DIÊN HỒNG LÀ DIÊN HỒNG NÀO ?
![]() |
Hội nghị Diên Hồng dưới đời Nhà Trần - năm 1284 |
Toàn dân ! Nghe chăng ?
Sơn hà nguy biến !
Hận thù đằng đằng !
Biên thùy rung chuyển …
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ? Quyết chiến !
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ? Hy sinh ! (1)
Sử chép rằng, năm 1284, quân phương Bắc (2) lại lăm le
đem quân xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh và hung hãn, thế ta yếu,
nên vua Trần Nhân Tôn khi ấy có ý lo
quân ta không địch nổi, “ … thấy vậy, lập tức cho triệu cả các bô lão
dân gian, hội tại Điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên chiến. Các
bô lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy,
cũng quyết ý kháng cự”(Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim). Dịp đó,
quân dân nhà Trần đã hai lần đại phá quân xâm lược phương Bắc, mà
trước đó, đội quân này đã từng xâm lược gần hết Châu Âu !!!
Hội nghị quân dân tại Điện Diên Hồng mà sau đó
thường được gọi tắt Hội Nghị Diên Hồng trở thành sự kiện lịch sử
chói lọi về thực thi dân chủ trong lịch sử quân chủ nước ta.
Trước đó và liên tiếp sau đời Nhà Trần, sử nước ta chép
lại biết bao chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm thời Đinh, Lê, Lý,
Lê (hậu Lê), Nguyễn … mà hầu như, giặc ngoại xâm của đời nào cũng luôn
luôn ở thế mạnh không chỉ về chất mà nhất là về lượng so với thế
của ta …
Lịch sử cận đại sau nền quân chủ, chính quyền của
người cộng sản cũng đã tự hào là “bên thắng cuộc” trong các cuộc chiến
với người Pháp và người Mỹ. Họ tổ chức vô số cuộc hội thảo về
chiến thắng của họ, và luôn luôn đúc kết nguyên nhân của mọi nguyên
nhân chiến thắng đều là từ sức dân mà có.
Nhưng bây giờ, một lần nữa khi nước nhà đứng trước
nạn ngoại xâm, thì có vẻ bài học lịch sử từ nền quân chủ trước và
từ chính họ muốn viết như thế là vận dụng từ “sức dân” lại đang trở
nên xa lạ đối với những người đang nắm vận mệnh quốc gia trong cuộc
chiến chống xâm lược thời hiện đại !
Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có thời đại nào
mà người dân được nghe câu “chính quyền của dân, do dân, vì dân” nhiều như
trong thời đại ngày nay, nhưng cũng cho đến nay, chưa từng bao giờ dân được
chính quyền của dân, do dân, vì dân hỏi ý kiến là “nên hòa hay nên
chiến ?” trong tình thế “sơn hà nguy biến, biên thùy rung chuyển” như
hiện nay cả ?
Chính quyền thường có sự giải thích cho điều đó,
rằng Trung Ương đã “liệu” cả rồi, đã “có cách” rồi, dân cứ bình
tĩnh để chính quyền “xử lý” … đại khái thế ! Tức chính quyền tiếp
tục bao cấp mọi sự, kể cả sự quốc sĩ và vận mệnh quốc gia …
![]() |
Tàu TQ tấn công tàu VN tại biển đông |
Vận mệnh quốc gia đến khi vong quốc thì mới rõ,
nhưng quốc sĩ thì đã sớm rõ khi mà ngư dân ta trên biển đông liên tục
bị cướp, bị phá, bị tịch thu, bị tống tiền … mà chính quyền ta
cũng vẫn ngậm bò hòn làm ngọt ! Cái quốc sĩ ấy là quốc sĩ loại gì mà lịch sử Việt Nam chưa từng biết ? Nếu có, chỉ từng biết đến Trần Ích Tắc
hay Lê Chiêu Thống để muôn đời sau phỉ nhổ mà thôi !
Nghĩ thêm, những tưởng sự bao cấp chỉ tồn tại trong lĩnh
vực kinh tế mà chúng ta đã phải đau đớn khi trả
giá quá đắt cho nó của một thời mông muội, thế mà đến nay, tư duy bao cấp ấy vẫn tồn tại và mạnh
hơn bao giờ hết khi bao gồm luôn vận mệnh của cả một dân tộc ! Trong khi, “sức dân”, vẫn chỉ là bài học
.. trên trang giấy !
Ai đó ơi, hãy thử một lần hỏi người dân nước Việt xem nào : “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ?”
Ai đó ơi, hãy thử một lần hỏi người dân nước Việt xem nào : “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ?”
Tôi tin muôn triệu
trái tim của người dân nước Việt tôi chỉ chung một nhịp đập như muôn đời nay vẫn thế :
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ? Quyết chiến !
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ? Hy sinh !
Viết trong những ngày người dân nước tôi sôi sục vì
nạn ngoại xâm tại biển đông …
Manh Dang
------------------
1. Nhạc phẩm Hội nghị Diên Hồng
2. Nhà Nguyên – Trung Quốc
------------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog Manh Dang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét