CÁNH THƯ GỞI NGƯỜI BẠN PHƯƠNG XA
Bạn thân mến, qua lời còm của bạn trong bài viết
“Tản mạn Sài Gòn tháng tư”, Mạnh muốn trao đổi lại vài điều, nhưng
không muốn trao đổi lại chỉ bằng một lời còm khác, vì sự “chật
chội” mà FB đã mặc định cho nó như thế và vì sự tôn trọng rất mực
của Mạnh đối với bạn, đó là lý do bạn đọc những lời trao đổi này
như một bức thư được lập ghi trong phần Notes :
Tựu trung chỉ trong vài ý, hy vọng vì tình thâm mà
bạn đủ kiên nhẫn để đọc cho hết tâm ý của Mạnh …
Nguồn cơ sở để hiểu một sự việc :
Không dưới một lần, Mạnh đã từng thấy bạn thể hiện
sự đánh giá rất cao sự hiểu biết của người Việt sống ở hải ngoại
về những vấn đề quốc nội, là những vấn đề mà có lẽ cả hai chúng
ta có cùng chung mối quan tâm sâu sắc ! Điều đó đã từng hữu lý với
câu ngạn ngữ “đi một ngày đàng , học một sàng khôn”, về phần mình, Mạnh
cũng không muốn đóng vai “con ếch ngồi đáy giếng” …
Nhưng nếu sự hiểu biết chỉ đạt được thông qua các
tài liệu có thể tham khảo được, thì câu ngạn ngữ vừa nêu đã không
còn đúng nữa, bởi lẽ, với thời đại mà chúng ta đang cùng chung
sống, thời đại thông tin bùng nổ qua iternet, thời đại mà mỗi người
đều có thể là một học giả, ký giả, sử gia, chính trị gia, thậm
chí là anh hùng … chỉ với những ngón tay lướt trên bàn phím ! Thì
điều kiện nghiên cứu các tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam trước
năm 1975 ở cả nhiều phía (chứ không chỉ hai phía) đã không còn có sự
cách biệt gì giữa hải ngoại và trong nước nữa, thậm chí, chắc
nhiều người ở hải ngoại không ngờ có người ở trong nước đã từng xem
tác phẩm mà bạn đã nhắc đến : “Tại sao chúng ta thua” tác giả Trần
Văn Kha bằng nguyên bản in từ hải ngoại (không phải bản photocopy) từ
ngay trong năm 2010, năm cuốn sách được xuất bản, và bạn hãy chúc
mừng cho Mạnh, người bạn của bạn là một trong những người có sự may
mắn đó !
Nếu còn sự khác biệt, thì chỉ ở cách thức ta tham
khảo các tài liệu ấy một cách công khai như bạn hay kín đáo như Mạnh
mà thôi ! Khác biệt đó rõ ràng không phải là vấn đề !
Dù Mạnh không tán thành kết luận của tác giả Trần
Văn Kha trong cuốn sách “Tại sao chúng ta thua”, nhưng đó đã là cuốn
sách có nội dung viết về cuộc chiến Việt Nam mà Mạnh đã rất thích thú
và quý trọng cho đến nay. Mạnh thích thú vì phương pháp mà tác giả
đã áp dụng để hình thành nên kết luận của mình, và Mạnh quý trọng
vì sự dày công của tác giả dành cho cuốn sách, nhưng trên tất cả là
thái độ khách quan, điều mà chúng ta thường yêu cầu đối với người
khác, trừ chính chúng ta …
Nhưng dù sao đi nữa, cuốn sách vẫn chỉ thể hiện quan
điểm riêng tư của cá nhân tác giả, Mạnh hết sức tôn trọng như ứng xử
cần thiết nó phải thế. Nhưng dùng quan điểm riêng tư của một cá nhân
để chứng minh nguyên ủy (từ của bạn) của cả một cuộc chiến lớn,
kéo dài cả hai thập kỷ, thiệt hại sinh mạng cả hàng triệu đồng
bào, đất nước điêu linh cho đến tận ngày hôm nay … thì Mạnh e rằng đó
là phương pháp khó có sức thuyết phục …
Thật vậy, cuộc chiến đó không đến từ những cá nhân,
nên mọi sự nổ lực giải thích từ cá nhân đều chỉ là công trình phỏng
đoán ! Cuộc chiến đến từ những mưu toan của khá nhiều chính quyền các
quốc gia có liên quan như Liên Xô cũ, Trung Quốc cùng các thành viên
khối Vacsava, Hoa Kỳ, Pháp quốc, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Hàn Quốc, Cam Bot
… trong đó, có các chính quyền tại Việt Nam như chính quyền Cộng sản
của ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc, chính quyền Quốc gia của ông Ngô
Đình Diệm và sau cùng là các ông Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương,
Dương Văn Minh ở miền Nam … Theo đó, một khi nguồn tài liệu chính
thống của chính quyền các quốc gia có liên quan được bạch hóa một
cách đầy đủ, thì chúng ta mới có đủ cơ sở để giải thích nguyên ủy
của cuộc chiến Việt Nam một cách chính thức.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhoNqPcPfNYqpGb2vE-dM58X_3nZNkiKmcbjQmJFlJmM91OX5h4uLh33VhPzWHkBDKCOPh2zbRLYjicjBvF-HHesOvoV9CSZo0p_AH3k-pvUmkVUAo9ljTpO0ecLLBgiRdCCedJIDPMiX-m/s1600/images+%25283%2529.jpg)
Lăng kính màu hồng :
Không rõ bạn có cho rằng Mạnh
đang nhìn sự việc bằng “lăng kính màu hồng” giống như bạn đã như thế
từ 20 năm về trước không ? Dù không, thì xem như là dịp để Mạnh trao
đổi thêm với bạn về quan điểm của Mạnh đối với chính quyền Sài Gòn
cũ.
Mạnh chưa từng bao giờ thần tượng chính quyền Sài
Gòn cũ, nơi mà bố mẹ Mạnh đều là công chức, cùng từng phụng sự hết
sức mẫn cán cho đến những giờ phút cuối cùng khi chính quyền ấy
cáo chung vai trò lịch sử của mình dưới họng súng xe tăng đang nghiến
xích sắt trên thảm cỏ Phủ đầu rồng … Mạnh nhớ những câu chuyện của
bố mẹ thường hay kể về những tệ nạn phát sinh trong lòng chính
quyền ấy, theo nhãn quan của ông bà, đó là các nguyên nhân khiến
chính quyền mà ông bà đã hết lòng phụng sự đã sụp đổ … Nhưng với Mạnh,
xét trong từng lĩnh vực chuyên biệt do chính quyền cũ tổ chức quản
lý mà Mạnh biết, thì đã có những chính sách ưu việt nhất định mà
chính quyền sau đó đã không kế thừa ! Mà cho đến nay, sau gần 40 năm
đổi ngôi, sau gần hai thế hệ trưởng thành dưới chế độ mới, thời gian
đã quá đủ lâu cho riêng Mạnh một sự kết luận về đúng hay sai, về nên
hoặc không, về tốt hay xấu, về thiếu hoặc thừa …
Khi nêu một điều bất ưng trong chính sách quản lý
của chính quyền sau năm 1975 như trong lĩnh vực giáo dục qua bài “Cái
bao cao su trong Đạo Thầy Trò” chẳng hạn, Mạnh có nêu so sánh với
chính sách quản lý vấn đề đó của một cơ sở giáo dục dưới chính
quyền Sài Gòn cũ, bởi lẽ, thật sự đối với vấn đề đó thì chính
sách quản lý của chính quyền sài Gòn cũ đã làm tốt hơn …
Nhưng đừng ai vội vàng tổng hợp những cách so sánh
như thế mà chụp cho Mạnh “cái mũ” khẳng định quan điểm rằng chính
quyền sài Gòn cũ là ưu việt, là lý tưởng, là cần phục hồi và đó
chính là “lăng kính màu hồng” của Mạnh thì thật là hàm hồ … Chưa
bao giờ và sẽ không bao giờ Mạnh mong mỏi cái chính quyền Sài Gòn
cũ đó tái sinh với đầy đủ các khuyết tật mà bố mẹ Mạnh đã biết,
đã chỉ ra ! Nhưng Mạnh mong mỏi các chính sách đã chứng tỏ sự ưu
việt của họ được tái sinh …
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjOSlI8x2sfScXL5RaBVJahHEuNvr_IYZYbXeGu3AiZR7aDGdXSSivozW9Ym8jShJkzEaSylklyz760cjh-mKRtc8eMnjfXmGA97QK_bbVIO53tsRZW4wBGg9DZ8y-fErAUXACP05yAqyg7/s1600/images+%25284%2529.jpg)
“Lăng kính màu hồng” của Mạnh chính là như thế !
Với phạm vi “màu hồng” cũng chỉ như thế ! Nhiều năm trước cho đến cách
nay hai mươi năm … và hiện nay Mạnh vẫn giữ gìn như thế, hàng ngày Mạnh
vẫn tự tay xây đắp điều ấy như là ước mơ cho tương lai. Mạnh tự tôn,
tự hào về điều bất biến đó !
Khi ta có tuổi :
Khi Mạnh đọc lời còm của bạn “Bây giờ, khi tuổi đã
không còn trẻ, tóc đã bạc đi nhiều, nhìn cuộc đời không còn qua những lăng kính
màu hồng lý tưởng …” thì Mạnh thấy thật sự e ngại, ý là e ngại cho
bạn !
E ngại vì nhiều lẽ, vì lẽ lăng kính màu hồng mà
bạn đã mang theo trong tâm hồn từ khi tóc còn xanh của 20 năm trước,
nay đã vỡ vụn mất ! Bạn có quá thất vọng vì điều đó chăng ? Vì lẽ
sự thoái chí mà Mạnh nghi ngờ đang ngự trị trong bạn vì lý do tuổi
tác !
Quả là chúng ta cùng một thế hệ, chúng ta cùng
trải qua tuổi trung niên, tóc chúng ta cùng điểm bạc, chúng ta đều không
còn sức “bẻ gãy sừng trâu” như tuổi 17 nữa … nhưng ngẫm lại xem, chẳng
phải tuổi tác đã mang đến cho ta những món quà vô giá đấy ư ? Sự
chững chạc, chín chắn, kiên định, hiệu quả … và nhất là kinh nghiệm
sống mà khi ở tuổi 17 chúng ta có sở hữu được chúng đâu ?
Những tưởng những món quà vô giá ấy sẽ giúp chúng
ta đến gần với lăng kính màu hồng hơn ? Nhưng với bạn, đau đớn quá
khi nó mang đến sự thoái chí mà Mạnh chưa từng nghĩ sẽ có ở bạn !?
“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đến kẻ thất
phu còn thế ! Thì chúng ta, người có chút ít học vấn định bàng
quang thế sự bằng tuổi tác của mình ư ? Nghĩ xem, sự ô nhục vì vong
quốc nếu có, nó đâu có chừa mái đầu điểm bạc của chúng ta chăng ?
Viết gởi cho bạn vài ý, tưởng sẽ ngắn mà hóa ra
lại dài, Mạnh chỉ mong là hiểu lầm bạn để tự thưởng cho mình vài
cái tát tai thật đau, vì nếu không, mình sẽ thấy đau hơn nếu mình
hiểu đúng bạn …
Thư bất tận ngôn, chúc bạn và hiền nội luôn luôn vui
mạnh …
Thân kính
Manh Dang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét