7 tháng 9, 2014

THƯ TRUNG THU CHO CON TRAI


Con trai,


Sớm lắm, từ những ngày đầu tháng bảy âm lịch của mùa Xá Tội Vong Nhân, thì ở thị thành, con có thấy người ta đã bầy các dãy tủ kính dài để bày bán các “cống phẩm” cho trẻ em vào ngày rằm tháng tám âm lịch ngay sau đó, ngày Tết Trung Thu không ?

Chắc con cũng đã đoán ra cống phẩm gì rồi nhỉ : Bánh trung thu, lồng đèn ! 

Không có những chiếc bánh trung thu thơm tho và những chiếc lồng đèn lung linh sắc màu, ắt không phải là ngày trung thu rồi, bố con mình khá đoan chắc về điều đó con nhỉ !


Bánh Nướng - Vô tư :

Bố vẫn thích gọi chiếc bánh trung thu là bánh nướng, bởi lẽ, nó là cách thường gọi của ông bà nội khi còn sinh thời.

Nhớ những chiếc bánh trung thu vàng ươm như hổ phách đã từng mê hoặc tuổi thơ bố biết bao nhiêu năm, hầu như, bố ít đoán trước được chiếc bánh đầy mê hoặc ấy mà bố được chạm đến sẽ có nhân gì, một chiếc bánh nhân thập cẩm cầu kỳ ư ? hay đậu xanh ngọt lịm đầu môi ? hoặc thơm ngát vị hạt sen ?  Kỳ thật, nhân chiếc bánh sẽ tùy thuộc vào sự may rủi của ông bà nội trong buổi đứng ngồi ở chợ trời vào ngày rằm tháng tám hàng năm khi ấy !

Trong buổi tối trung thu, chiếc bánh sẽ được đặt trang trọng trên bàn thờ để cúng giỗ bà nội lớn, bà bị chết đuối vì một cơn lũ đột ngột ở ngay tại phố núi Dalat vào năm 1956. Khi tàn nhang, ông nội đổ ít nước sôi vào ấm trà, chiếc bánh được cắt ra, ông cứ giục bà nội ngồi ngay vào bàn mà thưởng trà, mà ăn bánh  … Lúc ấy, chắc như con bây giờ, bố cứ thầm nhủ sao người lớn cứ bày vẽ nhiều nghi thức nhỉ, bố chỉ mong được cầm miếng bánh ăn ngay, ăn ngấu nghiến … để còn chạy ra ngoài chơi đèn với lũ trẻ !  Sau buổi tối chơi đèn trở về, bố thấy các phần bánh nướng còn lại vẫn y nguyên, hóa ra ông bà chỉ uống trà mà không ăn bánh, thể nào, bố cũng lại nghe ông bà nói “Bố mẹ ăn bánh nướng mãi cũng chán, con ăn đi”, và bố lại "VÔ TƯ” ăn nốt những phần bánh còn lại.


Lồng đèn - Vô tình :

Nhà ông bà nội trong những năm đó nghèo lắm con trai, nên không phải năm nào bố cũng đều có chiếc lồng đèn lung linh sắc màu để chơi. Những ngày gần đến trung thu, trên đường đi học về ngang qua những cửa hiệu treo bán lồng đèn, thể nào bố cũng dừng lại ngắm nghía và tự thầm chọn cho mình vài chiếc lồng đèn ưng ý nhất, có năm là chiếc tàu thủy oai phong lẫm liệt bọc giấy kính đỏ, có hàng cờ đuôi nheo buộc từ mũi và cuối tàu lên cột ống khói vươn cao ngạo nghễ, có năm là chiếc trực thăng bọc giấy kính xanh, cánh quạt có thể quay được, năm khác là một con kỳ lân có cái đầu thật to lúc lắc như gật đầu chào mỗi khi có cơn gió thoảng qua … Và cứ thế, sau mỗi buổi học về là bố lại điểm danh, và yên tâm xiết bao nếu chiếc đèn chiếc lồng đèn ưng ý của mình vẫn còn treo yên vị ở đó …

Có một năm, bố đã thiết tha xin ông bà nội mua cho mình một chiếc lồng đèn. Ông bà đã hứa sẽ mua, bố mừng lắm con à ! Những ngày trước trung thu thì vài đứa trẻ cùng trang lứa đã sớm có lồng đèn để chơi, bố lẽo đẽo đi theo chúng xem đèn mà lòng vẫn cứ mong chờ được cầm chiếc lồng đèn của mình. Đúng ngày rằm trung thu năm ấy, khi trời sâm sẩm tối thì bắt đầu mưa rả rích, bố chờ mãi, chờ mãi … đã quá bữa cơm tối mà ông nội vẫn chưa về, bố sốt ruột khóc đòi lồng đèn với bà rồi ngủ thiếp đi … Sáng ra, bố thức dậy thấy chiếc lồng đèn con cá bọc giấy kính đỏ bên cạnh, bố giận dỗi không cầm ! Như con bây giờ, bố đã nghĩ : Con trai ai lại chơi lồng đèn con cá ? Sao ông không mua cho bố những chiếc lồng đèn bố thích : Chiếc tàu thủy đó, chiếc phi cơ đó …

Hóa ra hôm ấy, gặp buổi đứng chợ ế ẩm, ông nội cứ nán thật trễ mong có ít tiền để mua đèn cho con trai mình. Đến tận buổi chiều trễ thì mới có người nhờ ông giao thuốc ở tận Dĩ An, đường xa lắm, bụng đói, nhưng ông vẫn cố đạp xe để đi giao, khi trở về thì mới có tiền mua chiếc lồng đèn cuối cùng mà họ còn treo trong cửa hiệu, biết bố có thể chẳng thích lồng đèn con cá, nhưng ông không có sự lựa chọn nào cả, ông đành mua về cho bố …

Những ngày sau rằm thì trẻ con vẫn chơi đèn, nhưng lần đầu tiên, bố có chiếc lồng đèn mà lại giấu biệt, chẳng dám xách đi chơi với chúng … bố "VÔ TÌNH", bố quá vô tình với sự hy sinh, yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái …

***

Giờ ngồi viết những dòng chữ này cho con, bố chỉ thoáng mong, nếu có thể, xin chiếc đồng hồ thời gian trôi ngược về lại những khoảng khắc khốn khó ấy, bố chẳng thể bù đắp về điều đã qua, mà chỉ để bố không VÔ TƯ, không VÔ TÌNH như thế nữa, tuy rằng, bố vẫn biết chắc ông bà nội cũng sẽ không bao giờ cho bố sự lựa chọn nào khác như đã từng thế, như đã từng bao dung, thứ tha về biết bao lần vô tư, vô tình của bố !    

Con thương, con đã chẳng bao giờ phải chịu cảnh thèm muốn chiếc bánh nướng hay khao khát chiếc lồng đèn trong mùa trung thu như tuổi thơ của bố, nhưng con nên biết, tuổi thơ của bố đã trải qua những mùa trung thu thèm muốn và khao khát những cống phẩm trung thu ấy như thế nào ?!  Cũng như bây giờ, ngoài kia, cũng còn vô số những đứa trẻ không nhà hoặc mồ côi, chúng chỉ cần có miếng ăn chứ chẳng dám mơ đến chiếc bánh nướng, chúng chỉ có ngọn đèn đường trong đêm chứ chẳng dám mơ đến chiếc lồng đèn, chúng chỉ cần có có một chiếc áo ấm chứ chẳng dám mơ đến vòng tay thương yêu của cha mẹ ! Để con biết rằng, mình đã hạnh phúc và may mắn xiết bao trong cuộc đời này con nhé !

Lại một mùa trung thu mới đến, con đang giã từ tuổi thơ để bước những bước chân đầu tiên vào tuổi thành niên, bố mẹ chúc mừng con đã có một tuổi thơ quá mức mơ ước của nhiều người …

Vững tin mà bước con nhé !

Yêu thương con thật nhiều.

Mùa Trung Thu Giáp Ngọ (2014)



Manh Dang  
----------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 



1 tháng 9, 2014

VỀ ĐI BẠN !





Đọc bài viết của bạn công bố thông tin liên quan đến trang nhóm của hàng nghìn thành viên chỉ bằng quyết định "mình ên", thấy bạn hành xử bằng cách "chỉ tay" như một đấng trị vì mà mình phục lăn quay.


Cuối bài, bạn kết "Có điều gì không phải  ... Xin được lượng thứ". Đọc những lời cmt ngay dưới bài thì chắc bạn đã biết điều không phải của mình rồi nhỉ  ? Ngay cả đến người chị chung mà chúng ta gặp thường xuyên trong các buổi họp mặt, hiền như bụt là chị "điệu" Truong Xuan Chi còn phải lên tiếng, ngay cả cô em gái thường chỉ hay cười như Diệu Lành còn phải nhăn mặt than thở "Anh Hiếu này xyz" thì chắc chắn "điều không phải" không hề nhỏ  !


Thôi thì đừng buồn khi những người đồng ý với mình ít như thế !? Người ta thường nói bậc vĩ nhân thường cô đơn chắc cũng vì lẽ này  !


Mình thì không quá bi quan khi đọc qua bài viết được ghim của bạn  !  Bởi lẽ, mình vẫn thấy bóng dáng người hùng của mình trong bạn như khi chỉ vài cú điện thoại, bạn đã ra tay "cứu sống" cả một trang nhóm, trong khi mình và các ACE thành viên chỉ biết than thở, cầu xin, năn nỉ ! Tính cách người hùng lại một lần nữa sáng lên từ chính những câu chữ này đây "TÔI HỨA SẼ LÀ MỘT THÀNH VIÊN BÌNH THƯỜNG VÀO MỘT NGÀY SỚM NHẤT".


Hóa ra, bạn không tham quyền cố vị như lời đồn thổi ác ý rằng bạn mê mẩn ngôi cao ấy vì lắm quyền, nhiều lợi !


Thế thì, "về" với mình để làm thành viên bình thường đi bạn ! Bạn nhẹ lòng, bạn bình yên, bạn vui vẻ mỗi ngày ... không chỉ thế, bằng việc "về" với mình, bạn lại ban niềm vui đến cho hàng nghìn ACE của chúng ta, bạn lại tiếp tục là người hùng của mọi người  !


Đừng chần chờ gì nữa bạn, đừng nhân danh bất kỳ sự tốt đẹp hay xấu xa nào khác để trì hoãn sự trở về của bạn nữa !


Hãy bắt đầu chữ "SỚM" của bạn ngay từ hôm nay, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, chỉ ngay sau cái click chuột ... sẽ đưa bạn về với mình, với vòng tay bao dung rộng mở của ACE chúng ta. "Quay đầu là ..." bạn sẽ điền chữ còn lại nhé ?


Về đi bạn !

01/09/2014
Manh Dang
---------------




31 tháng 8, 2014

THẤT VỌNG



Mặc dù có hẳn một nhóm admin điều hành, nhưng việc điều hành không hiệu quả khiến trang nhóm Dalat Pre 75 vẫn cứ trượt dài vào ngõ tối, như cái xác sống vật vờ suốt cả một khoảng thời gian khá dài … đến nỗi, người sáng lập cũng phải “bỏ chạy” sau khi “trần tình” cho rằng mình đã “làm xong” sứ mệnh kết nối, còn thì, sống chết mặc bay !


“Đồng thanh tương ứng”, một admin khác là anh Giang Long lập tức vào khẳng định việc xóa nhóm : “Chị Ngô Tấn Thủy Tiên có lẽ rút hơi sớm, mình cũng có ý định này từ lâu nhưng đến hôm nay vẫn còn ở đây viết mấy dòng này là vì phải làm nốt một số việc để xóa tên nhóm và xem như một kỷ niệm ... vì Pre 75 đã làm tròn sứ mệnh kết nối của mình ... mình sẽ bắt đầu việc xóa tên nhóm ngay từ lúc này ... đó cũng là tâm ý của chị TT từ buổi off vừa rồi nên đây không phải là chuyện cá nhân mà là việc có chủ định ...”.



Cho thấy, việc xóa nhóm có lẽ không chỉ là tâm ý của một mình anh Giang Long, mà còn là “chủ định” của chính chị Thủy Tiên là người sáng lập nhóm, chủ định có từ tận tháng 06/2014 !!!


Theo đó, biết bao nhiêu bài viết, văn, thơ, nhạc, hình ảnh có giá trị, cùng tình cảm gởi gắm của 2.600 thành viên trong hơn 2 năm sẽ biến mất sau cái click chuột của anh Giang Long.


Trước vận mệnh của trang nhóm như chỉ mành treo chuông, các ACE thành viên đều lên tiếng lo ngại, phản đối theo nhiều cấp độ, thậm chí, nhắn tin cho nhau thể hiện sự tức giận vì không được tham khảo ý kiến trước một sự việc không chỉ quan trọng mà còn liên quan đến nhiều người như thế !!! Điển hình như các anh chị em : Thanh Do, Dalat NgocHan, ThienHuong Bui, Đinh Thành Đầu Bạc, Giang Giang, Thuy Hong, Lệ Quỳnh Nguyên, Quy Nguyen Thi, My Hanh, KimHoa Bui, NgocBich Truong, Bảo Liên Lê, Tương Duc Tuyen, Mai Nguyen, Tôn-Thất Long, Thao Huynh, Thien Tra Tran, Lac Van Vo, Diệu Lành  …


Tôi đã góp một phần bé nhỏ của mình vào nổ lực chung ấy cùng các ACE, như sau :


May mắn, nỗ lực chung của mọi người đã được anh Giang Long lắng nghe, thông cảm, chấp nhận và gởi lời từ biệt khi rời trang nhóm. Trong lời từ biệt, anh Giang Long có nhắc đến tên tôi (Manh Dang) và cho rằng cả hai không có duyên vì một số điều không ưng ý, tôi tôn trọng suy nghĩ của anh nên không bình luận.


Mặc dù tôi không đồng quan điểm về nhiều vấn đề với anh Giang Long và có lẽ anh ấy cũng cùng có ý nghĩ ấy về tôi, nhưng ít nhất, cá nhân tôi đã kính phục anh ấy về sự thẳng thắn, quyết đoán, cá tính, tự chịu trách nhiệm, kịp thời, biết lắng nghe và rất tôn trọng ý nguyện của thành viên ! Đúng tư chất của một người lãnh đạo, chỉ tiếc rằng những tai tiếng về tiền bạc (chưa được kiểm chứng) và sự nóng nẩy đã làm ảnh hưởng đến uy tín của anh ấy !


Khi người sáng lập là chị Thủy Tiên rời trang nhóm, thì vấn đề ai sở hữu không còn đặt ra, mà nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung thuộc về các thành viên còn thiết tha với trang nhóm quyết định. Với ý thức trách nhiệm và tâm huyết của mình, các thành viên của trang nhóm, kể các các thành viên đang sinh sống ở hải ngoại đã đồng thanh tiến cử thêm các admin để phụ giúp điều hành trang nhóm. Dù vậy, hai admin còn lại là anh Lê Huy Cầm và Hieu Pham Ngoc vẫn tiếp tục giữ thái độ lặng thinh “lắng nghe” triền miên !?


Khi chị Thủy Tiên trở lại trang nhóm, hầu hết mọi người đều mừng vì bản thân chị đã là một phần của giải pháp ! Hơn nữa, tâm lý người Việt mình vẫn sống có trước có sau, “cái gì của Xê-da thì trả lại cho Xê-da”, vẫn thích câu chuyện có hậu theo kiểu “Kể từ đó họ hạnh phúc bên nhau đến trọn đời. Hết”. Thế nên, bản thân tôi đã rất thích thú khi anh Tôn Thất Long đã dùng tựa bài “Châu về Hợp Phố” để hai chúng tôi cùng đón chào sự trở lại của chị Thủy Tiên, gởi lời cảm ơn mọi người và xin tạ từ vai trò admin cùng gởi gấm vào chị không ít niềm hy vọng.


Mọi người vẫn trông chờ về một "phép màu" để làm hồi sinh trang nhóm mà chị Thủy Tiên đã hứa hẹn sẽ ban cho vào ngày 01/09, nhưng trước đó, không biết từ đâu đã lan truyền về sự thay đổi admin sẽ vẫn là nhóm admin cũ gồm cách ACE : Thủy Tiên, Lê Huy Cầm, Hieu Pham Ngoc và thế chỗ của Giang Long là chị LQN !


Tôi thất vọng vì toan tính “quẩn” của ai đó đưa loan truyền tin đồn này, vì thật ra, đó không phải là sự thay đổi khi mà “ngứa bên phải lại gãi bên trái”, chính nhóm admin đó đã từng bất lực trước vấn đề của nhóm, để rồi, người bỏ chạy, người định dang tay xóa nhóm … giờ thì vẫn y nguyên những con người đó lại điều hành thì quả là kiểu toan tính quẩn nhất mà tôi từng biết.


May thay, đó chỉ vẫn là tin đồn ác ý, và tôi vẫn HY VỌNG cho dù cái tựa bài “THẤT VỌNG” chỉ mang tính phỏng đoán không mong muốn.


Nếu không thì …


31/08/2014
Manh Dang
-----------------




16 tháng 8, 2014

HÃY “TÁT” TÔI LẦN CUỐI !!!




“Tát” là từ tôi tự phiên âm từ chữ “Tag”, một chức năng của trang mạng xã hội Facebook, dùng để đánh dấu, nhắc nhở cho người bạn mình về sáng tác, hình ảnh hoặc về lời status của mình …

Tôi đã từng có dịp vui biết mấy khi được bạn bè “tát” tên mình vào những hình ảnh sau chuyến du lịch chung, hay sau những buổi party, buổi café sáng chủ nhật …

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng được vui khi được “tát” như vậy, mà hàng ngày, sự khó chịu của tôi về nó lại nhiều hơn ! 

Ban đầu phải kể đến một cô gái, dù đã từng là ngôi sao, đã từng là người của công chúng, nhưng điều đó dường như cũng chưa đủ với sự hiếu thắng của cô ấy, cô ấy vào mạng ảo với một cái tên ảo rất đẹp, ảnh avatar cũng ảo ! Cô gái liên tục “tát” tên hầu hết mọi người trong friendlist cô ấy vào những status mà cô ấy post, đôi khi những lời lẽ trong các status ấy rất sâu sắc như được viết bởi các triết gia vậy, mà đôi khi cũng hời hợt lắm, nhưng việc “tát” liên tục như dội bom thế cũng khiến mọi người bội thực … Một số đã unfriend với cô gái, thậm chí block cô ấy !  Sự mong muốn tiếp tục trở thành một ngôi sao trên mạng ảo theo cách đó đã khiến mong muốn của cô gái trẻ đã chóng tan vỡ như bong bóng xà phòng !

Tôi có dịp biết một người làm thơ, hình như anh sáng tác thơ rất dễ như lấy đồ trong túi vậy, mỗi ngày anh đều có một vài bài thơ mới, thậm chí, thơ của anh rất thời sự như là một tờ báo tin tức ! Chỉ tiếc, có lẽ tôi dốt thơ, nên tôi không đủ trí tuệ để cảm thụ được thơ của anh ấy … nên tôi cứ đắn đo không biết như thế thì có nên gọi anh ấy là nhà thơ không ? Và cũng vì một lẽ khác nữa ! Đó là việc anh ấy “tát” tên hơn hàng trăm độc giả của anh vào sáng tác của mình, không rõ trong số đó có bao nhiêu người là độc giả thưởng thơ của anh, nhưng số khác rõ ràng là độc giả bất đắc dĩ, trong đó có tôi !? Anh ấy đã ghi điểm trừ trong trái tim của tôi trước khi tôi quyết định có nên dành thời gian để đọc thơ của anh ấy.

Lại có một anh tính tình nghệ sĩ, là nhiếp ảnh gia nghiệp dư, tôi biết chắc chắn về sự nghiệp dư của anh vì những tấm ảnh anh post thấy rất rõ là anh không hề có chút khái niệm nào về nhiếp ảnh cả, những cân bằng trắng, độ nhạy sáng, tốc độ trập … dường như đều là xa xỉ đối với anh !  Khi anh post ảnh thì post cho chính mình là chính, vì anh không “tát” ai cả … ấy vậy mà mỗi khi thấy hệ thống FB báo là anh ấy post ảnh là tôi vội vào trang nhà của anh để xem, tôi thích ảnh của anh vì cái “tình người” và cái “tính nghệ sĩ” anh thể hiện !

Tôi vẫn tự hỏi, nếu sáng tác, hình ảnh hoặc về lời status của mình thật sự thú vị, có sức lay động lòng người, đẹp đẽ, hữu ích và có duyên … thì chỉ cần vài người thích (like) và chia sẻ (share) nó, nó sẽ được lan truyền nhanh nhất, rộng rãi nhất , thì đó chẳng phải là cách “quảng cáo” nhẹ nhàng và thuyết phục nhất, hơn là cất công ngồi “tát” hàng trăm “nạn nhân” của mình hay sao ?!?

Người có thực tài, có nội lực thì luôn luôn tự tin, bản lĩnh vì lẽ “Hữu xạ tự nhiên hương”  !

Như thế, thì có lẽ mọi người đã hiểu tại sao tôi tự tiện phiên âm “Tag” thành “Tát” rồi nhé … Vì với tôi, nhận quá nhiều cái TAG không mong muốn cũng giống như nhận cái TÁT oan vào mặt vậy !

Thế nên, tôi mong “ai đó” cứ hãy TÁT tôi một lần nữa như là ân huệ cuối cùng, rồi tha thứ đừng TÁT nhau nữa nhé ! Đau !



Manh Dang
------------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 







6 tháng 8, 2014

XÁ TỘI VONG NHÂN






Lật tờ lịch mới, đã thấy dương gian đang sống trong những ngày của tháng bảy âm lịch rồi, là những ngày của lễ “Xá tội vong nhân” bắt đầu vào ngày mùng hai ta kéo dài cho đến hết tháng bảy ta hàng năm …


Truyền thuyết về Xá tội vong nhân kể rằng, vào tháng bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan (tức cửa địa ngục), để các linh hồn người chết, hay còn được gọi là cô hồn được trở lại cõi trần.


Trong những ngày này, các mẹ, các chị trong gia đình người Việt chăm chút, sắp sẵn các mâm quả lễ, thông thường là ít cháo trắng đặt trên những chiếc lá đa, mứt thèo lèo, bánh kẹo, mía, cóc, ổi, hóa tiền giấy vàng bạc, hình nhân thế mạng, nhà cửa, xe cộ, các vật dụng, thậm chí có cả các cô hầu gái xinh đẹp … thả chim phóng sinh, cầu kinh siêu thoát cho linh hồn người mất … để lễ cho các linh hồn vất vưởng đói khát, không nơi nương tựa, họ được thoát ngục tối âm ty, tự do lên dương thế để hưởng các của lễ, đến hết tháng 7 thì tất cả đều phải trở về, cánh cửa Quỷ môn quan lại khép kín.


Việc cúng lễ không chỉ với mục đích tránh bị các linh hồn vất vưởng vô danh quấy phá, mà còn vì mục đích làm phúc, giúp những linh hồn vô danh ít ra cũng có một ngày được no nê, không tủi phận khi những vong hồn khác được con cháu mời về dâng cúng đồ ăn, còn mình không ai đoái tưởng.


Thế nên, ngày lễ Xá tội vong nhân đã không chỉ là ngày lễ của tâm linh mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp trong văn hóa Việt. Không chỉ cúng lễ cho người thân đã khuất, người Việt ta còn cúng lễ cho cả những người linh hồn vô danh khác, với niềm tin rằng con người dù đã gây ra những tội ác gì thì bên cạnh sự quả báo luân hồi, cũng vẫn còn có được một ngày để xá tội, giảm hình phạt, giảm đau đớn, khuyến khích từ bỏ điều ác mà hướng về nẻo thiện …  


Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong hoàn cảnh xã hội ở dương thế ngày nay, khi mà người ta dễ dàng tước đoạt sinh mạng của nhau chỉ vì một cái nhìn “đểu”, một lời trêu chọc quá thái quá, một sự thách thức trẻ con , và không chỉ giữa những người xa lạ mà cả giữa những người thân thích trong gia đình … nên sinh mạng người sống bổng trở nên rẻ rúng như loài gia cầm vậy !


Tôi vẫn thầm nghĩ, nếu cùng với nén hương thơm bao dung cho linh hồn lạc loài đã mất, sao ta không sẵn lòng bao dung cho chính những đang người sống quanh ta nhỉ ? Khi một bên là niềm tin tâm linh, thì bên kia là sự sống hiện hữu ? Đó chẳng phải, cùng dâng của lễ cho sự chết, ta cũng đang dâng tâm hồn mình như là của lễ cho sự sống đấy sao ?

Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng để ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười [1]






Viết trong những ngày lễ Xá tội vong nhân Giáp Ngọ !

Manh Dang
------------------
[1] Trích ca từ nhạc phẩm “Nếu có yêu tôi” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Duy
------------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 


2 tháng 8, 2014

DI SẢN NÀO CHO CON ?






“ … chúng ta đã mất mát quá nhiều ! Đến cả sự tự trọng, thứ tài sản có giá trị cuối cùng mà tôi cũng đã định vứt bỏ khi đến nhờ chực các bữa cơm của anh chị, nhưng may mắn, anh chị đã giữ gìn lại cho tôi nguyên vẹn …” trích từ thư ông TT.Hân (Nguyên Chánh Thanh Tra Giám Sát Viện - VNCH).


Thông thường, số phận kẻ dân đen khó vượt thoát khỏi vận mệnh của đất nước. Thật vậy, khi vận nước đổi thay vào một ngày của tháng 04/1975, thì số phận của hàng triệu triệu người dân miền nam đã bước vào một khúc quanh cuộc đời rất khác biệt với những gì họ từng sống, từng biết.


Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ tôi khi ấy bắt đầu lao vào cuộc sống mới với đủ loại công việc có tên và không tên, những công chức mực thước như bố mẹ tôi trở nên những  người buôn bán thuốc tây ở chợ trời … chỉ cần vài ba cái vỏ hộp thuốc tây buộc vào nhau đặt ở lề đường là đã thành cái pharmacy tí hon rồi ! Bố mẹ tôi bắt đầu biết đến những từ ngữ chưa từng nghe trong đời họ “Trúng mánh”, tôi nhớ có hẳn vài câu hát chế thời đó : “Nhớ ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng, ngày nào bể mánh ngày đó điêu tàn !” … theo mức độ may mắn của buổi chợ, khi trúng mánh thì gia đình chúng tôi có một bữa no dồn, còn lại thì sẽ đói góp !


Đến những năm cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ đó, sao những  người sống xung quanh và cả chúng tôi nữa, sống khổ sở thế ? Trông họ người không còn ra người nữa.


Bác TT.Hân, một người bạn của bố tôi, bác từng là một trong số hơn mười vị chánh thanh tra của cả một quốc gia thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, bổng nhiên một dạo, bác cứ đến chơi nhà tôi gần vào buổi cơm, dĩ nhiên, bố mẹ chúng tôi mời bác ở lại dùng cơm cùng gia đình … mẹ tôi chạy vội đi vo thêm ít gạo ! Nhưng một tuần độ ba bốn lần như thế thì đã không còn là chuyện bình thường nữa rồi !!!  Hiểu ý, để bác không ngại khi thường xuyên đến nhà, bố tôi nhờ bác dịch giúp cuốn gia phả họ viết bằng chữ nôm … Bố tôi phải dặn mẹ tôi nấu sẵn thêm ít cơm để dành phần cho bác ấy, mẹ tôi gật đầu nhưng không nghe lời, nên mỗi lần có bác ấy cùng dùng cơm, mẹ tôi lại phải chạy đi vo gạo để nấu thêm cơm ! Bố cằn nhằn, mẹ bảo “Tôi chả tiếc, nhưng thời buổi gạo châu, củi quế thế này, nấu mà bác ấy không đến rồi lại dư, tội trời !” bố tôi phải chịu !


Nhưng chẳng phải lúc nào buổi cơm thì có cơm, có thể là cơm độn sắn, khoai, cho đến một thời gian thì vào dịp nhà tôi phải ăn khoai trừ bữa, bác Hân lại đến, mẹ tôi ngại chưa dám dọn bữa, bố tôi cười nói với khách “Hôm nay nhà tôi đổi món nên ăn khoai cho nhẹ bụng, mời anh ở lại dùng  với chúng tôi nhé ?”. Thoáng ngần ngừ, bác nhận lời, dĩa khoai được dọn lên. Khác với mọi lần, bữa ăn của chúng tôi lặng lẽ khác thường, khi mọi người đang lột khoai thì bổng dưng bố tôi và bác nhìn nhau cười, ban đầu họ chỉ cười nhẹ nhàng, rồi họ cười lớn dần, cười khanh khách, cười sằng sặc mà nước mắt cả hai người cứ chảy dàn dụa ra khắp mặt không dứt, mẹ tôi chạy vội ra đằng sau lau nước mắt !?


Sau lần ấy thì không thấy bác Hân đến nhà tôi chơi nữa, một hôm bố tôi về kể chuyện đến thăm thì thấy căn hộ bác ấy thuê đang bị niêm phong rồi, chắc bác ấy vượt biên ! Tôi nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hóa ra bác ấy cũng còn của để vượt biên …


Ít năm sau, gia đình tôi nhận được lá thơ của bác Hân gởi từ Mỹ về, bác kể lại đoạn trường vượt thoát bằng đường bộ sang Campuchia rồi đến Thái Lan, trong tay bác chỉ có mỗi chiếc la bàn ! Khi lạc vào khu vực của Polpot (Khơ me đỏ), nhờ biết tiếng Hoa nên bác phải giả dạng là Hoa kiều nên mới thoát chết. Sau một năm ở trại tị nạn Thái Lan, bác được định cư ở Mỹ. Nhưng những lời lẽ trong lá thư của bác Hân mới là điều làm tôi nhớ mãi trong suốt bao nhiêu năm qua : 

“ … chúng ta đã mất mát quá nhiều ! Đến cả sự tự trọng, thứ tài sản có giá trị cuối cùng mà tôi cũng đã định vứt bỏ khi đến nhờ chực các bữa cơm của anh chị, nhưng may mắn, anh chị đã giữ gìn lại cho tôi nguyên vẹn. Tôi cũng nhớ cả về bữa “tiệc khoai” tràn đầy nụ cười và nước mắt mà anh chị đã đãi tôi với sự thành thực. Từ bữa tiệc khoai đó, đã thúc đẩy tôi vượt thoát số phận mình dù không một đồng xu dính túi ! Và bây giờ, chỉ duy nhất một điều mà tôi thấy mình có nghĩa vụ thông báo với anh chị rằng, tuy tôi vẫn nghèo như những ngày ấy, nhưng sự tự trọng, tôi vẫn tự mình giữ gìn trọn vẹn … ”


Bác TT.Hân và bố mẹ tôi nay đều đã ra người thiên cổ …


Khi vào tuổi xế chiều của cuộc đời, bố mẹ tôi không phải là người giàu có ! Nhưng di sản từ ông bà mà tôi được thừa hưởng, đã khiến tôi luôn tự hào vì đã trở thành một tỷ phú giàu có bậc nhất trên cõi đời này … Sự giàu có không đến từ nhiều con số 0 kéo dài của đồng tiền, không từ của chìm hay của nổi, mà bằng cách sống của mình, bố mẹ cất giấu vào con tim của tôi ngay từ khi tôi nghe tiếng ru đầu đời, để bây giờ, tôi có thể tự tin phung phí mãi cho đến khi tôi rời cõi trần gian tạm bợ này … 


"Tự trọng và giữ gìn sự tự trọng cho nhau", tôi đã từng mong con mình sẽ được thừa hưởng giá trị của di sản đó ! "Loại" giá trị đang phôi pha dần trong xã hội này ...


Lại một mùa Vu lan mới đang đến thật gần với nhân trần … Bố mẹ, tôi nhớ người xiết bao !





Mùa Vu lan Giáp Ngọ
Manh Dang
----------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 



12 tháng 6, 2014

KÝ ỨC DALAT - MẸ TÔI, CON DỐC VÀ THIẾU NỮ DALAT

Một con dốc trong sương sớm Dalat


Mẹ tôi, con dốc và thiếu nữ Dalat 


Khi tôi còn nhỏ, có những lần nghe người lớn nói chuyện về thiếu nữ Dalat, thì chắc chắn thể nào cũng nhắc đến đôi má hây hây hồng tự nhiên của họ, điều đã trở thành nét duyên, rất riêng và đầy tự hào một thời của thiếu nữ Dalat, mà nay sao đã phôi pha, mai một đi ít nhiều với thời gian ?! Và trong câu chuyện ấy, mẹ tôi đã từng cười mà đùa rằng, Dalat nhiều đồi dốc, nên con gái Dalat ai cũng có cặp mông thật là nẩy, tôi nghe thật lạ lùng vì chưa hiểu lắm …

Tôi cũng chưa bao giờ có dịp kiểm chứng về lời nhận xét đùa của mẹ tôi, nhưng có điều, tôi rất nhớ về những con dốc Dalat, mà ít nhất ba lần, tôi đã vuột tay để chứng kiến mẹ tôi ngã sóng soài vì những con dốc ấy ! Vì lẽ, mẹ tôi vốn có đôi chân khá yếu, nên đi đâu bà cũng thường đưa tôi theo để vịn như chiếc gậy của người già. Một lần bà ngã ở con dốc mấp mô đá xanh chen lẫn đất đỏ, con dốc nối nơi mẹ tôi làm việc chỉ vài phút đi bộ để hướng lên chợ Chi Lăng, nay có dịp trở lại thì tôi thấy con dốc đã trở thành một con đường trải nhựa bằng phẳng rồi;

Một lần khác ở lối đi khá dốc giữa nghĩa trang Mả Thánh lúc khoảng 4 giờ chiều, khi ấy trời vừa tạnh mưa, hai mẹ con tôi đi viếng mộ người thân, tìm mãi không thấy ngôi mộ, sợ tối trời nên đành ra về, khi trở xuống con dốc đất đỏ ướt trơn trợt, bà lúng túng tránh đống phân bò thế nào mà ngã ngồi đúng ngay vào đó !!!  Xuống đến đường, vào một nhà gần đấy để mẹ tôi xin nước rửa ráy giữa trời chiều rét căm căm !  Cả tôi và người chủ nhà tốt bụng không nhịn được cười, mẹ tôi cũng cười, nhưng nụ cười cứ trôi tuột đi giữa hai hàm răng đang va vào nhau lập cập  …

Lần ngã thứ ba khi mẹ tôi đi dự đám cưới của một cô đồng nghiệp trẻ, nhà ở trên một con dốc cao khá ngoằn nghèo, khi buổi chiều chúng tôi đến đấy lúc trời còn sáng tỏ, mẹ tôi trông đã lo ngại, đến tối tàn tiệc trở ra, mấy con chó của chủ nhà cứ rượt đuổi nhau lăn xả cả vào chân khách, mẹ tôi níu tay tôi nhưng cũng không giữ được nên cứ thế mà ngã sóng soài vào bụi cây ven mép con dốc, may có mấy chú đồng nghiệp trẻ đỡ lên rồi cứ thế cõng xuống tận dưới đường.

Tuổi thơ của tôi ở Dalat đã có những con dốc như thế, “sồng sộc” hay nhẹ nhàng vô tình đi vào ký ức của tôi, để lại niềm bâng khuâng, nhớ mãi khôn nguôi …

Niềm nhớ là những con dốc nhỏ chỉ rộng độ một hay non hai thước tây, quanh co, ngoằn nghèo, lúc phình to, lúc thu hẹp ... mà tôi đã có dịp thấy khắp mọi nơi ở phố thị, ngoại ô Dalat, trông đơn sơ lắm, mộc mạc lắm, nó nhẹ nhàng như giọng nói, như hơi thở thiếu nữ Dalat đang ân cần níu tay áo đưa khách vào từng con hẻm nhỏ, ở đó, có những cánh hoa dại mọc ven dốc đang rung rinh như quyến luyến cuốn theo chân người hay những chùm hoa được chăm sóc, tỉa tót đang kiêu kỳ khoe sắc trên những vòm cổng, trên hàng rào hay trên những ô cửa sổ nhỏ. Đôi khi, con dốc nhỏ cũng đỏng đảnh để bất chợt rẽ quặt vào một vườn bắp sú xanh rờn trên nền đất hực màu cam tươi ở tận cuối con dốc !

Không chỉ những con đường, con hẻm mới có dốc, đôi khi dốc nằm ngay trong chính từng căn nhà nhỏ, trong từng khoảng vườn riêng. Cho nên, có những mái nhà thấp hơn cả nền cổng là điều hết sức bình thường, hoặc ngôi nhà có mặt chính là tầng 1, nhưng cũng tầng ấy có mặt sau trông ra vườn lại là tầng 2 cũng nên. Nếu không thế, đấy chẳng phải là Dalat.

Hầu như, mỗi con dốc đều ẩn giấu sẵn trong mình những điều bất ngờ dành cho khách, vì sau những lối rẽ, những ngả ba, sau những bậc tam cấp đột ngột đi xuống, hay những nấc thang giựt ngược lên cao, sau những nếp nhà hiền hòa … là những cảnh trí thay đổi ngoạn mục không ngớt … y như chính các thiếu nữ sinh ra ở đất này, kín đáo lắm, nhưng sẽ tinh nghịch vô chừng và hiếu khách nếu là người tri kỷ !

Tôi khá chắc chắn khi nói rằng con hẻm nào mà không có dốc thì không phải là con hẻm Dalat !

Nhưng, cũng có những con dốc lớn xác, khoe thân vạm vỡ như chàng trai của tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu gọi là đèo, hăm hở đứng đón khách từ ngay của ngỏ Dalat ! Hay con đường dốc Lê Đại Hành lớn rộng, tinh tươm hướng lên khu Hòa Bình, hoặc con dốc gắt khúc như khuỷu tay người từ hướng ga Dalat rẽ phải vào con đường có tòa nhà Nha Địa dư hay Trường Hùng Vương ngày trước tọa lạc … Thế nhưng, tôi không có nhiều ấn tượng với các con dốc như chàng trai khoe mẽ, tinh tươm, bóng mượt như thế, mà tôi thật sự “phải lòng” những con dốc nho nhỏ, quanh co đã từng làm mẹ tôi e ngại … nhưng làm con tim tôi thổn thức, chùng lòng không biết bao nhiêu lần khi có dịp ngắm nhìn lại, như ngắm nhìn bóng dáng cố nhân u sầu, đang thấp thoáng sau cánh rào thưa !

Tôi tự hỏi, đã có khi nào thiếu nữ Dalat tin rằng hình thể mình đẹp ở vòng ba không chỉ nhờ gien di truyền của cha, của mẹ, mà nhờ cả vào vùng đất lành, nơi có những con dốc loanh quanh đã nâng niu, đếm từng bước chân của họ từ tuổi ấu thơ cho đến suốt thời kỳ phát triển, định hình cơ thể xuân thì của mình không nhỉ ? Nếu không, thì quả là phụ lòng những con dốc mà tôi đã biết, đã đi, đã yêu và đang nhớ !

Những con dốc Dalat ...


Mưa tháng 6/2014
Manh Dang
-----------------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 

Xem cái bài viết về Ký ức Dalat :
Ký ức Dalat - 1. Dư âm và Dư hương
Ký ức Dalat - 2. Tháng ba buồn
Ký ức Dalat - 3. Ám tượng đêm
Ký ức Dalat - 4. Vĩnh biệt Dalat
Ký ức Dalat - 4. Vĩnh biệt Dalat (phần tiếp theo và hết)

Một số hình ảnh về các con dốc Dalat (nguồn internet) :







9 tháng 6, 2014

“GIẶC Ở SAU LƯNG NHÀ VUA ĐẤY !”




“GIẶC Ở SAU LƯNG NHÀ VUA ĐẤY !”


“Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”(1)

Khoảng thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi đất nước còn đang đắm chìm, rên xiết trong xiềng xích nô lệ của người Pháp, nhưng đâu đó người Việt ta cứ dửng dưng, xem việc cứu nước, cứu nền độc lập dân tộc là việc “quốc sự”, việc của các nhà cách mạng vào sinh ra tử, chẳng phải chuyện của mình, của quảng đại quần chúng.

Lo lắng, sốt ruột về tinh thần bạc nhược của dân ta, khi làm bài thơ về chiếc “Đồng hồ náo”, nhà chí sĩ Phan Bội Châu viết :

“Khen cho tài ngủ người mình nhỉ
Reo đã bao lâu cũng kệ thây”


Trong một bài thơ khác cùng thời kỳ ấy, bài “Á Tế Á Ca” (tác giả chưa rõ) cũng có đoạn :

“Thương ôi ! Bách Việt giang san
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh ?”


Cho thấy, khi quốc gia hữu sự, trong những thời khắc nhất định của lịch sử, thì sự ý thức, đồng tâm, hiệp lực của cả dân tộc không phải lúc nào cũng song hành !?

Chắc ai đó sẽ vội vàng gọi ngay tên sự kiện “Hội nghị Diên Hồng” của vua tôi thời Trần để phản đối, nhưng với tất cả sự tôn trọng, tôi xin thưa, quả thật chúng ta đã có trang sử hào hùng đó thật, nhưng có vẻ, chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử lẻ loi ấy trong suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử …

Lý giải như thế nào về sự thờ ơ, dửng dưng, vô tình, vô cảm, bạc nhược của dân ta trước những vấn đề mang tính chất quyết định của đất nước, kể cả trước đại họa vong quốc ? Có thể vì tinh thần dân tộc quá nhạt nhòa ? Vì tính ỷ lại ? Vì tính vị kỷ ? Vì sự sợ hãi ?

Với tôi, tôi gần thấy như mình có đủ các tính ấy !!!

Bởi lẽ, có những lúc tôi đi ngang qua đám đông đang trương cờ, biểu ngữ để thể hiện lòng yêu nước, tôi chỉ gương mắt tỏ vẻ hiếu kỳ, tò mò về một sự kiện bất thường trên đường phố rồi thôi, nếu không, tôi mừng thầm vì có một câu chuyện đắc ý để làm quà trong buổi nhậu chiều tan sở ! Tôi dửng dưng vì trong tôi có lẽ chưa hề tồn tại tinh thần dân tộc !

Có những lúc, tôi xem một vài clip quay cảnh nhân viên an ninh đang khuyên giải người biểu tình hãy để những chuyện cứu quốc cho Đảng và Chính phủ lo, có vẻ điều đó thật thuyết phục ! Vì xung quanh tôi,  cuộc sống còn quá khó khăn quay cuồng với “cơm, áo, gạo, tiền”, các hóa đơn hàng tháng của tiền thuê nhà, tiền chợ, điện, nước, xăng, gaz, học phí của con … tháng trước chưa xong tháng sau đã lù lù đến. Nên khi nghe việc cứu quốc là việc của Đảng và Chính Phủ, tôi thấy chính mình đang vội vàng gật đầu thỏa hiệp ! Sự ỷ lại trong tôi chưa bao giờ lớn như thế !

Hoặc giả, tôi có một gia đình yên ấm, một căn nhà đẹp, một chiếc ô tô đi nghỉ xa vào mỗi dịp cuối tuần, một ít tiền gởi ngân hàng cho những dự án tài chính hiệu quả hơn. Cho nên, tôi chỉ muốn chính mình được bình an, để tôi không bị mất đi những điều tốt đẹp mà tôi phấn đấu mãi mới có như ngày hôm nay. Ước muốn bình an ấy là chính đáng, hay là vị kỷ ? Tôi tin sẽ không bao giờ có câu trả lời đủ thỏa mãn !?

Hoặc giả, tôi đủ sự hiểu biết về hiện tình đất nước, về đại họa vong quốc đang chực chờ. Tôi mong chờ một minh chúa xuất hiện cùng đoàn dũng sĩ thiện chiến của người … tôi sẽ hò reo, tôi sẽ vổ tay cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng. Nhưng, trong cuộc chiến trước khi chiến thắng, cho tôi làm kẻ cầu an ! Sao thế ? Chẳng sao cả, khi kinh nghiệm sống từ xã hội này đã dạy rằng sự sợ hãi, bạc nhược sẽ giúp tôi sống lâu hơn !? Tôi không tranh đấu, tôi không hy sinh, vẫn sẽ có người khác làm việc ấy !

Thế thì, có vẻ một Trần Ích Tắc hay một Lê Chiêu Thống hoặc một kẻ nội gián chẳng phải tìm ở đâu xa, chính là tôi đấy ! Chính sự sự thờ ơ, dửng dưng, vô tình, vô cảm, bạc nhược … chính vì tinh thần dân tộc mai một, tính ỷ lại, tính vị kỷ và sự sợ hãi của tôi đã làm dân tộc tôi yếu đi, làm mồi ngon cho giặc ngoại xâm ! Tôi đích thị là kẻ nội gián thời hiện đại !

Chẳng phải tôi đã giật mình thon thót khi lịch sử đã vẽ nên hình hài của tôi qua câu chuyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”.

Ở đoạn cuối câu chuyện, sử xưa chép rằng, khi quân giặc đã đến sát chân thành, An Dương Vương mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không hiệu nghiệm nữa. Thành vỡ, quân tan, lửa cháy ngút ngàn … nên An Dương Vương vội vã đưa con gái là Mỹ Châu cưỡi ngựa chạy trốn cùng với mình. Ngồi sau lưng cha, Mỹ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc làm dấu trên đường. Khi chạy đến núi Dạ Sơn gần biển thì quân giặc đã đuổi gần đến. Không còn lối thoát, An Dương Vương hướng ra biển khấn thần Kim Quy giúp cho mình. Vua vừa khấn xong thì Thần Kim Quy hiện lên, bảo An Dương Vương rằng "Giặc ở đằng sau lưng nhà vua đấy !". An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhẩy xuống biển. Rùa Thần rẽ nước đưa nhà vua đi.

Thông điệp từ bài học lịch sử quá rõ ràng : Giặc không chỉ là kẻ ngoại xâm trương cờ, ôm súng đứng trong sân nhà mình, mà đôi khi chính là kẻ đang run rẩy núp sau lưng mình … Nhưng nếu tôi nói kẻ đang run rẩy núp sau lưng mình đang mang gương mặt của chính mình thì mọi người có ngạc nhiên không nhỉ  ?

Tôi đã ngạc nhiên một lần và rồi đã làm quen với nó hàng ngày khi soi mặt trong gương, và vì, tôi đang có ý định nói với mọi người về điều đó ! "Hãy tự soi gương nào, bạn có thấy giặc đang ở sau lưng của mình không ?".

“Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”(1)


09/06/2014
Manh Dang
-------------------
(1) Ca từ của nhạc phẩm “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966
“… Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên …”

-------------------
* Xem các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang


6 tháng 6, 2014

CÔNG ƯỚC KẾ TỤC QUỐC GIA CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

“Công ước Kế tục Quốc gia của Liên Hiệp Quốc”

Tạ Văn Tài và Vũ Quang Việt
Post ngày 2-6-2014, tại trang Ba Sàm





Trong vấn đề kế tục quốc gia, một công ước quan trọng của Liên Hiệp Quốc về việc kế tục quốc gia gần như đã bị các nhà nghiên cứu người Việt Nam và người nước ngoài bỏ qua hay chưa nhắc tới. Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 (Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties 1978). [1] 

Công ước này được soạn xong ngày 23 tháng 8 năm 1978 và có hiệu lực từ ngày 6 tháng 11 năm 1996. 

Việc kế tục quốc gia (State) khác hẳn với việc kế tục chính quyền dù là việc thay đổi chính quyền mang tính chất thay đổi thể chế, chứ không chỉ có nghĩa là thay đổi người lãnh đạo. Ở đây thay đổi quốc gia là sự thay đổi cơ bản về căn cước pháp lý quốc tế của một quốc gia (state), có thể gồm cả mặt thể chế, chính quyền, công dân và đặc biệt quan trọng là thay đổi lãnh thổ – qua việc phân chia lãnh thổ, hay sáp nhập lãnh thổ của quốc gia trước nó. Bài này sẽ làm sáng tỏ nội dung của Công ước này liên quan đến lãnh thổ và thử áp dụng vào trường hợp Việt Nam, khi ta giả dụ cho cuộc bàn luận này là có một hiệp ước về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đó.

1. Một số ý niệm cơ bản
Trước tiên cũng cần làm rõ các từ và ý niệm được sử dụng trong Công ước.

1.1 Quốc gia (State)
Quốc gia là một pháp nhân, theo sự mô tả của công pháp quốc tế truyền thống (traditional/customary international law), đã được đúc kết trong Công ước Montevideo,[2] nó sẽ được hình thành khi đạt những tiêu chuẩn sau : 

a) một khối dân cư thường xuyên, 
b) một vùng lãnh thổ được xác định, 
c) một chính quyền, và d) khả năng thiết lập quan hệ với các Quốc gia khác. 

Trụ sở Liên Hiệp Quốc
Theo định nghĩa trên, Đài Loan hiện nay, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) cũng là Quốc gia theo định nghĩa của Luật quốc tế trên tuy rằng CHMNVN được chính phủ CMLT dùng để chỉ cùng một thực tế Quốc gia ở miền Nam vĩ tuyến 17 là nơi có hai chính phủ tranh chấp nhau (xem giải thích về ý nghĩa chữ Quốc gia trong tiếng Việt trong phần Phụ lục). Người Đức, người Đại Hàn và nhất là người Việt Nam trước đây trong cả hai phần đất nước chia đôi của họ, theo như quan niệm lý tưởng của họ, đều coi mình là một dân tộc thuộc về một đất nước, nhưng trên thực tế, và cả trên phương diện luật quốc tế, hai phần của một đất nước đã được đối xử như các quốc gia riêng lẻ, có lãnh thổ, dân và chính phủ riêng và có thiết lập ngoại giao với nhiều Quốc gia khác trên thế giới.

Hiệp định Ngừng chiến ở Việt Nam 20-7-1954 (gọi gọn là Hiệp định Geneve)[3] thỏa thuận phân chia tạm thời Việt Nam thành hai khu vực : quân đội Nhân dân Việt Nam (tức của VNDCCH) ở phía bắc vĩ tuyến 17, quân đội Liên Hiệp Pháp ở phía nam và sẽ thống nhất qua cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau đó. 

Cùng với Hiệp định này là Tuyên bố cuối cùng Hội nghị Geneva : về phục hồi hòa bình ở Đông Dương 21-7-1954,[4] ở đó, “Hội nghị tuyên bố rằng, liên quan đến Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ cho phép nhân dân Việt Nam hưởng các quyền tự do cơ bản, được bảo đảm bởi các thể chế dân chủ, thiết lập như là kết quả của các cuộc tuyển cử tự do bằng phiếu kín.”[5] 

Các cường quốc như Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, và Anh ký kết, tuy nhiên Mỹ và Quốc gia Việt Nam (nằm trong Liên Hiệp Pháp và lãnh đạo bởi Bảo Đại) không chịu ký kết và sau đó không chịu thi hành cuộc tuyển cử nhằm thống nhất đất nước. Nước Việt Nam (theo nghĩa nation) là một, nhưng tình hình chính trị thế giới và sức ép về chính trị và quân sự của hai cường quốc như thực dân Pháp và Mỹ ủng hộ thực dân Pháp đã tạo ra hai Quốc gia có chủ quyền riêng biệt theo đúng định nghĩa của Công ước Montevedio.

Một phiên họp khoáng đạt của Liên Hiêp Quốc
Cho nên, trước khi hai quốc gia đó thống nhất vào năm 1976, bất cứ một quyết định nào liên quan đến lãnh thổ của một trong hai Quốc gia trên, mà không do quyết định của chính quốc gia ấy, là vi phạm đến quyền dân tộc tự quyết được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Sau khi hai miền hay hai quốc gia Việt Nam thống nhất xong, bất cứ một quyết định nào liên quan đến lãnh thổ chung, Quốc gia Việt Nam thống nhất với tư cách là Quốc gia kế tục các Quốc gia đã có mặt trước đó do việc nước Việt Nam bị chia cắt có quyền sử dụng Công ước Kế tục của LHQ, khi Công ước này có hiêu lực.

Vậy Công ước này đã quy định gì về vấn đề kế tục quốc gia?

1.2 Kế tục (succession)
Một pháp nhân quốc gia này khi kế tục một hay nhiều pháp nhân quốc gia khác trước đó, không nhất thiết phải kế thừa tất cả những hiệp định của pháp nhân quốc gia mà nó kế tục, vì đó là hệ luận hợp lý của nguyên tắc chủ quyền của một quốc gia (state sovereignty) trong hệ thống chính trị thế giới hiện nay, trong đó một quốc gia bình đẳng với các quốc gia khác, cho nên không ai có thể áp đặt cho một quốc gia sự chấp nhận những gì quốc gia đó không muốn, như chính sách nội bộ (domestic jurisdiction) chẳng hạn, ngoại trừ những nguyên tắc có giá trị phổ quát của luật quốc tế.

Những hiệp ước ký kết giữa vài nước với nhau chỉ có gía trị giữa các nước ký kết, không có giá trị phổ quát như luật quốc tế áp dụng toàn cầu, chẳng hạn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Vi thế, trong sự kế thừa hiệp ước, khi một quốc gia kế thừa lãnh thổ, dân chúng và chính quyền của một quôc gia mà nó thôn tính hay sát nhập, có trường hợp quốc gia mới phải kế thừa những hiệp định hoặc thỏa thuận của quốc gia cũ, nhưng cũng có trường hợp quốc gia mới lập coi như bắt đầu từ trang giấy trắng, không cần kế thừa hoặc có thể tự chọn những gì cần kế thừa nếu các quốc gia đối tác đồng ý. Các hiệp ước thỏa thuận về vấn đề gì đó giữa các quốc gia, mà không liên quan hay va chạm đến những nguyên tắc luật quốc tế căn bản phổ quát của cộng đồng quốc tế (fundamental, universal principles of law of civilized nations), thì chỉ có hiệu lực khi các bên đối tác có sự đồng ý (vì thế có danh từ “treaties and international agreements”), theo nguyên lý tự do kết ước (freedom of contract); và chính vì thế mà một bên kết ước hay kế thừa hiệp ước có thể tuyên bố chấm dứt hay bãi bỏ hiệp ước đã ký (resiliation hay repudiation/abrogation) khi tình trạng mới không còn hợp cho các sự ràng buộc của hiệp ước nữa, tức là không còn nguyên trạng cũ vốn đã từng làm nền tảng cho hiệp ước nữa (nguyên tắc rebus sic stantibus trong luật quốc tế truyền thống).

Một lý do quan trọng để quốc gia kết ước hay kế thừa hiệp ước có thể viện dẫn để đình hoãn, chấm dứt hay bãi bỏ hiệp ước đã ký cũng đã được nêu ra ở điều 13 trong Công ước 1978; nó nói rằng nguyên tắc luật quốc tế về chủ quyền vĩnh viễn của mọi dân tộc và mọi quốc gia đối với tài nguyên trong lãnh thổ của mình khiến cho không có điều gì trong Công ước này có thể xâm hại đến các nguyên tắc về chủ quyền vĩnh viễn về tài nguyên đó. (Article 13. Nothing in the present Convention shall affect the principles of international law affirming the permanent sovereignty of every people and every State over its natural wealth and resources).

Như vậy, chủ quyền về tài nguyên trong lãnh thổ đã được Công ước dành lại hoàn toàn cho ý muốn hành xử của quốc gia kết ước hay thừa kế hiệp ước.

Chính vì nhằm tạo ổn định trong quan hệ quốc tế, đồng thời nhằm hướng dẫn việc giải quyết vấn đề kế tục mà Công ước được soạn thảo. Hai lý do chính mà Công ước đưa ra để biện minh cho sự tồn tại của nó là: thứ nhất, “có sự chuyển biến sâu sắc do tiến trình giải thực (decolonization) mang đến”; thứ hai, “có các yếu tố khác có thể dẫn đến các trường hợp kế tục trong tương lai.” Chính vì thế mà “cần có sự điển chế (codification) và từng bước phát triển các nguyên tắc liên quan đến việc kế tục quốc gia đối với hiệp định nhằm bảo đảm sự ổn định pháp lý trong quan hệ quốc tế.”[6]

Như thế Công ước về kế tục không chỉ nhằm giải quyết vấn đề nảy sinh từ việc các quốc gia mới ra đời sau khi chủ nghĩa thực dân bị xóa bỏ mà còn nhằm đối phó với tình hình các nước ra đời sau khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã, cũng như vì các lý do khác. Đây là lý do một số nước thoát khỏi chủ nghĩa thực dân như Angola, Niger, Tunisia, v.v. hay các nước như Ukraine, Serbia, Montenegro, Croatia, Czech Republic, Poland sau khi các nước chủ nghĩa xã hội này tan rã, đã phê chuẩn Công ước. Cho đến đầu năm 2014, chỉ mới có 37 nước, hầu hết là các nước có vấn đề biên giới, hoặc mới tách lập, mới phê chuẩn. Những nước vắng mặt là Trung Quốc và Việt Nam.[7] Trong khi đó Công ước LHQ về Luật biển đã có 166 nước ký, chỉ còn thiếu 7 nước có biển là không chịu phê chuẩn, trong đó có Mỹ, Eritria, Israel, Peru, Syria, Turkey, Venezuela.[8]

2. Nội dung : Công ước không đòi hỏi thừa kế hiệp định liên quan đến lãnh thổ

Công ước cho thấy rõ là không có sự thừa kế hiệp định liên quan đến lãnh thổ mà Quốc gia trước đó đã ký, dù Quốc gia trước đó và Quốc gia kế tục đồng ý kế thừa bằng thỏa thuận (Điều 8.1) hay qua tuyên bố đơn phương của Quốc gia trước đó về kế thừa (Điều 9.1). Đây là các điều quan trọng nhất trong Công ước vì nó muốn giải phóng các nước bị áp chế trước đây khỏi mọi ràng buộc có thể rất bất hợp lý mà họ phải chịu đựng khi hình thành Quốc gia mới.


Điều 8.1 của Công ước cho rằng : “Trách nhiệm và quyền của Quốc gia trước đó (predecessor) liên quan đến lãnh thổ ghi trong hiệp định đã có hiệu lực vào lúc việc kế tục xảy ra không trở thành trách nhiệm và quyền của Quốc gia kế tục đối với các Quốc gia khác bị ràng buộc bởi hiệp định chỉ vì lý do là Quốc gia trước đó và Quốc gia kế tục đã thỏa thuận đấy là trách nhiệm và quyền ủy thác cho Quốc gia kế tục.” (Article 8.1 The obligations or rights of a predecessor State under treaties in force in respect of a territory at the date of a succession of States do not become the obligations or rights of the successor State towards other States parties to those treaties by reason only of the fact that the predecessor State and the successor Sate have concluded an agreement providing that such obligations or rights shall devolve upon the successor State).

Điều 9.1 nhấn mạnh nguyên tắc không thừa kế trong trường hợp Quốc gia trước đó (predecessor) đã tuyên bố đơn phương kế thừa. Cơ bản sự khác biệt giữa điều 9.1 và điều 8.1 là ở chỗ đoạn cuối của Điều 8.1 “Quốc gia trước đó và Quốc gia kế tục đã thỏa thuận” được thay bằng “Quốc gia kế tục đã tuyên bố đơn phương” ở đoạn cuối của Điều 9.1. (Article 9.1 Obligations or rights of a predecessor state under treaties in force in respect of a territory at the date of a succession of States do not become the obligations or rights of the successor State or of other Sates parties to those treaties by reason only of the fact that the predecessor Sate has made a unilateral declaration providing for the continuation in force of the treaties in respect of its territories).

Điều 13 của Công ước nói tới ở trên, về chủ quyền vĩnh viễn của quốc gia trên các tài nguyên trong lãnh thổ mà Công ước không thể xâm hại tới, cũng phù hợp với tinh thần các điều 8.1 và 9.1 này.

3. Ứng dụng trong trường hợp Việt Nam sau 1975 :
Công ước cho thấy rõ nguyên tắc không phải thừa kế hiệp ước về lãnh thổ đối với Quốc gia mới ra đời (dù được tách từ một Quốc gia hay là kết quả nhập từ nhiều Quốc gia trước đó).

Trong trường hợp Việt Nam, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) là kế tục của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vào năm 1975. CHMNVN thay thế VNCH trong vai trò quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Sau đó vào năm 1976 khi Việt Nam thống nhất, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Quốc gia kế tục của hai Quốc gia trước đó : Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN). Điều 9.1 cho thấy dù Quốc gia trước đó là VNDCCH tuyên bố điều gì về lãnh thổ thì tuyên bố đó vô hiệu, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải kế thừa, đó là do áp dụng tinh thần của Công ước Kế thừa Quốc gia nhằm mục tiêu giải thực hoặc tương tự. Trong trường hợp Quốc gia kế tục không phải kế thừa về hiệp định liên quan đến lãnh thổ thì các tuyên bố đơn phương lại càng không phải kế thừa.

Tuy vậy, một câu hỏi cần được thảo luận là : Công ước ra đời năm 1978 nhưng có hiệu lực vào 6 tháng 11 năm 1996, vậy Công ước có được áp dụng một cách hồi tố với trường hợp CHXHCNVN ra đời trước đó vào năm 1976 không? Câu trả lời là Công ước được áp dụng mềm dẻo, dĩ nhiên áp dụng cho các tình huống có sau Công ước, nhưng cũng có thể áp dụng cho cả các tình huống có trước Công ước, tuỳ theo vấn đề và thỏa thuận của các quốc gia.




Không được hồi tố là nguyên tắc chấp nhận rộng rãi trong luật. Nguyên tắc hồi tố có hiệu lực nếu Quốc gia kế tục đã đồng ý thừa kế các hiệp ước sau khi nó ra đời và trước khi công ước có hiệu lực nhằm tránh việc lợi dụng công ước để xóa bỏ các hiệp ước đã đồng ý thừa kế. Công ước cũng sẽ chỉ không áp dụng cho các sự việc xảy ra trước ngày ban hành luật (không được có ex post facto law).

Tuy nhiên, trong trường hợp chưa có sự đồng ý nào về việc thừa kế, thậm chí Quốc gia kế tục đã tuyên bố bác bỏ những hiệp ước hoặc tuyên bố đơn phương đã có trước khi Công ước ra đời thì Công ước phải được áp dụng bởi vì bản chất của Công ước là bảo vệ chủ quyền về lãnh thổ của các Quốc gia bị trị hoặc bị đặt vào thế không thể làm quyết định phản ánh đúng ý chí của Quốc gia đó.

Chính vì thế, dù Điều 7.1 của Công ước Vienna qui định áp dụng đối với các Quốc gia ra đời sau khi Công ước có hiệu lực vào ngày 6 tháng 11 năm 1996, thì Điều 7.3 lại cho phép linh hoạt, bởi vì nó cho phép các Quốc gia dù ra đời trước khi Công ước có hiệu lực vẫn có thể giải quyết trên cơ sở của nó, miễn là bên đối tác ra tuyên bố chấp nhận.

Điều 7.1 “…Công ước chỉ áp dụng đối với việc kế tục quốc gia xảy ra sau khi Công ước này ra có hiệu lực trừ trường hợp được đồng ý.”(Article 7.1 “…the Convention applies only in respect of a succession of States which has occurred after the entry into force of the Convention of a succession of States which has occurred after the entry into force of the Convention except as may be otherwise agreed.”).

Điều 7.3 “Quốc gia kế tục khi phê chuẩn hay bày tỏ sự đồng ý bị tiết chế bởi Công ước qua một tuyên bố là sẽ áp dụng tạm thời các điều khoản trong Công ước liên quan đến việc kế tục Quốc gia của chính nó khi việc này đã xảy ra trước khi Công ước có hiệu lực; đây là liên quan đến bất cứ Quốc gia nào khác đã phê chuẩn hay giao ước phê chuẩn mà chính các Quốc gia này cũng đã ra tuyên bố chấp nhận tuyên bố của Quốc gia kế tục.” (Article 7.3 “A successor State may at the time of signing or of expressing its consent to be bound by the present Convention make a declaration that it will apply the provision of the Convention provisionally in respect of its own succession of States which has occurred before the entry into force of the Convention in relation to any other signatory or contracting State which makes a declaration accepting the declaration of the successor States;...”).

Điều kiện bên đối tác ra tuyên bố chấp nhận, có thể là nhằm giải quyết các hiệp ước không liên quan đến lãnh thổ bởi vì nó đòi hỏi bên đối tác có trách nhiệm. Bài này chỉ nhằm lý giải việc kế thừa Lãnh thổ, trong khi đó Công ước bao trùm cả vấn đề không liên quan đến lãnh thổ như tài sản, nợ, v.v.

Công ước cho thấy rõ ràng rằng quốc gia kế tục không phải thừa kế các hiệp ước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà quốc gia trước đó đã ký nếu nó không muốn. Kết luận này cho thấy lập luận của Trung Quốc[9] cho rằng công hàm củaThủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958[10] là chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không có giá trị vì ba lý do:

a) Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Quốc gia VNCH và thời gian đó thực sự do VNCH hành xử chủ quyền, chứ không thuộc Quốc gia VNDCCH mà ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng; do đó Quốc gia VNDCCH không thể có quyền gì đối với vùng đất mà họ không có chủ quyền và không thực sự hành xử chủ quyền;

b) Sau 1975, CHMNVN thay thế VNCH, và từ 1976 Quốc gia kế tục VNDCCH và CHMNVN là CHXHCNVN hoàn toàn có quyền trên tinh thần của Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 không kế thừa tuyên bố đơn phương của ông Phạm Văn Đồng, và dù nó là hiệp ước đi nữa thì vẫn có quyền không kế thừa.

c) Khi một đất nước bị phân chia thành nhiều Quốc gia, thì chỉ có quyết định của chính quyền và dân chúng của Quốc gia thống nhất sau đó (trong trường hợp Việt Nam là CHXHCNVN) mới có thể phản ánh quyền dân tộc tự quyết đã được ghi thành nguyên tắc quan trọng trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (điều 1.2). Quốc gia kế tục do đó có thể bác bỏ các hiệp ước về lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà các Quốc gia trước đó đã phải chịu nhận.

Một điều cũng không thể bỏ qua là việc Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa từ tay Quốc gia VNCH vào năm 1974 là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc[11]đòi hỏi “mọi thành viên phải giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình nhằm không làm nguy hại hòa bình, an ninh quốc tế, và công lý.”


Công Hàm của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958

--------------------------
Phụ lục về ý nghĩa từ Quốc gia trong tiếng Việt

Trong tiếng Anh, hai từ Nation và State không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau.Nation nói lên một tập hợp lớn dân có cùng nguồn gốc, lịch sử, văn hóa và sống trong một State hay một vùng địa lý nào đó lớn hơn một State. State là một khái niệm pháp lý quốc tế như đã nói trong bài là gồm một chính phủ, một tập hợp dân, một lãnh thổ và có khả năng thiết lập bang giao với nước khác. Tại Âu châu, vì có những states nhỏ hơn một nation trong lịch sử, như city-state tại Hy Lạp thời Thượng Cổ, cho nên về sau này có loại quốc gia tập hợp trong một vùng đất đai một dân tộc với văn hóa riêng, người ta đã dùng danh từ nation-state, và chữ nationalism để chỉ chủ nghĩa quốc gia của dân tộc quy tụ trong nation-state.
Trong tiếng Việt, không có sự phân biệt trên, cho nên người Việt có thể dị ứng với việc gọi VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia, bởi vì mọi người Việt đều cho rằng dân tộc Việt Nam là một và nước Việt Nam là một. Theo nghĩa này, Nước có thể dùng cùng nghĩa như Nation và Quốc gia được dùng cùng nghĩa như State.

Sự đồng nghĩa trong tiếng Việt và tình cảm đối với từ Quốc gia theo nghĩa Nướcxuất hiện chỉ vì trong văn tự lịch sử, vì không có chữ viết riêng, người Việt đã phải dùng chữ Hán, nên phải viết là Quốc 國. Chỉ khi có chữ Nôm thì chữ Nướcmới ra đời và được viết 匿 đọc theo Hán Việt, là “nặc” và đọc trại đi là “nước”. Có người lại viết Nước là 渃 (theo Từ điển Thiều Chửu, âm Hán Việt là nhược, chỉ con sông Nhược ở Tứ Xuyên), nhưng Từ điển tiếng Hán không thấy có chữ này, nên cũng có thể coi là kết hợp chữ  có âm Hán Việt là “trước”, và bộ thủy bên cạnh để đọc là “nước.”[12] Nhưng dù sao chữ Nôm vẫn gần như chưa bao giờ được chuẩn hóa và được coi là văn tự chính thức của người Việt. Cho đến hôm nay, vì thói quen, đối với người Việt, từ Quốc gia đồng nghĩa với từ Nước.

Trong thời kỳ Việt Nam phân tranh đặc biệt là thời Trịnh Nguyễn, giới quan lại đã gọi và coi nhau như trong Hoàng Lê Nhất Thống chí, là dân hai nước khác nhau, qua việc dùng chữ Quốc. Trong văn tự chính thống sau này và trong ngôn ngữ đời thường, người ta đã phải dùng chữ Xứ 處 (nghĩa tiếng Hán là nơi cư trú) thay vì chữ Quốc gia để diễn tả ý niệm của chữ State như Xứ Đàng Trong, Xứ Đàng Ngoài, Xứ Miên, Xứ Lào để, cũng bởi vì người Việt nào cũng coi mình có cùng dòng giống, có cùng một đất nước.


Tạ Văn Tài Vũ Quang Việt
-------------------------------------------
Chú thích:
4. The Final Declaration of The Geneva Conference: On Restoring Peace in Indochina, July 21, 1954
8. Mặc dù phê chuẩn chung nhưng cũng có phần trong Công ước có nước không đồng ý.http://www.un.org/Depts/los/reference_files/chronological_lists_of_ratifications.htm.
9. Bejing Review, China’s Indisputable Sovereignty Xisha and Nansha Islands, số 7, tháng 2 năm 1980, trang 21.http://www.marxists.org/subject/china/peking-review/1980/PR1980-07.pdf. Lập luận của Bắc Kinh đã được các học giả của họ nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi, thí dụ như: Ji Guoxing (Shanghai Insitute for Foreign Studies), The Spratley Islands, China’s Dispute with Vietnam, Indochina Report, July-September 1990.
10. Nguyên văn công hàm Phạm Văn Đồng như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”. 

Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 105.
11. Article 2, paragraph 3: All Members shall settle their international disputes by peaceful means in such a manner that international peace and security, and justice, are not endangered.https://www.un.org/en/documents/charter/chapter1.shtml
12. LM Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, 1998, tự xuất bản.