6 tháng 5, 2014

LÁ DIÊU BÔNG

LÁ DIÊU BÔNG



Chuyện kể rằng từ đầu thế kỷ trước, một cậu bé học trò đã chót mang lòng yêu một cô gái hơn mình tám tuổi ! Ngày kia, cô gái ấy nói vu vơ với cậu bé "Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng". Không biết rằng chiếc lá có thật hay không ? Nhưng cậu bé học trò vẫn mải miết đi tìm ... Bốn năm sau, cô gái đi lấy chồng.

Hai mươi lăm năm sau, năm 1959, trong một ngày đông rét mướt, cậu bé học trò ngày trước nay là thi sĩ Hoàng Cầm cho ra đời bài thơ "Lá Diêu Bông" :

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
... ới Diêu bông...!

Khoảng đầu thập kỷ 80, ở hải ngoại, bài thơ “Là diêu bông” lại được nhắc nhớ lại khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này, đến một thập kỷ sau, trong nước, nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc bài thơ với tựa khác “Sao em nỡ vội lấy chồng”!

Ba lần, một lần với thi sĩ Hoàng Cầm và hai lần khác với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Trần Tiến đã đưa dân tôi, những người yêu nghệ thuật đến một khía cạnh rất khác của sự lãng mạn trong tình yêu, với nhiều cung bậc cảm xúc !

Sao mà không lãng mạn với hình ảnh đứa em trai mãi cặm cụi đi tìm chiếc lá thần thoại để hy vọng chinh phục cho bằng được trái tim của người chị mà mình đã trót mang lòng yêu thương !  “Diêu bông hời ... ới Diêu bông...!”.

Là diêu bông, tôi sẽ gọi đấy là chiếc lá thánh tình yêu !



Tôi đã từng những tưởng rằng, chỉ riêng trong chuyện yêu đương của thi sĩ Hoàng Cầm thì mới có chiếc lá thánh “diêu bông” thần thoại, góp thêm hương vị vào khối di sản yêu đương của người đời. Bé cái nhầm ! Chẳng phải là thi sĩ, không phải là nhạc sĩ, càng không phải là nghệ thuật, và cũng chẳng cần đến nguồn cảm hứng của yêu đương … non trăm triệu đồng bào tôi vẫn đang mải miết dắt díu, cặm cụi cùng nhau đi tìm chiếc lá thánh “diêu bông” đấy thôi …  một cơn lên đồng tập thể xuyên thế kỷ !

Chiếc lá thánh “diêu bông” của non trăm triệu đồng bào tôi, khi tìm ra nó, thì chúng tôi sẽ được đền đáp lại bằng một thiên đường hay niết bàn gì đó, ở đấy, như vị tổ Marx mô tả, không còn người bóc lột người, không còn cần đến nhà nước, chính quyền, mọi người chỉ cần làm theo năng lực, nhưng hưởng theo nhu cầu, nói khác, mọi người từ già chí bé đều trở thành những vị tiên ông, tiên bà, tiên cô, tiên cậu, tiên bé sống giữa đời thường …

Như cậu bé học trò Hoàng Cầm ngày trước, hăm hở chỉ sau hai ngày tìm thấy lá diêu bông, thì năm 1945 người dân tôi cũng ngỡ tìm thấy chiếc lá thánh của mình, bằng sự cáo chung của nền quân chủ, bằng sự đoàn kết các đảng phái chính trị trong một chính phủ liên hiệp, nhưng :

Chị chau mày

Đâu phải Lá Diêu bông

Sau cái chau mày của “chị” cũng như sự tan vỡ của chính phủ liên hiệp … cậu bé học trò cũng như người dân tôi sớm choàng tỉnh sau giấc mơ vui tươi trẻ của mình !

Không nản chí, vào mùa đông sau đó của cậu bé học trò, cũng như vào cuối xuân 1975, lần nữa chúng tôi cùng nhau mang về chiếc lá thánh “diêu bông”, một cơ hội khác để chinh phục tình yêu, một cơ hội khác để phát triển đất nước sau ngày thống nhất. Nhưng tình yêu vẫn chưa mỉm cười, chốn thiên đường vẫn cửa đóng, then gài …

Chị lắc đầu

Trông nắng vãn bên sông

Bốn năm sau, cậu bé học trò tìm thấy lá diệu bông, dân tôi cũng lại tìm được chiếc lá thánh “diêu bông” khác … hẩm hiu như chuyện người chị yêu của thi sĩ đã sang ngang theo chồng bỏ cuộc chơi, thì chốn thiên đường của dân tôi lại càng thêm mịt mùng khi người dẫn đường than vãn “Đến hết thế kỷ này không biết đã có thiên đường ở Việt Nam hay chưa ?”(1), tuy vậy, hành trình vĩ đại của dân tôi từ thế kỷ trước sang đến thế kỷ này để tìm chiếc lá thánh “diêu bông” vẫn tiếp tục “kiên định” như những con cua đi ngang về ngửa vào mùa di trú mới …

Chị ba con

Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

Một dịp khác cho cậu bé học trò tìm thấy chiếc lá diêu bông, nhưng sự hẩm hiu vẫn đeo bám dai dẵng mãi thân phận chàng thi sĩ khi “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn” ! Cũng như thế, mê muội với chốn thiên đường đã được “định hướng”, lại một chiếc lá diêu bông “kinh tế thị trường theo định hướng thiên đường” được dân tôi tìm thấy, lần này, không phải chị yêu mà người anh lo bếp núc cho dân tộc (2) “xòe tay phủ mặt” khẽ khàng thốt : “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” !?!

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
... ới Diêu bông...!

Hoàng Cầm ông hỡi ơ hời, sao ông cứ trêu mãi dân tôi !

Manh Dang
------------------

(2. "Làm gì có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đi tìm - Bùi Quang Vinh"
--------------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét