VĨNH BIỆT DALAT
Xe be (xe reo) - Loại xe đã đưa chúng tôi di tản từ Dalat đến Bình Tuy (La Gi) |
tôi đi
khi nơi ấy đã là cõi mộng hoang
khi thông già đã bặt tiếng ru hờ
khi chi lăng nép mình trong sương trắng
khi đồi xanh rợp cỏ níu chân người
khi người rời mà chẳng nói chia tay
bởi ai đi nào đã biết ngày về
bởi khi về nào biết đã còn ai
tôi đi
Buổi sáng, mẹ đánh thức tôi dậy, tôi thấy mình đang nằm trên mép chiếc chiếu ẩm ướt cùng một vài đứa trẻ khác dưới gầm chiếc xe be … tôi đã không nhớ rõ mình đã thiếp đi như thế nào trong đêm, khi ấy còn đang rực nguyên ánh lửa đỏ sáng cả bầu trời đêm Dalat, bất thường tựa như thú hoang đang điên cuồng làm loạn.
Nhưng trong sáng nay, tôi ngỡ ngàng lắm vì thấy không khí yên ắng lạ thường, sự ồn áo quá mức của đêm qua đã tan biến đâu mất như chưa từng xảy ra vậy, khiến tôi tự hỏi chuyện đêm qua chỉ là ác mộng thôi chăng ? Nhưng quang cảnh xung quanh khi tôi thức giấc không phải là gường ấm, nệm êm quen thuộc đã giúp tôi câu trả lời cho sự kiện lúc đêm đã là sự thật !
Lúc này bãi xe khá đông người, nhưng dường như trong tâm tưởng của ai cũng đang trĩu nặng nỗi khiếp sợ chưa từng có trong đêm nên không dám gây nên tiếng động lớn … cứ như họ sợ lại làm thức giấc con thú hoang điên cuồng trong đêm !
Tôi được mẹ đỡ lên phần thùng xe be và ngồi trên một chiếc va li con, bên cạnh là một giỏ nhỏ toàn thuốc tây, ngay phía trên chỗ tôi ngồi có treo sẵn mấy tấm mền màu sắc sặc sỡ mà khi ấy chúng tôi hay gọi là mền Đại Hàn được căng sẵn để che nắng, không chỉ riêng xe chúng tôi mà hầu hết các xe be trong bãi đều căng phủ những chiếc mềm này … Tôi thấy những thứ này quen mắt lắm, về sau mẹ tôi mới kể lại rằng khi tôi đang ngủ, thì Bà đã trở về nơi ở của mẹ con chúng tôi ngay trong đêm đó trên chiếc xe be của hãng xe này, chuyến trở về đó là kết quả sự thỏa thuận chóng vánh mà cả hai bên, ông chủ hãng xe và mẹ con chúng tôi đều có lợi, thế nên, hãng xe đã cam kết đưa mẹ con chúng tôi đi di tản, nhưng một phần khác của nội dung thỏa thuận sẽ mãi mãi là điều không tiện chia sẻ … Chỉ có điều, tôi hiểu nguyên nhân khi mà ông chủ hãng xe đã xiết chặt tay mẹ tôi và bảo “Cô đã cứu chúng tôi !” lúc chia tay chúng tôi ở cảng cá thuộc Bình Tuy (La Gi) sau này …
“Ngộ biến tùng quyền”, khi bị đẩy đưa đến hoàn cảnh ngặt nghèo, thì từ một người phụ nữ “chân yếu, tay mềm”, một công chức mẫn cán chỉ biết đến 8 giờ vàng ngọc ở công sở và rất nhát bóng đêm thì mẹ tôi đã trở nên dũng cảm và mạnh mẽ phi thường, Bà đã lanh trí để tự giúp mình và giúp nhiều người khác theo cách và khả năng của Bà lúc ấy !!!
Cũng là cái duyên, vì còn hai hay ba gia đình của tài xế đêm qua không kịp đến bãi xe được, nên hãng xe đã đợi đến rạng sáng nay để họ kịp đến cùng đi, và nhờ thế nên mẹ tôi và hãng xe mới có duyên lập một thỏa thuận để giúp nhau !
Khi những tia nắng tinh tươm đầu tiên ló dạng trên ngọn thông già ở hè phố, thì đoàn xe be rùng mình nổ máy tiến ra phía cổng để bắt đầu chuyến hành trình rời thoát Dalat !
Phố xá hoang vắng tuyệt nhiên không có lấy một bóng người lai vãng, khiến con đường hẹp như trở nên rộng thênh thang, dài hun hút, con dốc thấp hôm nào nay cũng trở nên cao hơn, quanh co hơn … những ngôi nhà ven đường cửa trong, cửa ngoài cài then khóa kín im ỉm, những tấm màn ri-đô sau ô kính cửa sổ cũng đờ đẫn như hóa đá, vô cảm khi đoàn xe be đang khua động đường phố, lúc này tiếng nổ máy xe bổng trở nên ồn ào thái quá, trái với hình ảnh mọi người trên xe đang lặng thinh, cố gắng thu mình cho nhỏ lại trong chiếc áo ấm … có vẻ như vậy họ sẽ an toàn hơn !
Đoàn xe tầm hơn mười chiếc di chuyển về phía đông dần dần rời xa Dalat … phố xá thưa dần. Trong tâm trạng rối bời, mơ hồ về hoàn cảnh, vô định về đích đến cùng với những dự cảm bất an … không ai trong đoàn người di tản kịp nghĩ đến chuyện nhìn lần cuối để tạm biệt Dalat, nơi đã dành cho họ quá nhiều cảm xúc và sẽ còn vương vấn mãi trong tâm thức của họ, cho dù có xa nơi này về thời gian tính bằng cả cuộc đời người hay về không gian xa cả một vòng quả đất …
…
khi người rời mà chẳng nói chia tay
bởi ai đi nào đã biết ngày về
bởi khi về nào biết đã còn ai
tôi đi
Theo từng cơn lắc lư, dằn xóc của loại xe vốn dĩ chỉ dùng vận chuyển gỗ từ rừng sâu … tôi đã rời xa và vĩnh viễn mất “Dalat ấu thơ” của tôi từ đó !
Sau này, khi đã trưởng thành, tìm hiểu thì tôi được biết con đường huyết mạch nối Dalat với Sài Gòn là Quốc lộ 20 đã bị “Việt Cộng” cắt đứt trước đó, từ ngày 25/03 tại La Ngà, Định Quán, ngày 28/03 tại Blao (Bảo Lộc), rạng sáng 31/03 tại Di Linh, nơi chỉ còn cách Dalat tầm hơn 60km !!! Đến rạng sáng ngày 03/04, ba ngày sau ngày chúng tôi rời Dalat, thì Dalat đã phải nằm dưới quyền kiểm soát của “chủ nhân mới” … thế nên, tôi mới hiểu lý do đoàn xe be đưa chúng tôi di tản đi về phía đông, hướng về Quốc lộ 1A lúc ấy vẫn đang dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn cũ.
Khi phố xá nội thành Dalat lùi xa dần, thay vào đó là những vườn rau xanh ngát trên nền đất đỏ ngoại ô hiện dần ra, đôi khi, mọi người như mơ hồ bắt gặp đôi mắt lặng lẽ hiếm hoi từ những khe hở của vách căn nhà gỗ, dựng cheo leo trên con dốc nhỏ ven đường … các vườn rau rồi cũng bị khuất hẵn sau những cánh rừng thông già bạt ngàn, chập chùng hiện ra liên tiếp không dứt … mọi người đã có vẻ bình tĩnh hơn, lúc này, phần thùng tải chiếc xe be đã như một cái nôi khổng lồ ru mọi người vào giấc ngủ muộn, để bù cho đêm trắng kinh hoàng trước đó, tôi cũng ngủ thiếp đi …
Tôi không rõ đoàn xe đã đi được bao xa khi các gia đình của hãng xe và những hành khách bất đắc dĩ đang ngủ, nhưng mọi người đều chợt choàng tỉnh khi đoàn xe dừng lại đột ngột, đâu đó ai nói “có cướp” … gây lao xao, nhốn nháo đoàn xe, mặt mọi người tái xanh … thì ra, có một người đi xe gắn máy ngược chiều báo có cướp ở phía trước, nên đoàn xe phải dừng lại … Chúng tôi thấy ông chủ hãng xe cùng các tài xế đứng bên vệ đường nói chuyện với nhau rất căng thẳng …
Mọi người trên xe nhất là phụ nữ đều cởi bỏ các trang sức đeo trên người, một trong số mấy người phụ nữ người Hoa ngồi cạnh chúng tôi, là chủ một tiệm cơm trên phố Hòa Bình mà mẹ con chúng tôi quen mặt, bà thầm thì điều gì đó với mẹ tôi, mẹ tôi gật đầu thì bà nhìn quanh quất rồi dúi một bọc ni-lon giấu vào bụng tôi …
Dự cảm mình đang tham gia vào một điều gì đó bất thường của người lớn, tôi khoanh hai tay trước bụng ngồi im thin thít chăm chăm nhìn vào bà … bà nói : “con cứ nhìn ra ngoài xe bình thường …”.
Tài xe trở về vị trí của mình sau tay lái, đoàn xe lại tiếp tục hành trình trong không khí căng thẳng, lo sợ … vì hoàn cảnh bất trắc mà mình không thể tránh.
Trên xe bổng có người phụ nữ lộn trái chiếc áo ấm của mình rồi cứ thế mặc vào người, tôi thấy cô ấy thật kỳ lạ trong chiếc áo lôi thôi ấy, hai cái túi áo khác màu cứ bay phần phật theo gió, thế nhưng, dù không có nói với nhau trước, thì hầu hết phụ nữ trên xe đều bắt chước như thế, họ lùa tay hất làm tóc rối bù, hay sáng kiến hơn bằng những trang phục khiến họ trở nên xấu xí nhất, mẹ tôi cũng vậy, bà lật tấm bạt che sàn xe để quệt bụi từ đó vào mặt, vào tay chân mình, vào cả chiếc áo len màu hồng đang mặc mà bà đã từng rất yêu thích, bà lấy vội chiếc gương soi để làm việc đó một cách nhiệt thành … chiếc gương soi, vật bất ly thân để làm đẹp của người phụ nữ, nay trong hoàn cảnh bất thường người phụ nữ muốn mình xấu thì nó vẫn tiếp tục làm người bạn trung thành …
Bên cạnh nỗi lo chung vì sợ mất tài sản, người phụ nữ có nỗi lo rất riêng của mình vì sợ xúc phạm đến nhân phẩm trong hoàn cảnh loạn lạc, ly tán, không an ninh và tệ hơn, không còn được bảo vệ !
Chạy được một đoạn thì tôi thấy hai bên đường đã lác đác có nhà dân, chốc lát đông dần rồi đoàn xe giảm tốc độ tiến chầm chậm vào một thị trấn nhỏ hoang vắng … chợt chuyện đến rồi phải đến, một loạt đạn chỉ thiên khô khốc nổ vang đinh tai, từ hai dãy nhà bên phố đột ngột xuất hiện năm hay bảy người đàn ông cầm súng dài lăm lăm chĩa vào đoàn xe, vẻ mặt họ lạnh như tiền đầy vẻ đe dọa … chiếc xe be chồm giật ngược lên khi bị phanh gấp … một tài xế bước xuống nói gì với một người trong số những người đàn ông cầm súng kia, người này đi đến gặp từng tài xế từ đầu đoàn xe trở xuống, nhận của mỗi tài xế một bao giấy, chúng tôi đoán là có tiền trong những bao giấy đó, xong việc họ phất tay ra hiệu, rồi đoàn xe lại từ từ lăn bánh, khuôn mặt mọi người giãn ra nhẹ nhõm, nhất là phụ nữ, chủ nhân của bọc ni lon của cải giấu trong bụng tôi đã nhanh chóng thu hồi lại tài sản của mình …
Lần khác của một ngày sau đó, đoàn xe cũng được nghe báo về nhóm cướp ở một thị trấn nhỏ phía trước, sau mươi phút hội ý thì đoàn xe quày trở lại, chạy độ mươi cây số thì họ rẽ vào một con đường đất đỏ thẳng tắp giữa rừng cao su như từng ô cờ, có lẽ đây là một con đường khác để tránh cướp ? Nhưng công cốc, chạy thế đến khoảng nửa buổi thì đoàn xe đã phải dừng lại trước một cây cầu sắt đã đổ sập, khi đoàn xe quay đầu trở ra, tôi còn kịp thấy phần đuôi một chiếc xe tải đang hất ngược hướng lên trời từ hố cầu sập, hóa ra, chiếc cầu đã đổ sập khi chiếc xe tải ấy qua cầu … Tôi nghĩ, nếu nạn nhân không phải là chiếc xe tải ấy, thì nạn nhân có lẽ sẽ là một trong những chiếc xe be trong đoàn xe của chúng tôi !
Tôi nhớ đoàn xe của chúng tôi đã phải quay lui để tìm đường đi khác khá nhiều lần trong suốt chuyến hành trình di tản, khi thì tránh cướp ở phía trước, khi thì tránh trận chiến đang giao tranh, khi thì bị tắc vì đường đã bị phía “Việt cộng” kiểm soát … nhưng nghĩ cũng may, vì các tài xế của hãng xe be này đều là những người chuyên vận chuyển lâm sản, nên họ rất thông thuộc đường đi lối lại để tìm một con đường khác thay thế, bù lại việc đó cũng làm con đường di tản của chúng tôi trở nên quá xa xôi …
Vì cùng đường, trở lại con lộ cũ, đoàn xe phải chuẩn bị như lần đầu gặp nhóm cướp …
(xem tiếp Ký Ức Dalat 4 - Vĩnh biệt Dalat (phần tiếp theo)
Manh Dang
(Viết hoàn tất vào tháng 3/2014, để tưởng nhớ Mẹ - “người bạn” đồng hành với tôi trong chuyến di tản ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm ấy … )
---------------
Một vài hình ảnh di tản của người dân Miền Nam năm 1975
Hình ảnh minh họa từ nguồn internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét