![]() |
Tượng Nữ Thần Công Lý |
ÁN OAN NGUYỄN THANH CHẤN
& VỊ NỮ THẦN CÔNG LÝ BỊT MẮT
& VỊ NỮ THẦN CÔNG LÝ BỊT MẮT
Trước đây, khi thấy hình ảnh về tượng nữ thần công
lý bị bịt mắt bằng dải băng, tôi nhủ thầm : “Nữ thần công lý bị
bịt mắt thế kia thì làm sao thấy rõ trắng đen sự việc mà phán xét cho
công bằng ?”, có lẽ, suy nghĩ khi ấy của tôi đã là suy nghĩ của
nhiều người …
Sau này, khi học khoa luật, tôi được thầy tôi, Tiến sỹ
luật khoa Đào Quang Huy (nay đã quy tiên) giảng về ý nghĩa của hình
ảnh tượng Nữ thần công lý bị bịt mắt, đại ý như sau : Bịt mắt để bảo
đảm vị thần công lý phán xét khách quan, vô tư, và công bằng cho tất
cả mọi người … không thấy thì phán quyết của vị thần công lý không
bị ảnh hưởng bởi người giàu sang hay kẻ nghèo hèn, người quyền thế
hay kẻ dân đen, người xinh đẹp hay kẻ xấu xí, người thân quen hay kẻ xa
lạ …
Đó là ý nghĩa của việc tạo hình Nữ thần công lý
bị bịt mắt theo quan điểm pháp lý phương Tây (nguyên thủy từ truyền
thuyết thần thoại Hy Lạp). Nhưng đến nay, ý nghĩa đó đã được nhiều
quốc gia trên thế giới cùng chia sẻ và chấp nhận, nên nó đã vượt lên
trên phạm vi giới hạn địa lý của phương Tây mà trở thành di sản pháp
lý chung của nhân loại …
Nhân sự kiện ở Bắc Giang, Ông Nguyễn Thanh Chấn, người
bị tù oan suốt 10 năm trời vừa được trả tự do, tôi không thể không
liên tưởng đến đến việc xét xử của tòa án chúng ta và hình ảnh
của vị nữ thần công lý …
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Chấn |
Như thế nào và tại sao các thẩm phán của tòa án
chúng ta lại có thể ra phán quyết sai lầm nghiêm trọng đến như vậy ?!
Sau việc này, uy tín của các cơ quan tư pháp, nhất là
tòa án ảnh hưởng nghiêm trọng …
Theo đó, chúng ta không thể không tự hỏi câu hỏi đầy
nhức nhối : Liệu còn bao nhiêu phạm nhân đang chịu thụ án oan trong
nhà tù mà không được may mắn như trường
hợp của Ông Nguyễn Thanh Chấn … Thậm chí, trên trang FB của một nhà báo kỳ cựu, giữa đồng nghiệp với nhau họ hỏi "... liệu có ai đã chết oan mà không kịp được minh oan ? Thật là một câu hỏi rùng mình ..." (Thuy Cuc).
Và bao nhiêu đơn kêu oan của phạm nhân (như phạm nhân
Nguyễn Thanh Chấn) thực tế được điều tra đến nơi đến chốn, hay là
lại điều tra theo quan điểm “án tại hồ sơ” ?
Sai lầm trong trường hợp của Ông Nguyễn Thanh Chấn, các
thẩm phán của tòa án có thể tự bào chữa mà cho rằng một loạt nhiều
cơ quan tư pháp như Cơ quan công an điều tra,
Cơ quan giám định pháp y, Viện kiểm sát và khâu sau cùng mới là Tòa án … với
nhiều cán bộ chuyên môn đã cùng tham gia để hình thành nên phán quyết
sai lầm nghiêm trọng ấy … như giải pháp "pha loãng" trách nhiệm ...
Nhưng trách nhiệm pháp lý có thể thấy ngay vẫn là
tòa án, bởi lẽ theo pháp lý, thì Ông Nguyễn Thanh Chấn không đi tù
vì Bản kết quả giám định pháp y của Cơ quan giám định pháp y, không
đi tù vì Bản kết luận điều tra của Cơ quan công an điều tra, không đi
tù vì Bản cáo trạng của Viện kiểm sát, mà ông phải đi tù (chấp
hành án) theo Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án …
Vậy cơ chế vận hành việc xét xử, đánh giá chứng cứ
như thế nào mà các thẩm phán của tòa án ta lại có thể cởi bỏ dải
băng đeo mắt, làm một vị thần công lý “mắt sáng” để mà phán quyết
một bản án oan ức, sai lầm !?
Trường hợp án oan thì đây không phải là trường hợp
đầu tiên và cũng phải là chỉ riêng có ở nước ta …
Trong nhiều trường hợp bào chữa cho các thân chủ trong
các vụ án hình sự, tôi cũng phải giật mình thon thót vì kết quả
phán quyết của tòa án, quả thật, tôi thấy thân phận pháp lý của
công dân trong tố tụng được bảo vệ mong manh lắm … Ý chí của cơ quan
điều tra, của kiểm sát viên được tòa án chia sẻ nhiệt thành hơn lời
bào chữa của luật sư … Tôi thường nghe họ giải thích lý do : Cả một
bộ phận truy tố với nhiều cơ quan, con người thực hiện không lẽ thua một
luật sư sao ?!
Để khắc phục vấn đề, có lẽ các nhà làm luật và
thực thi pháp luật phải hao tâm tổn trí nhiều, và đòi hỏi thời gian
…
Thiển ý của tôi, trước mắt, chỉ cần một và chỉ một
điều ở khâu xét xử của tòa án, là khi đánh giá chứng cứ, bên cạnh
chứng cứ buộc tội có chứng cứ gở tội hay vô tội thì phải “TRIỆT
ĐỂ” áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội” …
Được như thế, tôi bảo đảm án oan sẽ giảm đáng kể …
Nhưng để áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội”, thật
ra, vị thẩm phán phải dũng cảm lắm, thế nên …
Manh Dang
____________
Đọc thêm :
Bài viết mới :
Bài viết về hoài niệm, tự sự :
Bài viết về thế sự :
Truyện ngắn (sưu tầm) :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét