9 tháng 6, 2014

“GIẶC Ở SAU LƯNG NHÀ VUA ĐẤY !”




“GIẶC Ở SAU LƯNG NHÀ VUA ĐẤY !”


“Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”(1)

Khoảng thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi đất nước còn đang đắm chìm, rên xiết trong xiềng xích nô lệ của người Pháp, nhưng đâu đó người Việt ta cứ dửng dưng, xem việc cứu nước, cứu nền độc lập dân tộc là việc “quốc sự”, việc của các nhà cách mạng vào sinh ra tử, chẳng phải chuyện của mình, của quảng đại quần chúng.

Lo lắng, sốt ruột về tinh thần bạc nhược của dân ta, khi làm bài thơ về chiếc “Đồng hồ náo”, nhà chí sĩ Phan Bội Châu viết :

“Khen cho tài ngủ người mình nhỉ
Reo đã bao lâu cũng kệ thây”


Trong một bài thơ khác cùng thời kỳ ấy, bài “Á Tế Á Ca” (tác giả chưa rõ) cũng có đoạn :

“Thương ôi ! Bách Việt giang san
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh ?”


Cho thấy, khi quốc gia hữu sự, trong những thời khắc nhất định của lịch sử, thì sự ý thức, đồng tâm, hiệp lực của cả dân tộc không phải lúc nào cũng song hành !?

Chắc ai đó sẽ vội vàng gọi ngay tên sự kiện “Hội nghị Diên Hồng” của vua tôi thời Trần để phản đối, nhưng với tất cả sự tôn trọng, tôi xin thưa, quả thật chúng ta đã có trang sử hào hùng đó thật, nhưng có vẻ, chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử lẻ loi ấy trong suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử …

Lý giải như thế nào về sự thờ ơ, dửng dưng, vô tình, vô cảm, bạc nhược của dân ta trước những vấn đề mang tính chất quyết định của đất nước, kể cả trước đại họa vong quốc ? Có thể vì tinh thần dân tộc quá nhạt nhòa ? Vì tính ỷ lại ? Vì tính vị kỷ ? Vì sự sợ hãi ?

Với tôi, tôi gần thấy như mình có đủ các tính ấy !!!

Bởi lẽ, có những lúc tôi đi ngang qua đám đông đang trương cờ, biểu ngữ để thể hiện lòng yêu nước, tôi chỉ gương mắt tỏ vẻ hiếu kỳ, tò mò về một sự kiện bất thường trên đường phố rồi thôi, nếu không, tôi mừng thầm vì có một câu chuyện đắc ý để làm quà trong buổi nhậu chiều tan sở ! Tôi dửng dưng vì trong tôi có lẽ chưa hề tồn tại tinh thần dân tộc !

Có những lúc, tôi xem một vài clip quay cảnh nhân viên an ninh đang khuyên giải người biểu tình hãy để những chuyện cứu quốc cho Đảng và Chính phủ lo, có vẻ điều đó thật thuyết phục ! Vì xung quanh tôi,  cuộc sống còn quá khó khăn quay cuồng với “cơm, áo, gạo, tiền”, các hóa đơn hàng tháng của tiền thuê nhà, tiền chợ, điện, nước, xăng, gaz, học phí của con … tháng trước chưa xong tháng sau đã lù lù đến. Nên khi nghe việc cứu quốc là việc của Đảng và Chính Phủ, tôi thấy chính mình đang vội vàng gật đầu thỏa hiệp ! Sự ỷ lại trong tôi chưa bao giờ lớn như thế !

Hoặc giả, tôi có một gia đình yên ấm, một căn nhà đẹp, một chiếc ô tô đi nghỉ xa vào mỗi dịp cuối tuần, một ít tiền gởi ngân hàng cho những dự án tài chính hiệu quả hơn. Cho nên, tôi chỉ muốn chính mình được bình an, để tôi không bị mất đi những điều tốt đẹp mà tôi phấn đấu mãi mới có như ngày hôm nay. Ước muốn bình an ấy là chính đáng, hay là vị kỷ ? Tôi tin sẽ không bao giờ có câu trả lời đủ thỏa mãn !?

Hoặc giả, tôi đủ sự hiểu biết về hiện tình đất nước, về đại họa vong quốc đang chực chờ. Tôi mong chờ một minh chúa xuất hiện cùng đoàn dũng sĩ thiện chiến của người … tôi sẽ hò reo, tôi sẽ vổ tay cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng. Nhưng, trong cuộc chiến trước khi chiến thắng, cho tôi làm kẻ cầu an ! Sao thế ? Chẳng sao cả, khi kinh nghiệm sống từ xã hội này đã dạy rằng sự sợ hãi, bạc nhược sẽ giúp tôi sống lâu hơn !? Tôi không tranh đấu, tôi không hy sinh, vẫn sẽ có người khác làm việc ấy !

Thế thì, có vẻ một Trần Ích Tắc hay một Lê Chiêu Thống hoặc một kẻ nội gián chẳng phải tìm ở đâu xa, chính là tôi đấy ! Chính sự sự thờ ơ, dửng dưng, vô tình, vô cảm, bạc nhược … chính vì tinh thần dân tộc mai một, tính ỷ lại, tính vị kỷ và sự sợ hãi của tôi đã làm dân tộc tôi yếu đi, làm mồi ngon cho giặc ngoại xâm ! Tôi đích thị là kẻ nội gián thời hiện đại !

Chẳng phải tôi đã giật mình thon thót khi lịch sử đã vẽ nên hình hài của tôi qua câu chuyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”.

Ở đoạn cuối câu chuyện, sử xưa chép rằng, khi quân giặc đã đến sát chân thành, An Dương Vương mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không hiệu nghiệm nữa. Thành vỡ, quân tan, lửa cháy ngút ngàn … nên An Dương Vương vội vã đưa con gái là Mỹ Châu cưỡi ngựa chạy trốn cùng với mình. Ngồi sau lưng cha, Mỹ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc làm dấu trên đường. Khi chạy đến núi Dạ Sơn gần biển thì quân giặc đã đuổi gần đến. Không còn lối thoát, An Dương Vương hướng ra biển khấn thần Kim Quy giúp cho mình. Vua vừa khấn xong thì Thần Kim Quy hiện lên, bảo An Dương Vương rằng "Giặc ở đằng sau lưng nhà vua đấy !". An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhẩy xuống biển. Rùa Thần rẽ nước đưa nhà vua đi.

Thông điệp từ bài học lịch sử quá rõ ràng : Giặc không chỉ là kẻ ngoại xâm trương cờ, ôm súng đứng trong sân nhà mình, mà đôi khi chính là kẻ đang run rẩy núp sau lưng mình … Nhưng nếu tôi nói kẻ đang run rẩy núp sau lưng mình đang mang gương mặt của chính mình thì mọi người có ngạc nhiên không nhỉ  ?

Tôi đã ngạc nhiên một lần và rồi đã làm quen với nó hàng ngày khi soi mặt trong gương, và vì, tôi đang có ý định nói với mọi người về điều đó ! "Hãy tự soi gương nào, bạn có thấy giặc đang ở sau lưng của mình không ?".

“Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”(1)


09/06/2014
Manh Dang
-------------------
(1) Ca từ của nhạc phẩm “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966
“… Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”

-------------------
* Xem các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét