà
39 năm qua đất nước thuộc quyền quản lý của chế độ cộng sản.
Với tư cách là phụ huynh của người trò trong xã hội
ngày nay, người viết nghĩ mà lo lắng quá …
Người viết tiếc ngẩn ngơ cho nền giáo dục Việt Nam
khi bất chợt đọc được những lời lẽ hết sức cao quý của một vị
giáo sư dạy học ở miền Nam trước năm 1975, về một cơ sở giáo dục đã
từng có ở Dalat : “Thành quả đẹp đẽ của Viện Đại Học Đà Lạt chính là tinh thần
Thụ Nhân. Thụ Nhân không khép lại cùng biến cố 1975 chỉ trong khuôn viên Đại Học
Đà Lạt. Tinh thần đó vẫn còn tiếp nối, mở
rộng ra khắp chốn và trải dài theo tháng năm - GS Vũ Quốc Thúc”.
Khi những giá trị vô giá của giáo dục “… vẫn còn tiếp nối, mở rộng ra khắp chốn và
trải dài theo tháng năm …” không hề bị giới hạn bởi biến cố chính
trị hay lịch sử hoặc ý thức hệ, nó vượt qua mọi không gian địa lý, vượt
qua mọi thách thức thời gian … đến nay thì giá trị đó vẫn còn hiện
diện, nhưng không phải ở Việt Nam lúc này !
“Quân Sư Phụ”, cái ngôi vị thứ hai trong xã hội của người thầy thời xưa vốn được đặt trước cả cha mẹ, chỉ có dưới vua, giờ đang nằm ở vị trí nào trong xã hội ngày nay ? nhưng chắc chắn không ai mong vị trí ấy nằm dưới cát tát tai của cậu học trò người Bình Định ? không và không bao giờ !
Manh Dang
* “Vòng tay học trò” tiểu thuyết được xuất bản trước năm 1975 của nữ văn sĩ
Nguyễn Thị Hoàng
* Bài này tôi viết dang dở vào tháng 11/2013, nhưng
tôi thấy không thích hợp để chia sẻ trong thời điểm kỷ niệm những
ngày hiến chương nhà giáo 20/11, nên tôi gác lại để lần khân cho đến
nay, đến sự kiện thầy giáo tạt acid vào đồng nghiệp của mình tôi
thì có lẽ cũng chưa phải là sự kiện cuối cùng trong “danh mục xấu
xí” của ngành giáo dục, nhưng nó đã thúc đẩy tôi cập nhật, hoàn
chỉnh và chia sẻ bài viết hôm nay …
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục
lục Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét