2 tháng 3, 2014

KÝ ỨC DALAT 4 – VĨNH BIỆT DALAT (phần tiếp theo)

VĨNH BIỆT DALAT



(tiếp theo và hết)

Cùng đường, đoàn xe trở lại con lộ cũ và phải chuẩn bị như khi gặp nhóm cướp lần đầu  … Mọi chuyện sau đó cũng đã diễn ra như thế …


Nhưng đến lần thứ ba thì chuyện đã tệ hơn, vì lần này không được báo trước nên không ai có sự chuẩn bị gì cả … Nhóm cướp đông lắm, sau loạt đạn dài đe dọa thì xuất hiện một toán cướp đứng trên những mái tole nhà ở cả hai bên đường cùng nhất loạt chỉa súng xuống đoàn xe, ở góc đứng này, tôi trông thấy họ cao to và dữ tợn quá, họ gần chúng tôi lắm, tưởng chừng như ai đó trong xe chỉ cần vươn tay ra cũng đã chạm được vào họng súng đen ngòm, sắc lạnh trong tay họ …


Bên dưới đường cũng lại có một toán khác, ai cũng đều có súng vung vẩy trên tay, họ quát to bắt mọi người ngồi im tại chỗ khi tài xế đại diện đoàn xe định dợm bước xuống nói chuyện … họ đi từng tốp hai ba người đến từng xe lục soát, bắt đầu là ở những xe đi đầu, thoạt tiên, chúng tôi nghe có tiếng phụ nữ nài xin rồi khóc thét lên, tiếng đàn ông chửi thề … lập tức có tên trong toán cướp đứng trên mái tole liền bắn vài phát súng chỉ thiên đinh tai để thị uy, tiếng khóc im bặt tức thì … ở xe chúng tôi, bà chủ tiệm cơm ngồi như trời trồng, vì có tên cướp đứng trên mái tole gần đấy cứ nhìn lom lom vào xe chúng tôi không rời mắt, lần này gói ni lon của cải của bà chủ tiệm cơm đã từng hai lần trốn dưới bụng tôi đã không còn may mắn như thế nữa, khi tên cướp phát hiện toan lấy đi thì bà đã khẽ giằng lại, thấy tên cướp quắc mắc thì bà khóc nấc lên rồi đành buông xuôi tay …


Me tôi tự nguyện đưa cho chúng chiếc dây chuyền, nên chúng chỉ khám qua loa túi xách rồi thôi, nhờ vậy mẹ tôi còn giấu lại được một ít nữ trang giấu trong một lọ thuốc tây …


Lần cướp thứ ba này vẫn là cướp của, phụ nữ vẫn an toàn …


Sau khi đã mãn nguyện với việc cướp phần lớn tài sản của mọi người, nhóm cướp cho đoàn xe tiếp tục hành trình, có vài phụ nữ trong xe của tôi khóc thút thít phần vì quá sợ hãi, phần vì tiếc của …


Một ngày khác, vào buổi chiều, đoàn xe đang phom phom chạy thì bổng phải giảm tốc độ, mùi hôi thối khó chịu thoang thoảng trong gió, phía trước loáng thoáng bóng xe quân sự đậu la liệt, có cả vài cụm khói đen bốc lên … càng đến gần thì mùi hôi thối, tanh tưởi càng rõ rệt, sộc thẳng vào mũi mọi người … cảnh tượng kinh khiếp chưa từng có như bày ra trước mắt, xác người chết là đàn bà, trẻ con … mặc thường phục, đàn ông mặc quân phục xanh, trắng còn nguyên tua gù màu vàng lủng lẵng đong đưa trong gió, tất cả đều thấm đẫm loang lỗ máu giờ đã đổi màu đen kịt, xác nằm vương vãi khắp nơi, dưới lòng đường, trên các xe quân sự, xe zeep, xe tải GMC … có chiếc nghiêng đổ, vài chiếc còn nguyên cụm khói đen đang bốc lên lên từ vết cháy nám nham nhở, xác người nằm vắt trên thành xe, cánh tay đưa ra ngoài cứng đờ như tượng, một cô trong xe tôi thảng thốt ú ớ chỉ một xác người đàn ông trong bộ quân phục màu trắng nằm đổ rạp mình trên tay lái … bị mất đầu !!! Không còn dấu hiệu sự sống nào trong cảnh tượng đó cả, ngoại trừ tiếng rùi nhặng vo ve o o không dứt như vỡ tổ muốn át cả tiếng động cơ xe … Có thể vẫn còn những người sống sót nhưng họ đã bỏ chạy mất đâu rồi cũng nên ?


Đoàn xe không thể chạy nhanh để thoát cảnh tượng đó được, trái lại, tài xế đã phải chạy xe thật chậm, đảo tay lái qua lại để tránh các tử thi người hay một vài bộ phận cơ thể người rơi vãi trên mặt đường …


Cảnh tượng hãi hùng và không khí hôi hám cô đặc tưởng chừng như sẽ cứ kéo dài mãi không dứt khiến mọi người cứ ngây người ra trong cơn mê sảng tập thể …  


Nhưng may thay rồi chúng tôi cũng được thoát cảnh tượng đó, khi đến cuối đoạn đường chết chóc thì có một chiếc cầu nhỏ đã đổ sụp, ngay bên cạnh có một con đường đất có lẽ mới được mở vội chạy dọc theo ven bờ suối, được vài trăm mét thì có đoạn suối cạn, đoàn xe cứ thế lắc lư từng chiếc vượt qua …


Khi đã trở lại con đường nhựa, rất lâu sau đó mọi người vẫn cứ còn bần thần ngây người, không ai thốt được một lời nào …


Sau này, tôi nghe kể về cảnh tượng đó có thể đã là kết quả của trận giao tranh giữa quân nhân trường Võ bị sĩ quan Dalat di tản cùng gia đình họ với quân địa phương ngăn cản họ ! Hoặc đó là kết quả của một trận phục kích hay pháo kích của đối phương vào đoàn di tản !


Đoàn xe chạy cách đấy khoảng 20 – 30 cây số thì dừng, chúng tôi thấy các tài xế đứng chung lại một chỗ bàn bạc điều gì đó, rồi họ đề nghị khách của một xe xuống đường, họ dỡ tất cả hành lý xuống rồi dồn tất cả các thùng phi lớn của mỗi xe lên chiếc xe trống đấy, tôi nghe giải thích đoàn xe hết xăng, nên chiếc xe ấy phải trở lại nơi bãi chiến trường vừa rồi để hút xăng từ các xe quân sự đang nằm ở đó !!!


Không thể tưởng tượng là từng có một sự việc như vậy, nhưng rõ ràng, nó hợp lý trong hoàn cảnh đó, mọi người lại nén lòng chờ đợi trong lo âu như chính mình là người trong chiếc xe đi lấy xăng đó !


Chắc đến khoảng hơn hai tiếng đồng hồ sau, chiếc xe ấy đã trở lại, những người cùng đi trên chiếc xe ấy vẫy tay ra hiệu tốt đẹp, không nén được sự vui mừng, mọi người ồ lên hò reo vui vẻ …


Lúc này đã là chiều trễ, đoàn xe dừng lại nghỉ ngơi qua đêm, tôi nghe người lớn gọi đây là Rừng Lá … khi trời vừa sẩm tối, mẹ tôi và vài người phụ nữ khác cùng rủ nhau xuống một con suối cạn gần ven đường để rửa ráy … tôi có nhiệm vụ ôm quần áo và đứng “cảnh giới” cho họ … tôi nhớ khi ấy ở ven bờ và trên cạn, có từng nhóm những con vật nhỏ như con gà con, trong buổi tối thì chỉ thấy như một cục bông gòn màu đen, chúng cứ lúc nhúc tiến đến gần tôi, tôi sợ hãi cứ lùi mãi ra đến gần vệ đường, khi nghe mẹ gọi thì tôi tìm chỗ trống chạy ù xuống đưa quần áo … Đến giờ, khi đã trải qua đến nửa đời người, sống lâu hơn, biết nhiều hơn, nhưng tôi vẫn chưa hiểu khi ấy mình đã thấy con vật gì trong buổi tối hôm ấy ở nơi có tên là Rừng Lá ? 


Tối đó, đến khoảng chín giờ tối thì mọi người lại ngủ rất say sau nhiều ngày đi đường mệt nhọc thì chợt phải choàng tỉnh khi có tiếng nổ súng đì đùng như chiến trận nghe khá gần, rồi hỏa châu được bắn tiếp nối lên chiếu sáng đỏ cả một vùng trời, tàn hỏa châu rơi sát ngay bên vệ đường … mọi người lại nhảy vội xuống đường trốn dưới gầm xe và ngủ lại tại đó đến sáng.


Tôi ngủ thiếp đi nên không rõ tiếng súng bặt yên từ khi nào … Hôm sau, đoàn xe khởi hành suông sẻ về đến tỉnh Bình Tuy, nay là Huyện La Gi thuộc tỉnh Bình Thuận. Tại đây, dân chúng tập trung đông bất thường, hóa ra con đường Quốc lộ 1A về Sài Gòn đã bị phong tỏa ở Xuân Lộc, nơi đang có giao tranh quyết liệt, nên lính và dân di tản các tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng trở vào và các tỉnh trên Tây Nguyên xuống đều tập trung ở đây để tìm cách trở về Sài Gòn …  


Mẹ con chúng tôi cùng với một số gia đình của hãng xe được đưa đến một cảng cá, ông chủ hãng xe gởi mẹ con chúng tôi đi bằng thuyền nhỏ về Long Hải, sau đó, chúng tôi đi xe đò về đến Sài Gòn sau khoảng tầm chục ngày lang bạt kỳ hồ …


Hành trình di tản của chúng tôi kết thúc có hậu, cho dù những tổn thương về tinh thần vẫn sẽ còn di chứng mãi trong tâm hồn … tôi đã phải chứng kiến những hình ảnh mà tuổi thơ không nên thấy, và cũng không có bậc làm cha làm mẹ nào mong muốn con mình phải thấy !


Nhưng sinh ra trong một quốc gia phải chịu đựng thời gian dài chiến tranh, vận con dân khó mà tách rời với vận quốc gia, thì sự thiệt thòi của nhiều thế hệ tuổi thơ từ trước tôi cho đến sau tôi là điều khó tránh khỏi …


Nhưng ngẫm lại, mẹ con chúng tôi đã là những người rất may mắn, vì sau cùng chúng tôi vẫn về đến Sài Gòn, gia đình được đoàn tụ để sống những ngày mới lạ lẫm, dưới chế độ mới được thiết lập sau khi di tản ít ngày, bởi lẽ, trong cuộc di tản khổng lồ của nhiều người dân Miền Nam trong thời điểm đó, thì nhiều đồng bào của chúng ta đã không giữ mạng sống cho chính mình, cho người thân, gia đình ly tán, loạn lạc …


Và rồi, hàng triệu người dân Miền Nam bắt đầu bước vào khúc quanh lớn chưa từng có trong cuộc đời mình, đương nhiên, theo vận nước nổi trôi …

...

Hết


Manh Dang

(Viết hoàn tất vào tháng 3/2014, để tưởng nhớ Mẹ - “người bạn” đồng hành với tôi trong chuyến di tản ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm ấy … )
---------------
Có thể bạn muốn đọc thêm các bài viết khác Tại đây
---------------

VÀI HÌNH ẢNH VỀ CUỘC DI TẢN CỦA NGƯỜI DÂN MIỀN NAM NĂM 1975








Ảnh minh họa từ nguồn internet 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét