VÀO ĐẢNG, RA ĐẢNG
HAY CÂU CHUYỆN
"GẶP THỜI THẾ, THẾ THỜI PHẢI THẾ"
“Hắc bạch phân minh”, biểu
tượng được cách điệu bằng dải khăn đen viền lông thỏ trắng vắt trên
vai trái chiếc áo thụng màu đỏ kiêu hãnh của vị thẩm phán, ông ngồi
uy nghi ở vị trí tôn kính nhất trong phiên tòa, ông có quyền “nhân danh
quốc gia” dõng dạc tuyên đọc bản án … bên dưới, cử tọa im phăng phắc,
chú mục vào ông … họ gật gù như nuốt từng lời lẽ chuẩn mực phát
xuất từ lương tâm và luật phát, đó là lẽ công bằng, công lý mà ông đang
ban phát …
Thẩm phán, chức vị và hình
ảnh đó mãi mãi là ước mơ cháy bỏng của tôi suốt từ thuở thiếu
thời … Ước mơ này một phần được hình thành từ những câu chuyện mà
bố tôi kể về thời gian ông tòng sự tại một công sở của chính quyền
Sài Gòn cũ, Giám Sát Viện … trong số các câu chuyện của ông, một
lần ánh mắt của ông sáng lên đầy vẻ thích thú và tự hào, ông nói
đã có lúc ông được trao thẩm quyền “to” đến mức có thể đề xuất thanh
tra cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ … Tôi nghe mà “mắt
tròn, mắt dẹt” vì kinh ngạc và vì
phấn khích trước viễn ảnh về quyền của một vị pháp quan, người mà có
thể “lôi vua xuống ngựa” !
Trưởng thành, tôi đã vui
sướng biết bao khi ghi danh học khoa luật, tôi thấy mình đã bước đến
gần hơn với ước mơ … cùng khóa với tôi, có một chị đã đang là thẩm
phán, chị lãnh đạo một tòa án cấp quận ở trung tâm Sài Gòn, chị
tuy lớn tuổi nhưng thái độ học rất nghiêm túc, tính tình chị lại dễ
mến, dễ gần … nên tôi quý chị lắm.
Trong một dịp gần đến ngày tốt nghiệp, khi nói chuyện nghề nghiệp
và biết ước mơ của tôi, chị nói : “Em xem có đủ tiêu chuẩn để vào
đảng (tất nhiên là Đảng Cộng Sản) thì mới nên quyết định xin vào
làm việc tòa án nhé, nếu không phải là đảng viên thì không bổ nhiệm
làm thẩm phán được đâu ?!”.
Nghe đoạn, tôi như người vừa
bị hắt cả chậu nước lạnh vào mặt vậy !!! Cảm giác bẽ bàng, thất vọng tràn trề
không thể tả được, nó khiến chân tay tôi rã rời … vì tôi biết rất rõ
mình không thể vào đảng được, vì không đủ tiêu chuẩn đã đành mà còn
vì các lý do không tiện thốt thành lời … theo đó, cái ước mơ cháy
bỏng của tôi cũng tan tành như bọt bong bóng xà phòng vậy, vì tuy nó
đẹp bóng bẩy nhưng tồn tại không hợp thời nên hóa ra mỏng manh, dễ
vỡ quá !!!
Quả thật, mặc dù pháp luật không
có quy định, nhưng đã trở thành một quy định bất thành văn của chế
độ và của ngành tư pháp nói riêng : Phải là đảng viên Đảng Cộng Sản
thì mới có thể bổ nhiệm làm thẩm phán ! Nói khác, tấm thẻ đảng viên
đã là giấy chứng nhận ưu quyền cho người sở hữu nó !
Tôi không có ưu quyền, có lẽ,
đó là sự “kém may mắn” của tôi chăng ? Nhưng nó cũng đã trở thành sự
“kém may mắn” của nhiều con em người dân Miền Nam sống qua hai chế độ
…
Cánh cửa vào thiên đường ước
mơ đã sớm đóng sầm cánh cửa trước mũi tôi … tôi tìm cách tập sự
nghề luật sư, tuy cũng là một nghề chuyên ngành luật pháp, nhưng tôi
không thật sự thích lắm, vì đôi khi sự linh động của nghề nghiệp khiến
hình ảnh người luật sư có vẻ trở nên giảo hoạt, kém sự chuẩn mực đáng
kính trọng của người thẩm phán mà tôi hằng trân quý ! Âu đó có lẽ cũng là do số phận …
Nhưng sau đó, như quán tính,
tôi thường hay để ý về các vấn đề đảng phái …
Ở Việt Nam, đã có những thời
kỳ đảng viên của đảng cầm quyền thì có những ưu quyền nhất định hơn
là anh “phó thường dân”, mặc dù, đôi khi đảng viên vào đảng chưa hẳn
là vì lý tưởng, tôn chỉ của đảng, mà chỉ là vì những lý do họ
không tiện nêu tên mà thôi …
Đơn cử như tại Miền Nam trước
năm 1963, trong số các đảng phái chính trị cùng hoạt động thì đáng
kể nhất là “Đảng Cần Lao Nhân Vị” do chính những người lãnh đạo chủ
chốt của chính quyền khi ấy thành lập … Bố tôi đã từng kể : Hầu như
khi ấy đi làm trong chính quyền thì có ai mà không phải là đảng viên
Đảng Cần Lao đâu ?! Đến sau chính biến tháng 11/1963, khi vai trò lãnh
đạo chính quyền của những người lãnh đạo chủ chốt chấm dứt thì
Đảng Cần lao cũng mặc nhiên giải tán, hầu như, không hề có đảng viên
nào từng có ý định phục hoạt cho đảng cả … Cho thấy, có lúc lý do
để trở thành đảng viên của một đảng phái có thể chỉ là cách hành
xử mang tính cách đối phó với thời thế mà thôi, như một danh sĩ nhà
Tây Sơn đến khi vận mạt phải thốt : “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp
thời thế, thế thời phải thế !” (*)
Ngày nay, chính thức, công
khai và hợp hiến thì chỉ duy nhất có một là Đảng Cộng sản hoạt
động ở Việt Nam với con số ước đoán đến gần bốn triệu đảng viên …
Nhưng chắc chắn, không mấy ai có thể quả quyết rằng 100% đảng viên là
toàn tâm, toàn ý với lý tưởng, tôn chỉ đảng ... Ai trong số họ là
những kẻ “Gặp thời thế, thế thời phải thế “ ? Tỷ lệ ấy là bao
nhiêu nhỉ ? Nhưng chắc không nhỏ! Một phần tệ hơn trong đó thường được
gọi với cụm từ : “Một bộ phận không nhỏ” hay cụ thể, chi tiết là : “Một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí
lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa
vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài,
kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc …”
(trích Nghị quyết TW khóa XI).
Song song đó, trong bối cảnh hiện
nay, chúng ta, những phó thường dân vẫn đang “ù tai” vì lần đầu tiên
đã có sự xác nhận công khai từ chính người đứng đầu đảng về điều
bấy lâu nay ai cũng hiểu, cũng biết, kiểu như : “ … xây dựng CNXH còn lâu
dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay
chưa” (nguồn : Tại
đây hay Tại
đây).
Ấy thế mà, thăm trang fb của
một đứa cháu gái mà chúng tôi rất quý mến, vì cháu rất ngoan, tính
tình đằm thắm mà lại giỏi giang, tôi sửng sờ khi thấy cháu đưa tin, hình
ảnh với dòng stt “Xin thề, xin thề, xin thề !”, cho thấy cháu đã trở
thành đảng viên … tất nhiên ! đảng viên Đảng Cộng sản …
Trước tin này, cảm giác trong
tôi rất lẫn lộn, có vui mà lại có buồn, vừa mừng mà lại vừa lo …
Mừng cho cháu vì con đường
hoạn lộ của chế độ mở ra cho cháu đã có vẻ thênh thang hơn, cháu không
phải chịu sự bẽ bàng mà tôi đã từng có, nhưng cũng thương và lo lắm
nếu đến thời điểm đảng đã hoàn thành sứ mệnh của mình thì chắc
cháu không tránh khỏi rầy rà …
Vui cho cháu vì sự giỏi giang
của cháu mà tôi đã biết, nay được chế độ thừa nhận bằng phần
thưởng là tấm thẻ đảng, nhưng cũng buồn vì cháu trở thành đảng viên
của một đảng mà sự thiện cảm, lòng tin đã trở thành những thứ xa xỉ đối với công dân là tôi
…
Cháu vào đảng trong bối cảnh
khi mà bắt đầu đã xuất hiện những tuyên bố công khai bỏ đảng, những tuyên
bố thách thức về đường lối cai trị của đảng … là những điều chưa từng
có từ trước cho đến nay !
Thật là, “Con cá trong lờ đỏ lơ
con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô !”.
Tôi muốn viết riêng cho cháu điều
này : Cháu yêu quý của cậu, nếu có đọc stt này, cháu hãy “cứ làm
ngơ” như chưa từng biết, chưa từng đọc, đừng dại dột like nhé ! Đảng,
nơi mà cháu gởi gấm sinh mệnh chính trị của mình sẽ không like nếu
cháu trót like stt này … bởi lẽ, sự thể hiện chính kiến nếu có,
thì cũng cần có sự định hướng khuôn phép mà đảng của cháu đã định
sẵn cho cháu …
Cậu thực tâm mong muốn con
đường hoạn lộ của cháu vẫn cứ mãi thênh thang, nhưng cậu cũng mong
muốn sớm nhìn thấy chín mươi triệu đồng bào của chúng ta được sống
như con người văn minh … Với sự giỏi giang của cháu, chắc cháu cũng
biết hai sự mong muốn như thế có song hành với nhau hay không nhỉ ?
Thôi thì tặc lưỡi và cứ thốt
như danh sĩ nhà Tây Sơn thuở nào : “Gặp thời thế, thế thời phải thế”
!
Manh Dang
---------------
(*)
Khi đắc thời, Ông Đặng Trần Thường
vì thù riêng nên ra vế đối cho bại tướng dưới tay mình là danh sĩ nhà
Tây Sơn Ngô Thì Nhậm : “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết
ai”.
Danh sĩ nhà Tây Sơn Ngô Thì Nhậm
đối trả : “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.
---------------
Đọc thêm :
Bài viết mới :
Bài viết về hoài niệm, tự sự :
Bài viết về thế
sự :
Truyện ngắn (sưu tầm) :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét