2 tháng 8, 2014

DI SẢN NÀO CHO CON ?






“ … chúng ta đã mất mát quá nhiều ! Đến cả sự tự trọng, thứ tài sản có giá trị cuối cùng mà tôi cũng đã định vứt bỏ khi đến nhờ chực các bữa cơm của anh chị, nhưng may mắn, anh chị đã giữ gìn lại cho tôi nguyên vẹn …” trích từ thư ông TT.Hân (Nguyên Chánh Thanh Tra Giám Sát Viện - VNCH).


Thông thường, số phận kẻ dân đen khó vượt thoát khỏi vận mệnh của đất nước. Thật vậy, khi vận nước đổi thay vào một ngày của tháng 04/1975, thì số phận của hàng triệu triệu người dân miền nam đã bước vào một khúc quanh cuộc đời rất khác biệt với những gì họ từng sống, từng biết.


Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ tôi khi ấy bắt đầu lao vào cuộc sống mới với đủ loại công việc có tên và không tên, những công chức mực thước như bố mẹ tôi trở nên những  người buôn bán thuốc tây ở chợ trời … chỉ cần vài ba cái vỏ hộp thuốc tây buộc vào nhau đặt ở lề đường là đã thành cái pharmacy tí hon rồi ! Bố mẹ tôi bắt đầu biết đến những từ ngữ chưa từng nghe trong đời họ “Trúng mánh”, tôi nhớ có hẳn vài câu hát chế thời đó : “Nhớ ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng, ngày nào bể mánh ngày đó điêu tàn !” … theo mức độ may mắn của buổi chợ, khi trúng mánh thì gia đình chúng tôi có một bữa no dồn, còn lại thì sẽ đói góp !


Đến những năm cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ đó, sao những  người sống xung quanh và cả chúng tôi nữa, sống khổ sở thế ? Trông họ người không còn ra người nữa.


Bác TT.Hân, một người bạn của bố tôi, bác từng là một trong số hơn mười vị chánh thanh tra của cả một quốc gia thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, bổng nhiên một dạo, bác cứ đến chơi nhà tôi gần vào buổi cơm, dĩ nhiên, bố mẹ chúng tôi mời bác ở lại dùng cơm cùng gia đình … mẹ tôi chạy vội đi vo thêm ít gạo ! Nhưng một tuần độ ba bốn lần như thế thì đã không còn là chuyện bình thường nữa rồi !!!  Hiểu ý, để bác không ngại khi thường xuyên đến nhà, bố tôi nhờ bác dịch giúp cuốn gia phả họ viết bằng chữ nôm … Bố tôi phải dặn mẹ tôi nấu sẵn thêm ít cơm để dành phần cho bác ấy, mẹ tôi gật đầu nhưng không nghe lời, nên mỗi lần có bác ấy cùng dùng cơm, mẹ tôi lại phải chạy đi vo gạo để nấu thêm cơm ! Bố cằn nhằn, mẹ bảo “Tôi chả tiếc, nhưng thời buổi gạo châu, củi quế thế này, nấu mà bác ấy không đến rồi lại dư, tội trời !” bố tôi phải chịu !


Nhưng chẳng phải lúc nào buổi cơm thì có cơm, có thể là cơm độn sắn, khoai, cho đến một thời gian thì vào dịp nhà tôi phải ăn khoai trừ bữa, bác Hân lại đến, mẹ tôi ngại chưa dám dọn bữa, bố tôi cười nói với khách “Hôm nay nhà tôi đổi món nên ăn khoai cho nhẹ bụng, mời anh ở lại dùng  với chúng tôi nhé ?”. Thoáng ngần ngừ, bác nhận lời, dĩa khoai được dọn lên. Khác với mọi lần, bữa ăn của chúng tôi lặng lẽ khác thường, khi mọi người đang lột khoai thì bổng dưng bố tôi và bác nhìn nhau cười, ban đầu họ chỉ cười nhẹ nhàng, rồi họ cười lớn dần, cười khanh khách, cười sằng sặc mà nước mắt cả hai người cứ chảy dàn dụa ra khắp mặt không dứt, mẹ tôi chạy vội ra đằng sau lau nước mắt !?


Sau lần ấy thì không thấy bác Hân đến nhà tôi chơi nữa, một hôm bố tôi về kể chuyện đến thăm thì thấy căn hộ bác ấy thuê đang bị niêm phong rồi, chắc bác ấy vượt biên ! Tôi nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hóa ra bác ấy cũng còn của để vượt biên …


Ít năm sau, gia đình tôi nhận được lá thơ của bác Hân gởi từ Mỹ về, bác kể lại đoạn trường vượt thoát bằng đường bộ sang Campuchia rồi đến Thái Lan, trong tay bác chỉ có mỗi chiếc la bàn ! Khi lạc vào khu vực của Polpot (Khơ me đỏ), nhờ biết tiếng Hoa nên bác phải giả dạng là Hoa kiều nên mới thoát chết. Sau một năm ở trại tị nạn Thái Lan, bác được định cư ở Mỹ. Nhưng những lời lẽ trong lá thư của bác Hân mới là điều làm tôi nhớ mãi trong suốt bao nhiêu năm qua : 

“ … chúng ta đã mất mát quá nhiều ! Đến cả sự tự trọng, thứ tài sản có giá trị cuối cùng mà tôi cũng đã định vứt bỏ khi đến nhờ chực các bữa cơm của anh chị, nhưng may mắn, anh chị đã giữ gìn lại cho tôi nguyên vẹn. Tôi cũng nhớ cả về bữa “tiệc khoai” tràn đầy nụ cười và nước mắt mà anh chị đã đãi tôi với sự thành thực. Từ bữa tiệc khoai đó, đã thúc đẩy tôi vượt thoát số phận mình dù không một đồng xu dính túi ! Và bây giờ, chỉ duy nhất một điều mà tôi thấy mình có nghĩa vụ thông báo với anh chị rằng, tuy tôi vẫn nghèo như những ngày ấy, nhưng sự tự trọng, tôi vẫn tự mình giữ gìn trọn vẹn … ”


Bác TT.Hân và bố mẹ tôi nay đều đã ra người thiên cổ …


Khi vào tuổi xế chiều của cuộc đời, bố mẹ tôi không phải là người giàu có ! Nhưng di sản từ ông bà mà tôi được thừa hưởng, đã khiến tôi luôn tự hào vì đã trở thành một tỷ phú giàu có bậc nhất trên cõi đời này … Sự giàu có không đến từ nhiều con số 0 kéo dài của đồng tiền, không từ của chìm hay của nổi, mà bằng cách sống của mình, bố mẹ cất giấu vào con tim của tôi ngay từ khi tôi nghe tiếng ru đầu đời, để bây giờ, tôi có thể tự tin phung phí mãi cho đến khi tôi rời cõi trần gian tạm bợ này … 


"Tự trọng và giữ gìn sự tự trọng cho nhau", tôi đã từng mong con mình sẽ được thừa hưởng giá trị của di sản đó ! "Loại" giá trị đang phôi pha dần trong xã hội này ...


Lại một mùa Vu lan mới đang đến thật gần với nhân trần … Bố mẹ, tôi nhớ người xiết bao !





Mùa Vu lan Giáp Ngọ
Manh Dang
----------------
Xem các bài viết khác ở đây : Bài Phi Lộ v& Mục lục 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét