12 tháng 2, 2014

KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY !

KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY !

Những ngày này, báo giới đang xôn xao trước thông tin về việc bị giới hạn các thông tin, bài viết nhân dịp tưởng niệm cuộc chiến Việt Trung năm 1979. Trên các trang mạng cá nhân của họ, phản ứng nhẹ thì buồn bã, nặng hơn thì phẫn nộ, cũng có người bình thản vì theo họ, chuyện vẫn như thế mà !

Người viết không rõ thông tin giới hạn tin tức là thật hay hư (nguồn Tại đây), nhưng ngày 17/02 sắp đến thì có lẽ chúng ta sẽ có câu trả lời đích xác, bởi lẽ, ngày này 35 năm trước là ngày mà ông bạn 16 chữ vàng của chúng ta đã đưa 60 vạn quân ồ ạt nổ súng tấn công trên tất cả các tỉnh biên giới phía bắc quốc gia, cho nên, ngày này đã trở thành ngày tưởng niệm cho cuộc chiến giữa hai quốc gia “anh em” cùng ý thức hệ, xưng tụng nhau là “môi liền môi, răng liền răng, môi hở thì răng lạnh”, hay những gì đại loại như thế !

Nếu thông tin giới hạn tin tức là sự thật và được báo giới tuân thủ, rõ ràng, nghĩa vụ thông tin mang tính hiến định đã bị xâm phạm. Giá như quốc gia của ta đã có một cơ quan bảo hiến thì câu chuyện có lẽ sẽ khác, nhưng đó là câu chuyện về phương diện luật pháp …

Nhưng về phương diện báo chí ? Người viết bổng nhớ về sự kiện “KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY” và đã tra tìm được vài thông tin có liên quan, kể cả lịch sử nghề báo …

Buổi biểu tình "10/10/1974 - Ký giả đi ăn mày"

Người viết báo trước đây, trong một giai đoạn rất dài đã được gọi là Ký giả, danh từ được dùng phổ biến cho đến trước năm 1975, thậm chí, người viết nhớ có một kiểu áo bốn túi bỏ ngoài đã có thời được mặc định với tên thời trang rất riêng là áo ký giả …

Nghề báo ở Việt Nam cho đến nay kể ra đã có một lịch sử khá dày : 149 năm, kể từ thời điểm Ông Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) ra mắt tờ báo tư nhân đầu tiên, tờ Gia Định Báo vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn trong thời kỳ Pháp bảo hộ. Từ ấy, báo chí Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với khá nhiều thăng trầm do tác động của các điều kiện lịch sử, xã hội.

Điểm thăng chói lọi, gây chấn động nhất trong nghề báo phải kể đến sự kiện giới ký giả xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Sài Gòn cũ với khẩu hiệu : “KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY” vào ngày 10/10/1974.

Căn nguyên, chính quyền Sài Gòn cũ ban hành Sắc luật 007/74 liên quan đến báo chí, theo đó, quy định các chủ báo phải đóng tiền ký quỹ xuất bản 20 triệu đồng (khoảng 47.000 - 48.000USD thời bấy giờ) cho báo ngày, đóng 10 triệu đồng cho tạp chí. Nếu không ký quỹ thì bị đóng cửa. Ngoài ra, báo nào bị tịch thu lần thứ hai sẽ bị đóng cửa.

Các ký giả thời bấy giờ cho rằng Sắc luật 007/74 là khắc nghiệt với họ, chẳng khác nào là “bàn tay sắt” bóp chết hoạt động của báo chí, nên họ đã tổ chức nhiều hoạt động phản đối liên tục, gây nên làn sóng đấu tranh đòi công bằng của báo giới, mà đỉnh cao của cuộc đấu tranh này là “ngày ký giả đi ăn mày”.

Ý nghĩa của khái niệm “ký giả đi ăn mày” được hiểu như sau : Do Sắc luật 007/74 của chính quyền có nội dung giới hạn nghề nghiệp của họ, khiến họ phải thất nghiệp mà đi ăn mày …

Các ký giả đeo bị gậy trong buổi biểu tình "Ký giả đi ăn mày"

Hồi ức của những người tham gia buổi biểu tình thuật lại rằng : Đoàn ký giả ăn mày đội nón lá, trước ngực mang bị đệm, tay chống gậy trúc (nón lá, túi bị đệm, gậy là những biểu tượng của “nghề” ăn mày), căng biểu ngữ “Ngày 10/10/1974 ngày ký giả đi ăn mày” hoặc “Sắc luật  007/74 làm ký giả đi ăn mày” ồ ạt xuống đường, theo hướng đường Lê Lợi thẳng ra chợ Bến Thành, vòng quanh công trường Quách Thị Trang rồi quay về nơi xuất phát tại số 15 Lê Lợi là trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt !

Sự kiện này đã gây chấn động thế giới lúc bấy giờ … Là niềm tự hào vô giá của những người làm báo Việt Nam, họ đã thể hiện sự phản ứng lại quy định giới hạn nghề nghiệp theo một phong cách rất riêng, trí tuệ nhưng hài hước, theo kiểu chưa từng có trên thế giới, kể cả ở những quốc gia có lịch sử báo chí lâu đời hơn Việt Nam rất nhiều !

Ngày nay, viết về lịch sử báo chí Việt Nam thì người viết không thể không viết về sự kiện “vô tiền khoáng hậu” này …

Nói “vô tiền khoáng hậu”, nghĩa là sau đó, không bao giờ báo giới còn có thể lập lại được sự phản ứng tuyệt vời như sự kiện “ngày ký giả đi ăn mày” trước các giới hạn nghề nghiệp của họ được nữa … Người viết chỉ mong là mình viết điều này không đúng, nếu không, thử hỏi có buồn không  ?

Manh Dang
----------------
Đọc thêm các bài viết khác : Tại đây !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét