“Công ước Kế tục Quốc gia của
Liên Hiệp Quốc”
Tạ Văn Tài và Vũ Quang
Việt
Post ngày 2-6-2014, tại trang Ba Sàm
Trong vấn đề kế tục quốc gia, một
công ước quan trọng của Liên Hiệp Quốc về việc kế tục quốc gia gần như đã bị
các nhà nghiên cứu người Việt Nam và người nước ngoài bỏ qua hay chưa nhắc tới. Công
ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 (Vienna Convention on Succession
of States in respect of Treaties 1978). [1]
Công ước này được soạn xong
ngày 23 tháng 8 năm 1978 và có hiệu lực từ ngày 6 tháng 11 năm 1996.
Việc kế tục
quốc gia (State) khác hẳn với việc kế tục chính quyền dù là việc thay đổi chính
quyền mang tính chất thay đổi thể chế, chứ không chỉ có nghĩa là thay đổi người
lãnh đạo. Ở đây thay đổi quốc gia là sự thay đổi cơ bản về căn cước pháp lý quốc
tế của một quốc gia (state), có thể gồm cả mặt thể chế, chính quyền, công dân
và đặc biệt quan trọng là thay đổi lãnh thổ – qua việc phân chia lãnh thổ, hay
sáp nhập lãnh thổ của quốc gia trước nó. Bài này sẽ làm sáng tỏ nội dung của
Công ước này liên quan đến lãnh thổ và thử áp dụng vào trường hợp Việt Nam, khi
ta giả dụ cho cuộc bàn luận này là có một hiệp ước về lãnh thổ giữa Việt Nam và
Trung Quốc trước đó.
1. Một số ý niệm cơ bản
Trước tiên cũng cần làm rõ các từ
và ý niệm được sử dụng trong Công ước.
1.1 Quốc gia (State)
Quốc gia là một pháp nhân, theo sự
mô tả của công pháp quốc tế truyền thống (traditional/customary international
law), đã được đúc kết trong Công ước Montevideo,[2] nó sẽ được hình thành khi đạt
những tiêu chuẩn sau :
a) một khối dân cư thường xuyên,
b) một vùng lãnh thổ được
xác định,
c) một chính quyền, và d) khả năng thiết lập quan hệ với các Quốc gia
khác.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgzDWdUIrcAABW4OQVcFMokOayO5otOiOPVteClf6imQ1SP47bollw22amgQkTrw7Mup_BHbFgLtTMvK9l7YiZHWm1ZhMkI1CBJoFGDbSOXrqRom4kdlO6_nFCB-8dO8Xhgc90ae2WTCM9d/s1600/lhq2668-450.jpg) |
Trụ sở Liên Hiệp Quốc |
Theo định nghĩa trên, Đài Loan hiện nay, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(VNDCCH), Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) cũng là
Quốc gia theo định nghĩa của Luật quốc tế trên tuy rằng CHMNVN được chính phủ
CMLT dùng để chỉ cùng một thực tế Quốc gia ở miền Nam vĩ tuyến 17 là nơi có hai
chính phủ tranh chấp nhau (xem giải thích về ý nghĩa chữ Quốc gia trong tiếng
Việt trong phần Phụ lục). Người Đức, người Đại Hàn và nhất là người Việt Nam
trước đây trong cả hai phần đất nước chia đôi của họ, theo như quan niệm lý tưởng
của họ, đều coi mình là một dân tộc thuộc về một đất nước, nhưng trên thực tế,
và cả trên phương diện luật quốc tế, hai phần của một đất nước đã được đối xử
như các quốc gia riêng lẻ, có lãnh thổ, dân và chính phủ riêng và có thiết lập
ngoại giao với nhiều Quốc gia khác trên thế giới.
Hiệp định Ngừng chiến ở Việt Nam
20-7-1954 (gọi gọn là Hiệp định Geneve)[3] thỏa thuận phân chia tạm thời Việt
Nam thành hai khu vực : quân đội Nhân dân Việt Nam (tức của VNDCCH) ở phía bắc
vĩ tuyến 17, quân đội Liên Hiệp Pháp ở phía nam và sẽ thống nhất qua cuộc tổng
tuyển cử 2 năm sau đó.
Cùng với Hiệp định này là Tuyên bố cuối cùng Hội nghị
Geneva : về phục hồi hòa bình ở Đông Dương 21-7-1954,[4] ở đó, “Hội nghị tuyên bố rằng,
liên quan đến Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên
cơ sở tôn trọng các nguyên tắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ
cho phép nhân dân Việt Nam hưởng các quyền tự do cơ bản, được bảo đảm bởi các
thể chế dân chủ, thiết lập như là kết quả của các cuộc tuyển cử tự do bằng phiếu
kín.”[5]
Các cường quốc như Pháp, Liên
Xô, Trung Quốc, và Anh ký kết, tuy nhiên Mỹ và Quốc gia Việt Nam (nằm
trong Liên Hiệp Pháp và lãnh đạo bởi Bảo Đại) không chịu ký kết và sau đó không
chịu thi hành cuộc tuyển cử nhằm thống nhất đất nước. Nước Việt Nam (theo nghĩa
nation) là một, nhưng tình hình chính trị thế giới và sức ép về chính trị và
quân sự của hai cường quốc như thực dân Pháp và Mỹ ủng hộ thực dân Pháp đã tạo
ra hai Quốc gia có chủ quyền riêng biệt theo đúng định nghĩa của Công ước
Montevedio.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjRihyY3cbBpUqFvsdw8lkMX5zfdbUmKsR0IAIDYFVGo_xfutdKdjmw-X9RJARlvsTCz_1YS-1NQ6UKishV_ClRp3twwLiiX4Wuxw02Tx1oqkiC-Fd8VJcHg5t97t9T7J1ZXrHt3TkvKo-c/s1600/Lienhiepquoc2.gif) |
Một phiên họp khoáng đạt của Liên Hiêp Quốc |
Cho nên, trước khi hai quốc gia
đó thống nhất vào năm 1976, bất cứ một quyết định nào liên quan đến lãnh thổ của
một trong hai Quốc gia trên, mà không do quyết định của chính quốc gia ấy, là vi
phạm đến quyền dân tộc tự quyết được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Sau
khi hai miền hay hai quốc gia Việt Nam thống nhất xong, bất cứ một quyết định
nào liên quan đến lãnh thổ chung, Quốc gia Việt Nam thống nhất với tư cách là
Quốc gia kế tục các Quốc gia đã có mặt trước đó do việc nước Việt Nam bị chia cắt
có quyền sử dụng Công ước Kế tục của LHQ, khi Công ước này có hiêu lực.
Vậy Công ước này đã quy định gì về
vấn đề kế tục quốc gia?
1.2 Kế tục (succession)
Một pháp nhân quốc gia này khi kế
tục một hay nhiều pháp nhân quốc gia khác trước đó, không nhất thiết phải kế thừa
tất cả những hiệp định của pháp nhân quốc gia mà nó kế tục, vì đó là hệ luận hợp
lý của nguyên tắc chủ quyền của một quốc gia (state sovereignty) trong hệ thống
chính trị thế giới hiện nay, trong đó một quốc gia bình đẳng với các quốc gia
khác, cho nên không ai có thể áp đặt cho một quốc gia sự chấp nhận những gì quốc
gia đó không muốn, như chính sách nội bộ (domestic jurisdiction) chẳng hạn, ngoại
trừ những nguyên tắc có giá trị phổ quát của luật quốc tế.
Những hiệp ước ký kết giữa vài nước
với nhau chỉ có gía trị giữa các nước ký kết, không có giá trị phổ quát như luật
quốc tế áp dụng toàn cầu, chẳng hạn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Vi thế, trong sự
kế thừa hiệp ước, khi một quốc gia kế thừa lãnh thổ, dân chúng và chính quyền của
một quôc gia mà nó thôn tính hay sát nhập, có trường hợp quốc gia mới phải kế
thừa những hiệp định hoặc thỏa thuận của quốc gia cũ, nhưng cũng có trường hợp
quốc gia mới lập coi như bắt đầu từ trang giấy trắng, không cần kế thừa hoặc có
thể tự chọn những gì cần kế thừa nếu các quốc gia đối tác đồng ý. Các hiệp ước
thỏa thuận về vấn đề gì đó giữa các quốc gia, mà không liên quan hay va chạm đến
những nguyên tắc luật quốc tế căn bản phổ quát của cộng đồng quốc tế
(fundamental, universal principles of law of civilized nations), thì chỉ có hiệu
lực khi các bên đối tác có sự đồng ý (vì thế có danh từ “treaties and
international agreements”), theo nguyên lý tự do kết ước (freedom of contract);
và chính vì thế mà một bên kết ước hay kế thừa hiệp ước có thể tuyên bố chấm dứt
hay bãi bỏ hiệp ước đã ký (resiliation hay repudiation/abrogation) khi tình trạng
mới không còn hợp cho các sự ràng buộc của hiệp ước nữa, tức là không còn
nguyên trạng cũ vốn đã từng làm nền tảng cho hiệp ước nữa (nguyên tắc rebus sic
stantibus trong luật quốc tế truyền thống).
Một lý do quan trọng để quốc gia
kết ước hay kế thừa hiệp ước có thể viện dẫn để đình hoãn, chấm dứt hay bãi bỏ
hiệp ước đã ký cũng đã được nêu ra ở điều 13 trong Công ước 1978; nó nói rằng
nguyên tắc luật quốc tế về chủ quyền vĩnh viễn của mọi dân tộc và mọi quốc gia
đối với tài nguyên trong lãnh thổ của mình khiến cho không có điều gì trong
Công ước này có thể xâm hại đến các nguyên tắc về chủ quyền vĩnh viễn về tài
nguyên đó. (Article 13. Nothing in the
present Convention shall affect the principles of international law affirming
the permanent sovereignty of every people and every State over its natural
wealth and resources).
Như vậy, chủ quyền về tài nguyên
trong lãnh thổ đã được Công ước dành lại hoàn toàn cho ý muốn hành xử của quốc
gia kết ước hay thừa kế hiệp ước.
Chính vì nhằm tạo ổn định trong
quan hệ quốc tế, đồng thời nhằm hướng dẫn việc giải quyết vấn đề kế tục mà Công
ước được soạn thảo. Hai lý do chính mà Công ước đưa ra để biện minh cho sự tồn
tại của nó là: thứ nhất, “có sự chuyển biến sâu sắc do tiến trình giải thực
(decolonization) mang đến”; thứ hai, “có các yếu tố khác có thể dẫn đến các trường
hợp kế tục trong tương lai.” Chính vì thế mà “cần có sự điển chế (codification)
và từng bước phát triển các nguyên tắc liên quan đến việc kế tục quốc gia đối với
hiệp định nhằm bảo đảm sự ổn định pháp lý trong quan hệ quốc tế.”[6]
Như thế Công ước về kế tục không
chỉ nhằm giải quyết vấn đề nảy sinh từ việc các quốc gia mới ra đời sau khi chủ
nghĩa thực dân bị xóa bỏ mà còn nhằm đối phó với tình hình các nước ra đời sau
khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã, cũng như vì các lý do khác. Đây là lý do một
số nước thoát khỏi chủ nghĩa thực dân như Angola, Niger, Tunisia, v.v. hay các
nước như Ukraine, Serbia, Montenegro, Croatia, Czech Republic, Poland sau khi
các nước chủ nghĩa xã hội này tan rã, đã phê chuẩn Công ước. Cho đến đầu năm
2014, chỉ mới có 37 nước, hầu hết là các nước có vấn đề biên giới, hoặc mới
tách lập, mới phê chuẩn. Những nước vắng mặt là Trung Quốc và Việt Nam.[7] Trong khi đó Công ước LHQ về Luật
biển đã có 166 nước ký, chỉ còn thiếu 7 nước có biển là không chịu phê chuẩn,
trong đó có Mỹ, Eritria, Israel, Peru, Syria, Turkey, Venezuela.[8]
2. Nội dung : Công ước không đòi hỏi
thừa kế hiệp định liên quan đến lãnh thổ
Công ước cho thấy rõ là không có
sự thừa kế hiệp định liên quan đến lãnh thổ mà Quốc gia trước đó đã ký, dù Quốc
gia trước đó và Quốc gia kế tục đồng ý kế thừa bằng thỏa thuận (Điều 8.1) hay
qua tuyên bố đơn phương của Quốc gia trước đó về kế thừa (Điều 9.1). Đây là các
điều quan trọng nhất trong Công ước vì nó muốn giải phóng các nước bị áp chế
trước đây khỏi mọi ràng buộc có thể rất bất hợp lý mà họ phải chịu đựng khi
hình thành Quốc gia mới.
Điều 8.1 của Công ước cho rằng : “Trách
nhiệm và quyền của Quốc gia trước đó (predecessor) liên quan đến lãnh thổ ghi
trong hiệp định đã có hiệu lực vào lúc việc kế tục xảy ra không trở thành trách
nhiệm và quyền của Quốc gia kế tục đối với các Quốc gia khác bị ràng buộc bởi
hiệp định chỉ vì lý do là Quốc gia trước đó và Quốc gia kế tục đã thỏa thuận
đấy là trách nhiệm và quyền ủy thác cho Quốc gia kế tục.” (Article 8.1 The obligations
or rights of a predecessor State under treaties in force in respect of a
territory at the date of a succession of States do not become the
obligations or rights of the successor State towards other States parties to
those treaties by reason only of the fact that the predecessor State and
the successor Sate have concluded an agreement providing that such obligations
or rights shall devolve upon the successor State).
Điều 9.1 nhấn mạnh nguyên tắc
không thừa kế trong trường hợp Quốc gia trước đó (predecessor) đã tuyên bố đơn
phương kế thừa. Cơ bản sự khác biệt giữa điều 9.1 và điều 8.1 là ở chỗ đoạn cuối
của Điều 8.1 “Quốc gia trước đó và Quốc gia kế tục đã thỏa thuận” được thay bằng
“Quốc gia kế tục đã tuyên bố đơn phương” ở đoạn cuối của Điều 9.1. (Article 9.1 Obligations or
rights of a predecessor state under treaties in force in respect of a territory
at the date of a succession of States do not become the obligations
or rights of the successor State or of other Sates parties to those treaties by
reason only of the fact that the predecessor Sate has made a unilateral
declaration providing for the continuation in force of the treaties in respect
of its territories).
Điều 13 của Công ước nói tới ở
trên, về chủ quyền vĩnh viễn của quốc gia trên các tài nguyên trong lãnh thổ mà
Công ước không thể xâm hại tới, cũng phù hợp với tinh thần các điều 8.1 và
9.1 này.
3. Ứng dụng trong trường hợp Việt
Nam sau 1975 :
Công ước cho thấy rõ nguyên tắc
không phải thừa kế hiệp ước về lãnh thổ đối với Quốc gia mới ra đời (dù được
tách từ một Quốc gia hay là kết quả nhập từ nhiều Quốc gia trước đó).
Trong trường hợp Việt Nam, Cộng
hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) là kế tục của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vào năm
1975. CHMNVN thay thế VNCH trong vai trò quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Sau
đó vào năm 1976 khi Việt Nam thống nhất, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
Quốc gia kế tục của hai Quốc gia trước đó : Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH)
và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN). Điều 9.1 cho thấy dù Quốc gia trước đó
là VNDCCH tuyên bố điều gì về lãnh thổ thì tuyên bố đó vô hiệu, Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam không phải kế thừa, đó là do áp dụng tinh thần của Công ước
Kế thừa Quốc gia nhằm mục tiêu giải thực hoặc tương tự. Trong trường hợp Quốc
gia kế tục không phải kế thừa về hiệp định liên quan đến lãnh thổ thì các tuyên
bố đơn phương lại càng không phải kế thừa.
Tuy vậy, một câu hỏi cần được thảo
luận là : Công ước ra đời năm 1978 nhưng có hiệu lực vào 6 tháng 11 năm 1996, vậy
Công ước có được áp dụng một cách hồi tố với trường hợp CHXHCNVN ra đời trước
đó vào năm 1976 không? Câu trả lời là Công ước được áp dụng mềm dẻo, dĩ nhiên
áp dụng cho các tình huống có sau Công ước, nhưng cũng có thể áp dụng cho cả
các tình huống có trước Công ước, tuỳ theo vấn đề và thỏa thuận của các quốc
gia.
Không được hồi tố là nguyên tắc
chấp nhận rộng rãi trong luật. Nguyên tắc hồi tố có hiệu lực nếu Quốc gia kế tục
đã đồng ý thừa kế các hiệp ước sau khi nó ra đời và trước khi công ước có hiệu
lực nhằm tránh việc lợi dụng công ước để xóa bỏ các hiệp ước đã đồng ý thừa kế.
Công ước cũng sẽ chỉ không áp dụng cho các sự việc xảy ra trước ngày ban hành
luật (không được có ex post facto law).
Tuy nhiên, trong trường hợp chưa
có sự đồng ý nào về việc thừa kế, thậm chí Quốc gia kế tục đã tuyên bố bác bỏ
những hiệp ước hoặc tuyên bố đơn phương đã có trước khi Công ước ra đời thì
Công ước phải được áp dụng bởi vì bản chất của Công ước là bảo vệ chủ quyền về
lãnh thổ của các Quốc gia bị trị hoặc bị đặt vào thế không thể làm quyết định
phản ánh đúng ý chí của Quốc gia đó.
Chính vì thế, dù Điều 7.1 của
Công ước Vienna qui định áp dụng đối với các Quốc gia ra đời sau khi Công ước
có hiệu lực vào ngày 6 tháng 11 năm 1996, thì Điều 7.3 lại cho phép linh hoạt,
bởi vì nó cho phép các Quốc gia dù ra đời trước khi Công ước có hiệu lực vẫn có
thể giải quyết trên cơ sở của nó, miễn là bên đối tác ra tuyên bố chấp nhận.
Điều 7.1 “…Công ước chỉ áp dụng đối
với việc kế tục quốc gia xảy ra sau khi Công ước này ra có hiệu lực trừ trường
hợp được đồng ý.”(Article 7.1 “…the Convention
applies only in respect of a succession of States which has occurred after the
entry into force of the Convention of a succession of States which has occurred
after the entry into force of the Convention except as may be otherwise agreed.”).
Điều 7.3 “Quốc gia kế tục khi phê
chuẩn hay bày tỏ sự đồng ý bị tiết chế bởi Công ước qua một tuyên bố là sẽ áp dụng
tạm thời các điều khoản trong Công ước liên quan đến việc kế tục Quốc gia của
chính nó khi việc này đã xảy ra trước khi Công ước có hiệu lực; đây là liên
quan đến bất cứ Quốc gia nào khác đã phê chuẩn hay giao ước phê chuẩn mà chính
các Quốc gia này cũng đã ra tuyên bố chấp nhận tuyên bố của Quốc gia kế tục.” (Article 7.3 “A successor
State may at the time of signing or of expressing its consent to be bound by
the present Convention make a declaration that it will apply the provision of
the Convention provisionally in respect of its own succession of States which
has occurred before the entry into force of the Convention in relation to any
other signatory or contracting State which makes a declaration accepting the
declaration of the successor States;...”).
Điều kiện bên đối tác ra tuyên bố
chấp nhận, có thể là nhằm giải quyết các hiệp ước không liên quan đến lãnh thổ
bởi vì nó đòi hỏi bên đối tác có trách nhiệm. Bài này chỉ nhằm lý giải việc kế
thừa Lãnh thổ, trong khi đó Công ước bao trùm cả vấn đề không liên quan đến
lãnh thổ như tài sản, nợ, v.v.
Công ước cho thấy rõ ràng rằng quốc
gia kế tục không phải thừa kế các hiệp ước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà
quốc gia trước đó đã ký nếu nó không muốn. Kết luận này cho thấy lập luận của
Trung Quốc[9] cho rằng công hàm củaThủ tướng
Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958[10] là chấp nhận chủ quyền của
Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không có giá trị vì ba lý do:
a) Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc
chủ quyền của Quốc gia VNCH và thời gian đó thực sự do VNCH hành xử chủ quyền,
chứ không thuộc Quốc gia VNDCCH mà ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng; do đó Quốc
gia VNDCCH không thể có quyền gì đối với vùng đất mà họ không có chủ quyền và
không thực sự hành xử chủ quyền;
b) Sau 1975, CHMNVN thay thế
VNCH, và từ 1976 Quốc gia kế tục VNDCCH và CHMNVN là CHXHCNVN hoàn toàn có quyền
trên tinh thần của Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 không
kế thừa tuyên bố đơn phương của ông Phạm Văn Đồng, và dù nó là hiệp ước đi nữa
thì vẫn có quyền không kế thừa.
c) Khi một đất nước bị phân chia
thành nhiều Quốc gia, thì chỉ có quyết định của chính quyền và dân chúng của Quốc
gia thống nhất sau đó (trong trường hợp Việt Nam là CHXHCNVN) mới có thể phản
ánh quyền dân tộc tự quyết đã được ghi thành nguyên tắc quan trọng trong Hiến Chương
Liên Hiệp Quốc (điều 1.2). Quốc gia kế tục do đó có thể bác bỏ các hiệp ước về
lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà các Quốc gia trước đó đã phải chịu nhận.
Một điều cũng không thể bỏ qua là
việc Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa từ tay Quốc gia VNCH vào năm 1974 là
vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc[11]đòi hỏi “mọi thành viên phải giải
quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình nhằm không làm nguy hại
hòa bình, an ninh quốc tế, và công lý.”
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjrvJVcrMNEavxF2IU80l3lduhywnnzg6dgplu8Hq_va_XbHcq2MXQvf45GY-FDy3msH7MNvGYfv_dvhQd9prMPLuRWdlJM5tiCPQVCVrMOGU9O9feXpr_pi0NryZ6UniBCPwwMo_QN7Xrp/s1600/1958_diplomatic_note_from_phamvandong_to_zhouenlai.jpg) |
Công Hàm của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958
|
--------------------------
Phụ lục về ý nghĩa từ Quốc gia
trong tiếng Việt
Trong tiếng Anh, hai từ Nation và
State không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau.Nation nói lên một tập hợp lớn
dân có cùng nguồn gốc, lịch sử, văn hóa và sống trong một State hay một vùng địa
lý nào đó lớn hơn một State. State là một khái niệm pháp lý quốc tế
như đã nói trong bài là gồm một chính phủ, một tập hợp dân, một lãnh thổ và có
khả năng thiết lập bang giao với nước khác. Tại Âu châu, vì có những states nhỏ
hơn một nation trong lịch sử, như city-state tại Hy Lạp thời Thượng Cổ, cho nên
về sau này có loại quốc gia tập hợp trong một vùng đất đai một dân tộc với văn
hóa riêng, người ta đã dùng danh từ nation-state, và chữ nationalism để chỉ chủ
nghĩa quốc gia của dân tộc quy tụ trong nation-state.
Trong tiếng Việt, không có sự
phân biệt trên, cho nên người Việt có thể dị ứng với việc gọi VNDCCH và VNCH là
hai Quốc gia, bởi vì mọi người Việt đều cho rằng dân tộc Việt Nam là một và nước
Việt Nam là một. Theo nghĩa này, Nước có thể dùng cùng nghĩa như Nation và Quốc
gia được dùng cùng nghĩa như State.
Sự đồng nghĩa trong tiếng Việt và
tình cảm đối với từ Quốc gia theo nghĩa Nướcxuất hiện chỉ vì
trong văn tự lịch sử, vì không có chữ viết riêng, người Việt đã phải dùng chữ
Hán, nên phải viết là Quốc 國. Chỉ khi có chữ Nôm thì chữ Nướcmới ra đời và
được viết 匿 đọc theo Hán Việt, là “nặc” và đọc trại đi là “nước”. Có người
lại viết Nước là 渃 (theo Từ điển Thiều Chửu, âm Hán Việt là nhược, chỉ con sông
Nhược ở Tứ Xuyên), nhưng Từ điển tiếng Hán không thấy có chữ này, nên cũng có
thể coi là kết hợp chữ 著 có
âm Hán Việt là “trước”, và bộ thủy bên cạnh để đọc là “nước.”[12] Nhưng dù sao chữ Nôm vẫn gần
như chưa bao giờ được chuẩn hóa và được coi là văn tự chính thức của người Việt.
Cho đến hôm nay, vì thói quen, đối với người Việt, từ Quốc gia đồng
nghĩa với từ Nước.
Trong thời kỳ Việt Nam phân tranh
đặc biệt là thời Trịnh Nguyễn, giới quan lại đã gọi và coi nhau như trong Hoàng
Lê Nhất Thống chí, là dân hai nước khác nhau, qua việc dùng chữ Quốc. Trong văn
tự chính thống sau này và trong ngôn ngữ đời thường, người ta đã phải dùng chữ Xứ 處
(nghĩa tiếng Hán là nơi cư trú) thay vì chữ Quốc gia để diễn tả ý niệm
của chữ State như Xứ Đàng Trong, Xứ Đàng Ngoài, Xứ Miên, Xứ Lào để,
cũng bởi vì người Việt nào cũng coi mình có cùng dòng giống, có cùng một đất nước.
Tạ Văn Tài và Vũ Quang Việt
-------------------------------------------
Chú thích:
4. The Final Declaration of The
Geneva Conference: On Restoring Peace in Indochina, July 21, 1954
9. Bejing Review, China’s
Indisputable Sovereignty Xisha and Nansha Islands, số 7, tháng 2 năm 1980,
trang 21.http://www.marxists.org/subject/china/peking-review/1980/PR1980-07.pdf.
Lập luận của Bắc Kinh đã được các học giả của họ nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi,
thí dụ như: Ji Guoxing (Shanghai Insitute for Foreign Studies), The Spratley
Islands, China’s Dispute with Vietnam, Indochina Report, July-September
1990.
10. Nguyên văn công hàm Phạm Văn Đồng
như sau:
“Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính
phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính
phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho
các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của
Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng
tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.
Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh
chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân
dân, Hà Nội, 1995, tr. 105.
12. LM Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm
và Hán Việt, 1998, tự xuất bản.