20 tháng 11, 2013

KÝ ỨC DALAT - PHẦN 2 - ÁM TƯỢNG ĐÊM ...


KÝ ỨC DALAT - 
PHẦN 2 - ÁM TƯỢNG ĐÊM …

(tiếp theo)

Đà Lạt còn chút sương mờ
Vén sương tôi đón tuổi thơ tôi về

Nhiều năm về trước, ở Sài Gòn, người ta cho đổi những bóng đèn đường từ ánh sáng sắc trắng quen thuộc mà tôi đã thấy từ trước những năm 1975 sang đèn có ánh sáng sắc vàng cam … Khi ấy, trong suốt thời gian đầu, thấy sắc vàng cam của các ngọn đèn đường, tôi thấy lòng mình u uất,  nặng nề lạ lùng, thấy lạ lắm mà cũng như rất quen thuộc … lạ vì quả thật là lần đầu tiên trong đời tôi thấy các ngọn đèn đường có sắc vàng cam, mà thấy cũng quen thuộc lắm … nhưng kỳ lạ là tôi không rõ, không thể nhớ nổi là quen thuộc như thế nào ? chỉ mơ hồ cảm nhận rằng dường như nó gắn chặt với một ký ức rất sâu sắc nào đó ? hay một giấc mơ đau buồn cùng cực mà tôi đã từng có ở tuổi ấu thơ chăng ?

Đến một ngày, tôi có dịp trở lại Dalat, vào buổi tối và khi nơi này cũng đã bắt đầu sử dụng những bóng đèn đường chiếu ánh sáng sắc vàng cam, ánh đèn hắt bóng xuống vỉa hè vắng, hắt bóng lên con dốc quanh co,  như bất lực muốn xuyên thấu màn đêm mù sương lạnh, thì ám tượng ký ức trong tôi tưởng đã chôn chặt chợt thức giấc, làm vỡ òa cảm xúc kinh hoàng của tuổi ấu thơ khi tất cả những yếu tố để nhắc nhớ về ký ức ấy đang hội tụ, bất chợt, tôi có câu trả lời cho tâm trạng u uất của mình trước ánh sáng sắc vàng cam của ngọn đèn đường trong đêm …




Ám tượng ký ức tuổi thơ của tôi, ám tượng đêm …

Ám tượng từ buổi tối muộn ngày 30/03/1975, mẹ con chúng tôi đã lên gường chuẩn bị cho giấc ngủ mộng mị … thì đột nhiên : “Ùm, oàng, oàng …” rồi “oàng …” có nhiều tiếng nổ to vang trời, chấn động, rung rinh cả nền đất, các tấm kính ốp cửa sổ run bần bật từng cơn, điện đóm chợt tắt phụt … mẹ tôi giật mình thảng thốt vột đẩy tôi trốn xuống dưới gầm gường … cùng với tiếng nổ liên tục thì bầu trời đêm đen kịt bổng đỏ rực rồi chuyển sang sắc vàng cam, sáng lên từng cơn một, chiếu vệt sáng lúc đỏ lúc vàng cam lừ đừ qua khe cửa, từ trái qua rồi từ phải qua liên tục không dứt … mẹ con chúng tôi run lẩy bẩy dưới nền nhà sắc lạnh theo từng tiếng nổ rền …

Độ vài phút thì có tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng nói lao xao, ngắt quảng, rồi tiếng đập cửa thình thịch la thất thanh : “Chị Thư ơi (tên mẹ tôi) chạy đi, Việt cộng vào bây giờ”, mẹ con chúng tôi rụng rời tay chân … Ôi trời ! kẻ làm tôi khiếp sợ hơn cả ông kẹ sắp xuất hiện chăng ? Mẹ tôi, bà chỉ kịp quơ vội thêm cái áo măng-tô choàng thêm cho tôi rồi dắt díu tay tôi chạy vội ra ngoài …

Ra đến cửa khu bệnh xá, dưới ánh sáng rực sắc vàng cam như lửa cháy in trên bầu trời đêm, chúng tôi chỉ còn thoáng thấy những bóng người cuối cùng của những gia đình công chức đang khuất dần sau khung cổng hướng ra đường cái … mẹ con chúng tôi lập cập, run rẩy chạy theo …

Chạy ra đến cổng, luống cuống vấp phải những viên đá xanh mấp mô lát lề đường mà mẹ tôi trượt ngã sóng soài … tôi, sức trẻ con bảy tuổi cố gắng kéo mẹ đứng dậy, miệng trấn an : “Mẹ cứ yên chí, có con đây, có con đây …” … Sau này nhắc lại, tôi vẫn không hết mắc cỡ khi mẹ tôi cười mà rằng : “Không biết ông con khi ấy làm được gì mà cứ anh hùng cái miệng “Có con đây” … nhưng mắt bà ngấn lệ … có lẽ bản năng chở che, đùm bọc luôn luôn tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người đàn ông, cho dù khi họ vẫn còn là đứa trẻ con chăng ?

Lúc này, chúng tôi thấy khá nhiều người đang cùng hối hả chạy hướng về phía trung tâm thành phố … Chúng tôi cứ thế chạy theo, như những bước chân vô định mà không rõ đích đến cuối cùng là đâu ?  Trên bầu trời đêm, vẫn sáng hực sắc vàng cam theo từng tiếng nổ của đạn pháo nổ liên hồi  … Chúng tôi nghe những người cùng chạy nói chuyện với nhau qua tiếng thở hổn hển, giọng đứt quãng : “Nghe đâu … Trường võ bị sĩ quan đã di tản từ lúc trưa rồi  !?!” … Câu chuyện này như một lời đồn không rõ hư thực, nhưng gây hoang mang cùng cực, nó lan truyền nhanh chóng như cơn đại dịch, những người dắt díu nhau chạy trong đêm nay có lẽ là những người sau cùng ở Dalat biết về câu chuyện này !?

Cư dân Dalat có lẽ không bao giờ muốn nhớ lại ngày này, ngày mà Dalat trải qua những thời khắc chưa từng có kể từ ngày Bác sỹ Yersin khám phá ra vùng đất thần tiên này, bởi lẽ, trong hầu hết thời gian tồn tại của mình, thì Dalat như một vùng đất hứa mà du khách luôn luôn muốn tìm đến, để ân hưởng lạc thú thiên nhiên, để chiêm nghiệm lòng mình … thì bây giờ, không có du khách ở đây đã đành, mà cả những cư dân Dalat đang tìm mọi cách để trốn chạy, để thoát thân, để di tản khỏi Dalat càng nhanh, càng xa thì càng tốt …

Mẹ con chúng tôi là một trong số họ … chúng tôi chạy một đoạn đến giao lộ có ngôi trường Phan Chu Trinh tọa lạc thì theo dòng người rẽ trái rồi lại rẽ trái một lần nữa vào đường Hùng Vương, ngay gần đấy, một đoàn xe be (tức loại xe reo chở gỗ) đang đậu sẵn ở đấy, họ dường như đang chuẩn bị để khởi hành, mẹ tôi cùng nhiều người dừng lại xin đi nhờ, may mắn, một tài xế chấp nhận cho mẹ con chúng tôi lên xe, có lẽ họ động lòng thương tình hoàn cảnh  của phụ nữ với con nhỏ chăng ?

Yên vị trên khoang tải của xe tầm một lát, xe nổ máy, mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhưng thay vì khởi hành thì cả đoàn xe đều chạy vào bãi đậu ngay bên kia đường, họ tắt máy xe …  Mọi người đang ngồi trên xe đều ngơ ngác đến thảng thốt, họ đinh ninh trong hoàn cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” như thế này thì rời Dalat sớm lúc nào hay lúc ấy … thế nhưng, cùng với những hành khách quá giang xe, thì mẹ con chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn … ai đó báo là đoàn xe sẽ khởi hành vào sáng hôm sau !

Đêm ấy, chúng tôi không ngủ trên xe mà chập chờn giấc ngủ mộng mị dưới gầm chiếc xe be … lúc ấy và tại đó có lẽ là nơi an toàn nhất cho chúng tôi trong cảnh trời đêm với sắc vàng cam vẫn cứ hực lên như sài giật từng cơn theo tiếng nổ của đạn, của pháo vang rền, rung chuyển nền đất, liên tục hết cơn này đến cơn khác không dứt  …

Sắc vàng cam trong đêm cuối tháng ba năm ấy đã len lỏi rồi ngự trị trong tâm tư của tôi đến mức trở thành ám tượng ký ức tuổi thơ mà tôi không hề hay biết …

Hôm sau, chúng tôi rời Dalat nơi mà mãi cho đến khi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn luôn luôn muốn trở lại … thực tế, tôi đã trở lại nhiều lần, nhưng sau mỗi lần trở lại, trong tôi vẫn có nguyên cảm giác như chưa bao giờ được trở lại đó …

Sáng tinh sương hôm sau, sáng đầu tiên của chuỗi hành trình mười hai ngày di tản sau đó, tuổi thơ của tôi bắt đều biết đến những địa danh lạ lẫm mà một số tôi còn nhớ đến ngày hôm nay : Rừng Lá, Sông Phan, Bình Tuy … để trở về đích đến cuối cùng là Sài Gòn ! Và trong chuyến hành trình ấy, tôi đã phải chứng kiến những hình ảnh mà lẽ ra tuổi thơ không nên thấy, và cũng không có bậc làm cha làm mẹ nào mong muốn con mình phải thấy !

Nhưng sinh ra trong một quốc gia phải chịu đựng thời gian dài chiến tranh, vận con dân khó mà tách rời với vận quốc gia, thì sự thiệt thòi của nhiều thế hệ tuổi thơ từ trước tôi cho đến sau tôi là điều khó tránh khỏi …

Nhưng ngẫm lại, mẹ con chúng tôi đã là những người rất may mắn, vì sau cùng chúng tôi vẫn về đến Sài Gòn, gia đình được đoàn tụ để sống những ngày mới, dưới chế độ mới được thiết lập sau khi di tản ít ngày, bởi lẽ, trong cuộc di tản khổng lồ của người dân Miền Nam trong thời điểm đó, thì nhiều đồng bào của chúng ta đã không giữ được mạng sống cho chính mình, cho người thân, gia đình ly tán, loạn lạc …

Và rồi, hàng triệu triệu người dân Miền Nam bắt đầu bước vào khúc quanh lớn chưa từng có trong cuộc đời mình, đương nhiên, theo vận nước …

(Còn tiếp ...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét