6 tháng 5, 2014

TIẾNG MỜI LƠI

TIẾNG MỜI LƠI



Nhân được đọc Ghi chép “Đâu là tiếng mời lơi ?” (Nguồn Tại đây) của tác giả Võ Hoàng Nguyên, tôi thích quá, có vẻ vỗ tay đến hàng trăm lần để khen hay, tôi vẫn cho là chưa đủ …

Duy nhất, chỉ có nửa câu kết “Vậy, tốt nhất đừng mời lơi” thì tôi đành cứng đầu không để tác giả thuyết phục mình nữa, vì lẽ, tôi nhớ một câu chuyện đã đọc từ lâu, đại khái như sau :

“Khách gia là một nam nhân trung niên, ngồi đàm đạo với gia chủ đã gần hết buổi sáng. Chợt thoáng nghe tiếng bát đũa khua lách ở nhà dưới, thì biết người nhà gia chủ đang dọn bữa cơm trưa. Khách vội vàng đứng lên, cắp chiếc ô để kiếu từ ra về.

Gia chủ níu chiếc ô của khách đon đả nói “Mấy khi bác đến chơi nhà lại gặp bữa trưa, mời bác ở lại dùng cơm với gia đình tôi”.

Khách gia tay giữ ô “Ai lại thế ! Xin phép bác cho tôi về”

Gia chủ “Có phải nem công chả phượng gì đâu mà bác phải ngại, chỉ là bữa cơm đạm bạc thôi”

Khách gia “Vâng, nhưng ở lại đường đột thế tôi chả dám, xin bác …”

Chiếc ô khẽ đung đưa như bị giằng co chợt rớt đánh phịch xuống đất … 

Gia chủ và khách mặt thoáng lộ vẻ bối rối, khách tẽn tò nhặt chiếc ô rồi quày quả đi mà như chạy ra về, gia chủ thớn cánh cửa khép nhẹ, mắt cụp xuống quay mặt vào nhà …”.

Qua câu chuyện, với gia chủ,bên cạnh lời mời, gia chủ thực hiện thêm hành vi cầm lấy chiếc ô của khách như muốn gia tăng sức nặng lời mời khách ở lại, thực chất, đó là lời mời lơi nên gia chủ chỉ vịn tay hờ vào chiếc ô, để khách có thể dễ dàng giằng lại chiếc ô và ra về …

Với khách gia, bên cạnh lời từ chối, khách kéo chiếc ô về phía mình như khẳng định chắc nịch hơn lời từ chối ở lại, thực chất, đó là lời từ chối lơi nên khách chỉ vịn tay hờ vào chiếc ô, để gia chủ có thể giữ lại chiếc ô và khách có cớ để ở lại …

Hai lời nói lơi và hai cái vịn hờ của họ đã khiến chiếc ô rơi xuống đất, làm lộ tâm ý của cả chủ lẫn khách …

Qua câu chuyện vừa kể, có lẽ lời kết luận “Vậy, tốt nhất đừng mời lơi” của tác giả Võ Hoàng Nguyên trong Ghi chép “Đâu là tiếng mời lơi ?” đã là hữu lý !

Tuy vậy, tôi vẫn muốn chúng ta hãy thử xét “Lời mời lơi” ở một khía cạnh khác, khác đến mức để chúng ta có thể kết luận “Vậy, thì cứ mời lơi”.

Mời lơi hay còn gọi là mời đưa hoặc mời khách sáo …


Trở lại câu chuyện kể trên, nếu đã đến bữa cơm trưa mà nhà đang có khách thì tuyệt nhiên gia chủ không thể không mời khách ở lại dùng cơm với gia đình mình. Tôi tin rằng đó là cách ứng xử phổ biến của đa phần các gia đình người Việt, kể các ở các vùng miền khác nhau trong cả nước, cho dù khi mời như thế thì cả khách với chủ đều biết rất rõ là bữa cơm ấy không hề có sự chuẩn bị thêm phần số lượng cho khách ! Nếu khách ưng thuận ở lại thì chắc chắn gây không ít bối rối cho cả hai, tuy biết thế, nhưng gia chủ vẫn phải có lời mời, có khi là lời mời thực tâm hoặc cũng có khi chỉ là lời mời lơi. 

Lời mời thực tâm hay lơi trong trường hợp kể trên đều phải được chấp nhận là cung cách xử thế lịch sự của gia chủ đối với khách trong “cuộc chơi” văn hóa giao tiếp …

Còn lại, chính cung cách đáp lại của khách gia trước lời mời mới biểu hiện “đẳng cấp” của khách trong cuộc chơi ấy, nếu khách tỉnh táo trong nhận định tình thế, biết mình biết ta và xử thế tinh tế xứng tầm, thì cả hai tay chơi là gia chủ và khách đều chiến thắng, cuộc chơi sẽ có kết thúc đẹp, hoặc chúng ta sẽ lại chứng kiến một chiếc ô khác bẽ bàng rơi đánh phịch ở giữa quan hệ của hai tay chơi không xứng tầm.

Thế nên, là gia chủ “Vậy, thì cứ mời lơi” cho đúng mực, cho đủ lễ … còn việc khách đáp lại như thế nào thì có phải là chủ ý của ta đâu ?



PHẦN BỔ SUNG :

Tôi đã định lờ đi đặc thù văn hóa giao tiếp vùng miền trong ghi chép của mình, nhưng qua các lời còm, tôi thấy có lẽ không nên né tránh mà nên đề cặp để chúng ta có cái nhìn gần như toàn cảnh hơn …

Với người miền Nam, mời là mời, nếu mời ăn mà khách đang đói bụng thì sẽ tự nhiên ngồi xà vào bàn cùng chén tạc, chén thù … lời mời cũng đơn giản không câu nệ, gia chủ mời khách cũng chẳng cần dùng đích danh từ mời “đói bụng ăn cơm luôn đi”, khách cũng chỉ cần “ừ” sau MỘT LẦN nghe “mời” như thế. Khi đã vào bàn ăn, khách cũng chẳng cần mở miệng mời lại kiểu như “mời bác ăn cơm”, không khéo lại nghe câu "Con cứ ăn đi, cơm của bác mà con mời làm gì" đúng như lời còm của anh Võ Hoàng Nguyên, như thế, với người miền Nam thì mời lơi vô nghĩa và xa lạ … Người miền Nam hầu như đều mặc định với nhau một cách giao tiếp như thế, nói khác, họ đều là những tay chơi xứng tầm trong cuộc chơi văn hóa giao tiếp, nên họ đều là người chiến thắng trong cuộc chơi đó !

Khác biệt hẳn, với người miền Bắc có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, cho thấy mời không chỉ là mời, mà mời còn là cả một nghi lễ về văn hóa giao tiếp, có thứ bậc, tôn ti trật tự, có mâm cho người trên, có chiếu cho kẻ dưới, phân biệt rất nghiêm minh, lời mời có thể thực tâm với mâm cao cỗ đầy, với nem công chả phượng, nhưng cách mời không khéo, khách không nhận lời mời đã đành mà còn chê cười, trách móc gia chủ là khinh dễ người hoặc cư xử như kẻ trọc phú … Lời mời (dù là lời mời lơi) vẫn có thể được lập đi lập lại đôi ba lần thành điệp khúc để gia chủ thể hiện sự tha thiết, quý khách. 

Gần như mặc định, lời mời của người miền Bắc đa phần hàm chứa ý mời lơi hay mời đưa hơn là mời thực, vì thế, khách đều hiểu và đều từ chối. Ngoại trừ, lời mời của gia chủ quá tha thiết, khách có thể cảm nhận mà quyết định nhận lời hay không ? trong trườn ghợp gia chủ mời lơi và khách đáp lại bằng lời từ chối, cả hai đều vui vẻ vì đều hiểu rõ điều đó, không bên nào phiền lòng cả. Thế nên, mời lơi chưa bao giờ bị xem là cách giao tiếp tiêu cực cả !

Một lời mời không khéo có thể ở các trường hợp :

- Gia chủ ngang vai vế với khách nhưng không trực tiếp mở miệng mời mà người mở miệng mời lại có vai vế thấp hơn khách … Khách nghĩ bụng gia chủ xem thường khách.
- Hay khách vừa nghe lời mời, nhưng liếc nhìn vào bàn ăn đã thấy có thành viên trong gia đình gia chủ ngồi trước, hoặc đã ăn trước, khách khước từ nhưng trong bụng thầm trách : Mình ngồi vào đấy ăn thừa à ?!
- Hoặc, khách trông thấy người nhà gia chủ dốc nồi để đổ thức ăn, hay xới nồi cơm “lẹt quẹt” nghe thành tiếng, khách cũng khước từ và bụng thầm nghĩ, mời ăn mà vét nồi thế kia thì có bao nả mà mời !?
- Và, khách nghe người nhà gia chủ sắp chén bát, đũa thìa mạnh tay cứ như “dằn mặt” khiến khách cũng ngại ngần ?!
- Vẫn chưa hết, người nhà gia chủ cầm cây chổi quét nhà, hoặc lấy khăn lau cái bàn cũng thành chuyện, kiểu như họ lấy chổi quét rác như muốn xua đuổi khách ra về …


Thôi thì muôn hình, muôn vẻ ! Nhưng, nếu trong cùng vùng miền, cùng một cung cách cư xử như thế, mọi người đều hiểu luật chơi thì cuộc chơi cũng có cái thú riêng, kẻ tung người hứng, cả gia chủ và khách gia đều có thể trở thành những nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu văn hóa giao tiếp !

Như thế thì có lẽ mời lơi hay mời đưa hoặc mời khách sáo xuất phát từ văn hóa giao tiếp miền Bắc …

Chỉ thành vấn đề khi người vùng này lạc bước chân vào vùng kia với một sự giao tiếp khác biệt !  

Ví dụ một khách là người miền Bắc vào Nam, đến thăm một gia đình vô tình vào giờ cơm, gia chủ người Nam thực tâm mời cơm khách, khách từ chối và đinh ninh sẽ được mời lần hai hay ba thì sẽ nhận lời, nhưng lời mời lần hai hay ba không bao giờ có, khách đành chịu nhịn đói và trong bụng rủa thầm gia chủ bất lịch sự, kỳ thực là oan vì gia chủ thực tâm mời !

Tương tự, một khách gia là người miền Nam ra Bắc, đến thăm một gia đình vô tình vào giờ cơm, gia chủ người Bắc mời cơm khách, nhưng mời lơi vì nghĩ rằng chắc khách sẽ từ chối ! Ai ngờ, khách miền Nam thật thà vào ngồi ngay bàn ăn, ăn cho rõ no, gia chủ đành nhịn bụng đãi khách !

Theo thế thì ổn nhất có lẽ khách gia nên áp dụng triệt để nguyên tắc “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, không thể đem văn hóa giao tiếp vùng mình sinh sống đến áp dụng cho gia chủ được khi mình đang là khách … Trừ khi gia chủ có chủ tâm cư xử theo cách giao tiếp của chính người khách, thể hiện sự trọng thị tột bậc, giúp khách gia có được cảm giác thoải mái, tự nhiên như quê nhà thì không kể …  


Ngày nay, với việc đi lại đã thông thương và dễ dàng, cộng với phương tiện thông tin bùng nổ giúp cho sự giao thoa văn hóa giao tiếp giữa các vùng miền được thu hẹp dần khác biệt … Tuy thế, tôi tin rằng mời lơi hay mời đưa hoặc mời khách sáo vẫn sẽ là một phần trong cuộc chơi văn hóa giao tiếp … Tôi sẽ không bao giờ dùng câu “sống chung với lũ” trong trường hợp này, mà chỉ mong người chuẩn bị đóng vai khách gia nên lưu ý, sự lưu ý của khách gia sẽ giúp cuộc chơi thêm phần thú vị …


Manh Dang
------------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét