31 tháng 5, 2014

GIỮA BÃI HOANG, NGÓ VỀ ĐỀN ĐÀI

GIỮA BÃI HOANG, NGÓ VỀ ĐỀN ĐÀI 




Ngay khi có tin xác định ca sĩ Khánh Ly về nước trình diễn, có thể là buổi duy nhất, ngày 9.5 ở Hà Nội, đã có không ít lời khen tiếng chê lao xao. Và trong đó, không ít lời bình phẩm rằng "thật vô lý khi bỏ ra một số tiền rất lớn để vào nghe một tiếng hát nay đã … phều phào".


Không thể không nhìn thấy đó là một quan điểm hết sức thực tế. Rõ ràng việc dùng số tiền bằng cả tháng lương của một người bình thường để vào nghe một tiếng hát nay đã 70 tuổi, thì thật lạ. 


Ban tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly cho biết, giá vé thấp nhất là 900 ngàn, còn cao nhất là 3,5 triệu đồng. Đó là chưa nói đến những loại vé ủng hộ và tài trợ riêng.


Cái giá của cuộc thương thuyết để ca sĩ Khánh Ly trở về Việt Nam trình diễn, ở mọi mặt là không đơn giản. Có thể nói là phức tạp nhất trong mọi trường hợp ca sĩ người Việt hải ngoại về nước biểu diễn từ trước đến nay. 


Thậm chí để có được ngày diễn chính thức trong năm 2014, nhà tổ chức và ca sĩ Khánh Ly đã thảo luận với nhau hơn một năm trong vòng bí mật. Thế nhưng ngay khi có tin giấy phép biểu diễn đã cấp xong đã có ngay những bình luận rằng "không nên trông chờ gì vào tiếng hát này".


Ấy vậy mà đó lại là chương trình biểu diễn của một ca sĩ từng được rất nhiều nhà tổ chức liên tục ngỏ ý và đàm phán, kể từ năm 1996, tính từ khi ca sĩ Elvis Phương trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên làm liveshow giữa Sài Gòn, do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, một công ty của người Việt trong nước tổ chức.


Lại có tin như trêu ngươi rằng nữ ca sĩ này có thể sẽ là người lập kỷ lục trong lịch sử âm nhạc Việt Nam về giá cát-sê. Sân khấu có 3.500 ghế, nếu không có gì làm thay đổi, dự kiến sẽ không còn chỗ.


Câu hỏi vang lên, tại sao?


Không phải chỉ là Khánh Ly, mà có một chuỗi dài những cái tên ca sĩ hải ngoại, vốn không còn trẻ trung gì, một thời gian cũng đã thay nhau làm náo động sân khấu ca nhạc Việt, không chỉ là người Sài Gòn, mà cả người Hà Nội cũng háo hức chờ đón.


Những đêm diễn của Chế Linh, Thanh Tuyền cũng chật cứng không còn chỗ ngồi. Thậm chí đã có những bình luận về mặt học thuật rằng đó chỉ là những tiếng hát "bình dân", không có giá trị kỹ thuật nào. 


Nhưng mặc kệ những trau chuốt thông thái, khán giả tuân theo cảm giác của trái tim, họ vẫn đến và vẫn vỗ tay không ngớt như thưởng thức một đêm nhạc vĩ đại của đời mình. Mọi thứ đó chỉ nhàm chán và nhạt dần do cách nạo vét của nền thương mại giải trí thời nay. Nhưng khi đối diện với những cái tên mới, sự hâm mộ vẫn lại bừng lên. 


Khánh Ly là một trong vài cái tên hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam trước năm 1975, còn chưa có dịp hát ở quê nhà. Những ký ức vàng son hoài niệm của một thế hệ, vẫn có giá trị như tiếng chuông vang lên trong buổi chiều tà làm người ta nhớ và thương rất nhiều thứ trong đời mình, thông qua một tiếng hát.


Có lần ghé qua một thành phố cao nguyên, tôi nhìn thấy một người già ngồi sang và bán những chiếc băng casette, trong đó là những bài hát đã được ghi âm từ vài mươi năm trước. 


Giữa một thế giới tràn đầy cái mới, đến và đi vô hồn, bất ngờ tôi chợt hiểu rằng, ở một nơi nào đó trong cửa sổ của thinh lặng của trái tim, vẫn có rất nhiều người muốn được nhìn thấy lại ban mai đời mình, muốn nghe lại, chạm được với những điều mà nay đã run rẩy già nua, nhưng tràn ngập ý nghĩa.


Tôi thấy mình cũng đã từng chết lặng ngồi ở vỉa hè, khi vô tình nghe tiếng hát Thái Thanh với một bản ghi âm sứt sẹo, hát về những đứa con lớn khôn nay không còn biết thương xóm làng, hay chùng xuống khi nghe câu chuyện chiếc thuyền viễn xứ mịt mờ trong tiếng hát Lệ Thu cũ kỹ. Âm vang đó, tạo nên hành trình vô lượng kiếp để dắt ta thoát khỏi rẻo chật chội của nơi bàn chân đứng. 


Có thể vì vậy mà khi tìm về với một Khánh Ly, mặc nhiên người ta không quan tâm đến một tiếng hát có thể đã… phều phào, mà tin rằng có thể bằng nội lực truyền cảm chân thành của người ca sĩ này vẫn có thể tạo ra sự háo hức muốn đọc lại quyển sách ký ức, trong đó có Trịnh Công Sơn, có hình ảnh của ca khúc Da Vàng trên quê hương, và có cả chính mình nhỏ nhoi trong đó.


Với những cách tính thực tế, phí tiền cho một giọng hát già nua là vô lý, nhưng với sự phi thường của vô thức, cầm được chiếc vé đi về ngày hôm qua, thật xứng đáng để rung động. Chắc chắn cũng có những kiểu khán giả khác. Những kẻ học đòi, những trưởng giả làm sang, những kẻ tò mò...


Nhưng với những người yêu âm nhạc, và yêu những giá trị lớn hơn phía sau âm nhạc, đôi khi đi đến nghe một điều cũ kỹ còn là một sự kháng cự tinh thần thầm lặng. Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người  ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất ./.



Tuấn Khanh
Copy từ Một Thế Giới
-----------------------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

TÔI ĐI BIỂU TÌNH THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA !

TÔI ĐI BIỂU TÌNH THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA !







“Biểu tình” thường xuyên trên mạng xã hội, tôi tin rằng đã thực hiện quyền dân chủ của mình … nhưng ngày 11/05/2014, tôi phải xuống đường biểu tình, một cách khác thực hiện quyền dân chủ, không phải trên mạng mà trên đường phố !


Đón nhận thông tin 20 tổ chức xã hội dân sự đã ra lời kêu gọi đồng bào xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược vào lãnh hải trên biển đông VN vào sáng ngày 11/05/2014, đồng thời, lời kêu gọi này cũng trùng khớp với lời kêu gọi của tổ chức Việt Tân từ hải ngoại,  đã làm tôi băn khoăn không ít ! Bởi lẽ, đây là những tổ chức chưa được chính quyền Việt Nam thừa nhận, thậm chí đang bị chính quyền tại Việt Nam xem như là tổ chức phản động, khủng bố (Việt Tân), dù tôi rất tán thành lời kêu gọi biểu tình của họ.


Tôi tán thành không vì cá nhân, tổ chức phát ra lời kêu gọi, mà là vì ý nghĩa của lời kêu gọi đó.


Cuối cùng, tôi vẫn quyết định tham gia biểu tình vào sáng ngày 11/05 chỉ vì một điều duy nhất : Vì chính tôi.


Chỉ còn điều lấn cấn cuối cùng là tập trung ở đâu ? Ở Nhà VHTN (1) đường Phạm Ngọc Thạch (2) ? Hay ở trước Nhà hát thành phố (3) ? Hoặc ở trước Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng (4) đường Hai Bà Trưng ? 8h00’ sáng, tôi nhắn tin hỏi LS Hiếu tập trung ở đâu ? LS Hiếu cho biết đang chuẩn bị đến Nhà VHTN đường Phạm Ngọc Thạch.


Tôi nghĩ nên “điều nghiên” trước. Ở khu vực Nhà VHTN tôi thấy nhiều người đã đứng tập trung từng nhóm nhỏ nhưng rải rác ở hai bên lề đường kéo dài cho đến khu công viên trước Dinh Thống Nhất (5) và Nhà thờ Đức Bà, ước đoán tầm 300-400 người. Xuôi theo dốc Đồng Khởi (6) xuống đến trước Nhà hát thành phố, tôi thấy nơi đây số người tập trung trương sẵn cờ, biểu ngữ cũng đã tầm đến 500 người đang rục rịch khởi hành đi về phía Nhà VHTN.


Đoán chừng tất cả sẽ kéo về phía Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng đường Hai Bà Trưng, nên tôi đến đấy là tốt nhất. Tôi gởi xe ở công viên Lê Văn Tám (7) rồi rảo bộ vào đường Hai Bà Trưng đi về phía Tòa Lãnh sự Trung Cộng, xế đối diện đường Nguyễn Văn Thủ (8).


Lúc này, suốt dọc đoạn đường Hai Bà Trưng từ giao lộ Điện Biên Phủ (9) đến giao lộ (10) Nguyễn Đình Chiểu thì lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an thành phố, quận, phường sở tại, dân phòng, Thanh tra xây dựng (?), bảo vệ ngân hàng (đối diện Tòa Tổng Lãnh sự), mặc đồng phục đông vô kể, chưa nói đến số nhân viên an ninh mặc đồ dân sự đứng nhan nhản, trong khi đó, tổng số người dân đến để chuẩn bị tham gia biểu tình chỉ vỏn vẹn độ khoảng 50 người.





Đến gần 9h00’ thì cảnh sát cơ động chạy rầm rập đổ dồn tập trung ở giao lộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu để đón đoàn biểu tình từ phía ấy đang tiến đến, xe cộ bị ngăn chặn lưu thông vào đây, các hàng rào thép gai nhanh chóng được đẩy ra thành hai hàng chướng ngại vật, cảnh sát cơ động mặc áo giáp đen phủ bên ngoài bộ quần áo rằn ri, mũ bảo hộ, tay che khiên, tay còn lại cầm lăm lăm cây ma trắc đen đứng sau mỗi hàng rào …


Tầm 9h05’ thì đoàn biểu tình vừa đến thì bị ngăn chặn bằng hai hàng rào thép gai và cảnh sát cơ động ngay tại giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, tiếng hô vang “Việt Nam”, “đả đảo”, “Trung Quốc”. “Hoàng Sa”, “Trường Sa” … cứ hòa lẫn vào nhau tiếng được, tiếng mất khiến không nghe được câu nào rõ ràng, cứ ầm ầm như đám chợ vỡ, thật là tiếc khi thiếu người lĩnh xướng … cũng may khi ý nghĩa cuộc biểu tình vẫn được biểu hiện nhờ những biểu ngữ đã được căng lên. Mọi người đứng bên trong vòng rào sốt ruột chờ đợi đoàn biểu tình vào để cùng gia nhập, nhưng biết là không thể nên muốn tiến ra thì cũng không còn ra được nữa !


Chỉ tầm mươi phút, không biết tác động từ đâu mà đoàn biểu tình bị tách thành hai nhóm, một nhóm trụ lại, một nhóm tiến xuôi theo đường Nguyễn Đình Chiểu tiến về phía đường Phạm Ngọc Thạch … chắc họ định đi vòng để vào trở lại đường Hai Bà Trưng bằng phía giao lộ Điện Biên phủ chăng ? Hay đã mắc mưu “ai” đó tác động để làm giảm đi lực lượng người biểu tình ?


Lúc này, người dân sống trong khu vực hay các nhân viên bán hàng tại các cửa hiệu lập tức bị yêu cầu vào nhà đóng cửa ngay, số thường dân đang đứng xớ rớ lộ ngay ra là những người có ý định tham gia biểu tình liền bị vòng vây công an, dân phòng, thanh tra xây dựng … cô lập và đẩy dần ra phía người Nguyễn Văn Thủ, cách xa nhóm biểu tình ở giao lộ Nguyễn Đình Chiểu …


Biết không xong, tôi đành trở ra lấy xe vòng về phía trung tâm để xem có thể gia nhập đoàn biểu tình được không, vừa lúc đoàn biểu tình trở lại xuôi về hướng Nhà hát thành phố, tôi dắt xe đi theo được vài trăm mét rồi tan hàng từ đó …


Có vẻ, cuộc biểu tình sáng ngày 11/05/2014 đã đạt được mục đích căn bản của nhiều phía, phía người dân muốn được biểu tình, thì đã được biểu tình, họ được toại nguyện, chỉ có điều cuộc biểu tình đó được tiến hành ở đâu trên phố xá Sài Gòn cũng được, ngoại trừ trước Tòa Lãnh sự Trung Cộng ! Phía chính quyền muốn có một cuộc biểu tình biểu thị ý chí của dân, nhưng phải đảm bảo không được đi chệch một mục tiêu duy nhất là phản đối Trung Quốc trong phạm vi xâm chiếm biển đông Việt Nam, và càng đương nhiên không được biến tướng thành một cuộc biểu tình chống Đảng cộng sản hay chống chính quyền, một kiểu “biểu tình dân chủ theo định hướng XHCN”(là tôi tự nghĩ thế), thì chính quyền cũng đã được như ý !  


Chỉ riêng tôi, tôi tiếc cuộc biểu tình của riêng tôi bất thành vì quá amateur (nghiệp dư), tôi đã sống quá lâu dưới kiểu dân chủ được định hướng sẵn, tôi thật sự lúng túng khi thực hành theo một kiểu dân chủ khác, một kiểu dân chủ chủ động … Thế nên, tôi thật sự khâm phục đồng nghiệp của tôi là LS Hiếu PN và các bạn của anh, anh đã dấn thân một cách chủ động và hiệu quả ! Hoan hô anh !


Nhưng với lần sau, tôi tin rằng cuộc biểu tình của riêng tôi sẽ khác …




05/11/2014
Manh Dang
------------------
(1)    Nhà Văn hóa thanh niên – Trước năm 1975 là trụ sở Tổng hội sinh viên.
(2)    Đường Phạm Ngọc Thạch - Trước năm 1975 là là đường Duy Tân.
(3)    Nhà hát thành phố - Trước năm 1975 là Trụ sở Thượng Viện chính quyền Sài Gòn cũ.
(4)    Tòa Lãnh sự quán Trung Cộng - Trước năm 1975 là trụ sở Tòa Đại sứ Đài Loan.
(5)    Dinh Thống Nhất - Trước năm 1975 là là Dinh Độc Lập.
(6)    Đường Đồng Khởi - Trước năm 1975 là đường Tự Do.
(7)    Công viên Lê Văn Tám – Trước năm 1980 là Nghĩa trang Đất Thánh Tây (hay còn gọi là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi).
(8)    Đường Nguyễn Văn Thủ – trước năm 1975 là đường Tự Đức.
(9)    Đường Điện Biên Phủ – Trước năm 1975 là đường Phan Thanh Giản.
(10) Đường Nguyễn Đình Chiểu – Trước năm 1975 là đường Phan Đình Phùng.
-----------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

MỘT TỜ BÁO CHO MỖI TỈNH

MỘT TỜ BÁO CHO MỖI TỈNH





Ông NGUYỄN BẮC SƠN, Bộ Trưởng Bộ TT&TT cho biết (1) :


Trong đề án quy hoạch báo chí tới đây, xu hướng sẽ là quy hoạch sao để số lượng hợp lý và đảm bảo chất lượng cao. Qua đó tới đây MỖI TỈNH CHỈ CÓ DUY NHẤT MỘT TỜ BÁO …”


Từ khi hiểu về sinh hoạt báo giới của quốc gia cho đến nay, tôi chưa bao giờ tôi chia sẻ sự đồng tình, nhất trí cao như vậy với quy hoạch về báo chí  !  Vì lẽ, nếu tất cả các tờ báo đều chỉ hòa thanh cùng một giọng thì cũng chẳng cần đến sự tồn tại của 600-700 đầu báo …


Nhưng, tôi thấy như thế vẫn chưa triệt để, nếu thực hiện theo quy hoạch thì ta có 64 tỉnh thành thì sẽ có 64 tờ báo mà vẫn chỉ có cùng một giọng thì hoang phí lắm. Theo thiển ý cá nhân tôi, để bảo đảm sự thống nhất cao độ trong thông tin và tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, cùng đảm bảo sự quản lý tập trung, hiệu quả của chính quyền thì có lẽ cũng chả cần báo chí làm gì cho rối, chỉ cần bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam là đủ !


Nếu đề nghị của tôi đến tai ông Bộ Trưởng Bộ TT&TT và được ông chấp nhận, nhiều khả năng tôi sẽ được TRUY TẶNG Huân chương lao động hạng nhất vì đã có sáng kiến giúp tiếp kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà Nước mỗi năm ... Nói là TRUY TẶNG vì khi tặng thưởng thì tôi đã ra ma rồi, vì hàng vạn nhà báo sẽ cử người truy sát vì tôi "giúp" họ thất nghiệp một cách hợp pháp ...



Manh Dang
----------------
P/s : Sau báo chí rồi sẽ đến truyền hình chăng ?
(1) Nguồn : Tại đây
----------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

MỘT MÌNH KHIÊU VỤ CÙNG BẦY SÓI !

MỘT MÌNH KHIÊU VŨ CÙNG BẦY SÓI !





Qua sự kiện “xô xát” căng thẳng giữa “Thằng ta” với “Thằng bạn to xác” ở biển đông, bổng nhiên, một loạt những giá trị đã làm “Thằng ta” nhầm tưởng là thành quả của bề trên, nay hóa ra chỉ là đồ hàng mã ọp ẹp, xốc xếch đến đau đớn, tội nghiệp … một sản phẩm tồi của sự tuyên truyền !


Đầu tiên với giá trị “đồng chí”:


Đồng chí là cách gọi nhau của những người cùng chung chí hướng chính trị. Với “Thằng ta”, hiện nay chỉ còn vỏn vẹn năm tên với nhau cùng chung ý thức hệ chính trị là theo đuổi chủ nghĩa thiên đường để gọi nhau là đồng chí, gồm : “Thằng bạn to xác”, “Tên bạn Ủn”, “Tên bạn láng giềng” và “Tên bạn thao thức để canh giữ hòa bình thế giới ta bà” … Trong số đó, “Thằng bạn to xác” với “Thằng ta” là thân thiết nhất, thường “âu yếm” gọi nhau kiểu “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, đây là cách gọi kỳ lạ nhất và hài hước nhất mà chúng ta từng chứng kiến giữa hai đồng chí thân thiết luôn luôn sắn sẵn tay áo để nện đến vỡ đầu nhau … Các đồng chí còn lại thì bình thản, lặng thinh xem tấn trò đời của hai đồng chí mình ! Thế nhé, đã đi tong, đã lộ mặt cái giá trị đồng chí giả hiệu sau bao nhiêu năm qua !


Kế, với giá trị “bạn hữu” :


Dù “Thằng ta” đang là là con nhà nghèo, nhưng “Thằng ta” vẫn sẵn sàng vung hàng vốc tiền để đăng cai khá nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như thể thao, văn hóa, kể cả tôn giáo … qua đó, “Thằng ta” tự hào đã đạt thành quả : “nâng cao uy tín và vị thế của “Thằng ta” trên trường quốc tế”, dù cay đắng với người đóng thuế nhưng dù sao nghe vẫn thấy “mát mặt” vì thể diện “Thằng ta”.  Chưa hết, về quan hệ ngoại giao, đến nay, “Thằng ta” có quan hệ với 170 tên khác, điều này phù hợp với chủ trương “Thằng ta”muốn làm bạn với tất cả các tên trên thế giới.


Uy tín và vị thế nâng cao, quan hệ ngoại giao rộng rãi, nhưng “Thằng ta” có là gì trong mắt họ và trong số họ có ai là bạn bè hay chỉ là “đầu môi, chót lưỡi” thì phải đợi đến lúc hoạn nạn mới rõ mặt … cho đến khi xảy ra sự kiện dàn khoan dầu của “Thằng bạn to xác” đặt tại biển đông, thì “Thằng ta” chỉ có một mình ên đơn thân chống chọi với “Thằng bạn to xác”, còn lại thì lác đác nhìn nhau để dè dặt “quan ngại sâu sắc” rồi thôi, chỉ trừ cựu thù cũ là “Tên cờ hoa” thì lại là tên lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để “lên án”, “phản đối” nhưng khuyên “kiềm chế” !


Trớ trêu là sự kiện xảy ra ngay vào dịp Tổng thống Cờ hoa Obama đi thăm một loạt nước Châu Á đã lên tiếng bảo đảm sự phòng vệ chung với các tên bạn đồng minh gồm Tên Nhật, Tên Hàn, Tên Đài và Tên Phi !  Thế nên, chắc không phải vô tình mà “Thằng bạn to xác” không kéo dàn khoan vào lãnh hải các tên kia vừa kể, mà chọn ngay người “anh em”, người “đồng chí” là "Thằng ta" nghèo khổ, nhỏ bé, vừa không có ô bảo vệ của cường quốc, vừa không có đồng minh, tệ hơn, cũng rõ ra luôn là "Thằng ta" không hề có bạn bè nào trong số 170 tên có quan hệ ngoại giao cả !


Nó tệ, nhưng cũng chưa phải là tệ hơn, phần tệ hơn nằm ở quan hệ “hữu hảo” đồng minh giữa “Thằng ta” với Tên Gấu Nga vĩ đại do Putin Đại đế cai trị, hắn bàng quan, thờ ơ và lặng lẽ hơn bao giờ hết về sự kiện đang xảy ra cho bạn hữu “Thằng ta”, trong khi "Thằng ta" đã từng ủng hộ hắn hết mình về phương diện tinh thần trong sự kiện hắn thôn tính Crime.


Tệ, tệ hơn, nhưng tệ nhất là vừa có thông tin Tên Gấu Nga sẽ tiến hành tập trận hải quân chung với “Tên bạn to xác” tại vùng biển đông vào tháng 5 này (1) ! Một cái tát nảy lửa vào giữa mặt cũng không đau như thế, trừ khi bị “hoạn” !


Thế là, cũng đi tong luôn những giá trị về uy tín, vị thế, về chủ trương làm bạn mà bấy lâu nay “Thằng ta” đang tưởng là mình đã sở đắc, hóa ra chỉ là những ảo vọng hảo huyền mà thôi … ngoại trừ, nếu không kể chỉ riêng độc nhất có “Thằng ta” là chịu làm bạn hữu với chính mình !


Chuyện biển đông chưa ngã ngũ, nhưng nhờ câu chuyện biển đông đã ngã ngũ ra sự thật bẽ bàng rằng “Thằng ta” không hề có đồng chí, không hề có anh em, không hề có đồng minh, không hề có bạn bè … nếu có, thì chỉ tồn tại trên chiếc loa phóng thanh tuyên truyền làm mất giấc ngủ người già vào mỗi sớm mai mà thôi.


“Thằng ta” đã sống theo kiểu gì để phải nuốt trọn quả đắng đó vậy ?





Manh Dang
---------------- 
(1) http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/chien-ham-nga-trung-quoc-sap-tap-tran-tren-bien-dong-339409.html
----------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang
----------------
Ảnh minh họa từ nguồn internet

EM QUAN NGẠI ...

EM QUAN NGẠI ...


Em bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến khó lường về tình hình của “ấy” đối với “em” :


- “Đồng chí tốt” Tung Kủa mang giàn khoan dầu khổng lồ cắm vào ngay chỗ sung sướng nhất của “em”, mà nhầm lỗ "YAHOOOO" !!!

- Các “đồng chí anh em” khác gồm tên láng giềng, tên Cu thức cho Ba ngủ, tên Ủn lặng thinh nhìn qua lỗ khóa thưởng thức cảnh "ấy" đang khoan lỗ của "em".

- “Đồng minh đối tác chiến lược” Gấu Nga tỏ ra “quan ngại” rồi te te đến Bắc Kinh để thắm thiết ôm hôn bựa Tập. Bựa Tập túi nhiều xiền hơn, hàng to hơn, chắc rồi ... Mịa nó, đời là thế !


Trong khi đó thì :



- Lũ "phát xít" Nhật thì đề nghị “em” tham gia liên minh để giúp đỡ : Em thì chả liên minh chống thằng thứ 3 nhá !

- Bọn "thực dân" Pháp thì muốn hỗ trợ công nghệ quân sự cho “em” : Hàng đẹp thì cho em xem, em làm gì với hàng là tùy em đấy nhá !

- Tên "đế quốc" Mỹ thì chi tiền để “em” tăng cường lực lượng đối phó : Cho thì em lấy chứ đây không xin, đừng kèm điều kiện bắt em tự diễn biến, thế mất sướng nhá !


Thời buổi gì mà cứ đảo điên lộn tùng phèo lên thế thì làm sao mà em không quan ngại ? Em tuyên bố xong rồi thôi em đi vô trong đây ! Mấy anh muốn ném, muốn chém thì cứ tự xử nhá !






Manh Dang 
----------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang

"VIỆT NAM, VIỆT NAM, GIẤC MƠ NGẬM NGÙI"

Lĩnh ý Chị Dalat NgocHan, một người rất đam mê và hiểu biết âm nhạc sâu sắc, một người bạn mà tôi rất quý mến, sống cách xa nhau từ nửa vòng trái đất, tận bên kia bờ đại dương xanh thẫm ... theo đó, tôi sao chép lại bài viết "Việt Nam, Việt Nam”, Giấc Mơ Ngậm Ngùi" của tác giả Lê Hữu, đăng vào ngày 26/02/2013 trên trang Diễn đàn Việt Thức (www.vietthuc.org), với mục đích được chia sẻ bài viết này một cách rộng rãi hơn cho tất cả quý bạn hữu mà chúng tôi quen biết, về một bài viết hết sức giá trị, mà sau khi đọc, còn đọng lại trong chúng tôi thật nhiều suy nghĩ, bâng khuâng ... 


Trải tâm tưởng theo bài viết, có những đoạn văn tôi đã không thể đọc hết trong một lần vì xúc động, dù tác giả xử giọng văn rất nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa trong đó là cả một tấm lòng son của người con nước Việt đau đáu với quê hương xứ sở, với văn hóa dân tộc ... Nước Việt không bao giờ phải vong quốc, người Việt không bao giờ phải vong thân, nếu người Việt vẫn còn đó những tấm lòng son như tác giả !


Như chính tâm ý tác giả Lê Hữu gởi gấm trong bài viết của mình, "Việt Nam, Việt Nam”, Giấc Mơ Ngậm Ngùi", chúng tôi, Dalat NgocHan và Manh Dang cùng muốn chia sẻ một giấc mơ, nhưng với niềm hy vọng lớn hơn sự "Ngậm Ngùi" của tác giả, rằng điệp khúc "Việt Nam, Việt Nam" sẽ chỉ còn là "Việt Nam", vâng một Việt Nam thôi trong lòng con dân Việt ...


Và đây, "Việt Nam, Việt Nam”, Giấc Mơ Ngậm Ngùi" của tác giả Lê Hữu (1) ...


Nhạc sỹ Phạm Duy

----------ooOoo-----------


"Việt Nam, Việt Nam”, Giấc Mơ Ngậm Ngùi"   


“Đất nước thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất”
Phạm Duy



Trong số “ngàn lời ca” của Phạm Duy, bài hát nào được mọi người yêu thích nhất ?


Ngày trước, có đôi lúc tôi vẫn tự hỏi như vậy. Sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, tôi tìm ra câu trả lời. Khi được hỏi “Thích bài nào nhất của Phạm Duy?”, hầu hết những người yêu nhạc ông đều nhắc đến bài “Tình ca”. Có ng ười gọi bài hát ấy với tên khác là “Tiếng nước tôi” hoặc “Tôi yêu tiếng nước tôi”, là câu hát đầu tiên của bài hát ấy.


Từ “Tình ca” đến “Việt Nam, Việt Nam”


Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, câu hát ấy, mười nốt nhạc đầu tiên của bài nhạc ấy, từng được một cơ sở thương mại ở trong nước mua với giá 100 triệu (tính ra là 10 triệu cho một nốt nhạc), được xem là mười nốt nhạc Việt có giá thương mại cao nhất từ trước đến nay.


Đã từng có một đêm nhạc Phạm Duy tổ chức tại Huế (16/9/2012) với tên gọi là “Phạm Duy – Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Xa hơn một chút, một đêm nhạc Phạm Duy khác được tổ chức tại Singapore (17/10/2010) cho cộng đồng người Việt ở đấy cũng với tên gọi là “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Bài hát rất được yêu thích và gắn liền với tên ông khiến ông được xem là người nhạc sĩ viết về tình tự dân tộc, về tình yêu quê hương hay nhất.


“Tình ca” là bài hát mang nhiều “chất Phạm Duy” nhất. “Tình ca” là một “tình yêu tổng hợp”, là bản tình ca lớn nhất của Phạm Duy: bản tình ca của đất nước. Với lớp người trẻ, bài hát ấy là bài học lớn về lòng yêu nước, yêu tiếng Việt, yêu người Việt, yêu lịch sử dân tộc Việt.


Bài hát không dễ thuộc lời, thế nhưng mọi người đều hát được câu hát đầu của bài hát ấy. Như thế cũng đủ. “Nếu một trăm năm nữa,” tác giả bài hát nói, “người ta vẫn hát bài ‘Tình ca’ với câu ‘Tôi yêu tiếng nước tôi’, thì 999 bài còn lại người ta có quên đi cũng được.”  Câu nói ấy cho thấy không chỉ người yêu nhạc Phạm Duy mà chính Phạm Duy cũng yêu bài hát ấy hơn cả. Thậm chí, khi nói về cái chết, ông cũng nhắc tên bài hát ấy, “Mộ tôi sẽ nằm trên môi những người hát ‘Tình ca’. Cứ mỗi lần có ai hát bài này, tôi tin là mình đang được tái sinh trong lòng họ”.


Bài hát được yêu thích nhưng không dễ hát và càng không dễ hát chung với nhau. Muốn hát chung một bài nào của Phạm Duy, người ta đi tìm một bài khác.


“Tình ca” là bài hát đầu tiên trong số chín ca khúc đầu tiên của Phạm Duy được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa Thể  thao và Du lịch) ở trong nước cấp phép phổ biến sớm nhất (21/7/2005), hai tháng sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy chính thức hồi hương.


Tôi nhớ, có lần nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ tin vui thêm một đợt những ca khúc của ông được cấp phép phổ biến, tôi nói rằng có một bài tôi thực sự mong cho ông, hơn bất cứ bài nào khác, sẽ được phép lưu hành. “Bài gì?” ông hỏi.  Tôi nói, “Việt Nam, Việt Nam.”  Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước, hát vang vang trong màn kết thúc một chương trình nhạc Phạm Duy. Ông im lặng. Tôi gửi ông nghe/xem cho vui ít màn trình diễn bài hát ấy ở nước ngoài trước và sau ngày ông về nước. Ông im lặng. Tôi hiểu được sự im lặng ấy, và không nhắc tên bài hát ấy nữa.


Vì sao bài hát ấy, bài “Việt Nam, Việt Nam”, vẫn chưa được cấp phép ? Có gì “lấn cấn” chăng ?


Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ.


Việt Nam đem vào sông núi Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời ...

Việt Nam không đòi xương máu Việt Nam kêu gọi thương nhau Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu …

Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời Tình Yêu đây là khí giới Tình Thương đem về muôn nơi Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người …


Những lời lẽ ấy là không thích hợp chăng?


Bài hát có nhịp điệu khỏe khoắn, tiết tấu mạnh mẽ, nghe phấn chấn, thúc giục tựa những bước chân hăm hở xốc tới, rất thích hợp để hát hợp ca, đồng ca trong những cuộc họp mặt, xuống đường, tuần hành.


Nhạc điệu ấy là không thích hợp chăng ?


Bài hát có nhạc điệu trang nghiêm, hùng tráng với lời ca khơi dậy tinh thần yêu nước, mang tính cách của một bài quốc ca. Nhiều người vẫn nhớ rằng “Việt Nam, Việt Nam” từng hơn một lần được đề nghị làm bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (thay cho bài “Tiếng gọi công dân” của Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ miền Bắc). Bài hát “Việt Nam, Việt Nam” vì thế, rất “gần” với bài quốc ca của miền Nam ngày trước.


Những điểm ấy là “nhạy cảm” và là không thích hợp chăng ?


Liệu còn có những lý do nào khác? Hoặc, chẳng có lý do nào cả. Chưa duyệt, chưa cấp phép là vì chưa duyệt, chưa cấp phép, thế thôi.


“Việt Nam, Việt Nam” là một chung khúc (cách gọi của nhạc sĩ Phạm Duy), là một kết thúc có hậu cho bản trường ca “Mẹ Việt Nam” (1964) của Phạm Duy. Là chung khúc nhưng “Việt Nam, Việt Nam” vẫn thường được trình diễn như một bài hát riêng, độc lập. Chung khúc ấy thể hiện những ước mơ, khát vọng của người dân Việt về một vận hội mới về trên quê hương, cho đất nước yên bình, cho không còn những cách chia, cho người biết thương người.


Trả lời câu hỏi “Vì sao cái tựa bài hát không là ‘Việt Nam’ mà lại hai lần ‘Việt Nam, Việt Nam’?” tác giả bài hát nói: “Vì nước Việt Nam mình bị chia làm hai, thành ra có hai ‘Việt Nam – Việt Nam’. Nếu chỉ có một Việt Nam thôi thì tốt hơn. Trong khi tôi xưng tụng một nước Việt Nam như vậy, ‘Tình yêu, đây là khí giới’, thì hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau, vẫn còn chưa bắt tay nhau.”  


Sau ngày ông qua đời, một bài báo trong nước (Thanh Niên, 30/1/2013) có tựa là “Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời” cho phổ biến một lá thư của ông (không đề ngày) gửi đến “giới chức có thẩm quyền” xin cấp phép phổ biến ca khúc “Việt Nam, Việt Nam”.


Thư có đoạn:


“Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề ‘Việt Nam, Việt Nam’ sáng tác từ 1960, rút trong trường ca ‘Mẹ Việt Nam’, là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng.  Sau đây là ca khúc đó… (lời ca bài ‘Việt Nam, Việt Nam’). Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến.” (thư kèm một CD gồm hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam”).


Một lá thư khác, cũng theo bài báo ấy, dài đến gần mười trang của Giáo sư Trần Văn Khê (6/2012), người bạn cố tri của nhạc sĩ Phạm Duy, nội dung đề nghị cấp phép phổ biến hai trường ca của Phạm Duy là “Con đường cái quan” và “Mẹ Việt Nam” (kết thúc bằng chung khúc “Việt Nam, Việt Nam").


Thư có đoạn :


“Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn… Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn Hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để giúp cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân… Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh… để thấy rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào, từ trong nội tại tâm hồn đến cảnh vật bên ngoài, luôn lấp lánh cái bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.”


Cả hai lá thư với lời lẽ thiết tha ấy đều “thư đi” mà không có “tin lại”.


Mỗi năm lại có thêm một vài đợt duyệt xét, có thêm một ít ca khúc của Phạm Duy được cấp phép phổ biến (gồm cả những bài một thời được xem là “dị ứng” với nhà cầm quyền trong nước, như “Bên cầu biên giới”, “Mùa thu chết,” “Tìm nhau”…). Không  có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Đợt cấp phép mới nhất, mười ngày trước khi người nhạc sĩ qua đời, có thêm tám ca khúc Phạm Duy được cho phép lưu hành trên cả nước. Vẫn không có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Bài hát vẫn biệt vô âm tín. Người nhạc sĩ vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi trên giường bệnh. Nỗi đợi chờ trong câm lặng, trong khắc khoải, mỏi mòn, như người ngồi đợi hoài những giấc mơ không bao giờ đến. 


“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy hoặc được duyệt rất sớm, hoặc rất muộn, hoặc chẳng bao giờ, vì không thích hợp, vì khá “nhạy cảm”; hoặc hơn thế nữa, vì “dị ứng”, như cách nói ở trong nước.


“Chung khúc” nào cho Việt Nam – Việt Nam ?


Ít hôm sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy mất, ở Mỹ người ta tổ chức một đêm nhạc để tưởng nhớ ông. Một người bạn ở Nam Cali gọi cho tôi, nói “Nếu ông ở đây thì tối nay tôi rủ ông đi nghe nhạc, một chương trình nhạc đặc biệt, chỉ phổ biến trong thân hữu.”  “Nghe nhạc Phạm Duy phải không?” tôi hỏi. Người bạn hỏi lại “Sao biết?”  Tôi nói, “Nhạc Phạm Duy thì người ta vẫn hát, vẫn nghe từ bao nhiêu năm nay và vẫn đang hát, đang nghe chứ đâu phải đợi cho đến lúc ông ấy nằm xuống mới đi nghe.”  Tôi không rõ những “thân hữu” trong đêm nhạc ấy gồm những ai ai, và vì sao lại “chỉ phổ biến trong thân hữu”.  Theo lời người bạn kể, một “tiết mục” khá ấn tượng trong đêm “Phạm Duy, Ngàn Lời Ca” ấy: kết thúc chương trình, không ai bảo ai tất cả mọi người đều cùng đứng lên và cùng cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam”.  “Cảm động nhất là màn cuối ấy,” người bạn nói.


Vì sao lại “cảm động” ? Phải chăng vì những cảm xúc rưng rưng pha trộn: vì cảm thương cho con người nghệ sĩ lắm tài hoa mà cũng nhiều nghiệt ngã, cho đến những năm tháng cuối đời vẫn cứ nuôi mãi một “giấc mộng dài”. Hoặc vì cảm thương cho thân phận đất nước mình dân tộc mình, cho những kiếp người nổi trôi, những số phận lênh đênh không bờ không bến. Hoặc vì bài hát gợi nhớ về những năm tháng xa xôi, những tháng năm tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ và của những ước mơ trong veo về một ngày hòa bình trên quê hương đổi mới… Người nhạc sĩ già đã nhắm mắt xuôi tay, “người tình già” đã đi về đầu non. “Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy, tiếng hát ấy, như một giấc mơ rạn vỡ.


Một trùng hợp ngẫu nhiên, ít hôm sau đó, vào những phút cuối của đám táng người nhạc sĩ, trong lúc người người đứng vây quanh huyệt mộ, trong lúc những nắm đất, những bông hoa đủ màu sắc thả xuống nắp áo quan, một tiếng nói cất lên, “Chúng ta hãy hát bài Việt Nam, Việt Nam.” Rồi một giọng hát cất lên, “Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời…”  Rồi những giọng hát khác cất lên, cất lên, hòa quyện vào nhau. Những câu hát bật ra, bài hát bật ra, càng lúc càng lớn. Những nắm đất, những cánh hoa vẫn liên tục thả xuống… Người ta chọn bài hát ấy để nói lời chia tay người nhạc sĩ.


Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi…
Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời…
Tình Yêu, đây là khí giới Tình thương đem về muôn nơi Việt Nam, đây tiếng nói đi xây tình người


Ở ngoài nước, kết thúc đêm nhạc tưởng niệm người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”. Ở trong nước, kết thúc đám táng người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”.


Đoàn người cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam” trong “nghĩa trang mông mênh” ấy là những ai? Nhiều phần là những người lớn tuổi, những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975. Những người trẻ tuổi, một số đã không hát theo được vì không thuộc hay không biết bài hát ấy.


Một bà cụ tóc trắng nêu thắc mắc, “Sao không in ra thành nhiều bản phát ra cho mọi người để cùng hát với nhau cho hùng mạnh hơn?!” (Bà cụ không rõ bài hát chưa được “nhà nước”… cho phép hát).


Những người khác quay sang hỏi nhau, “Tại sao một bài hát có ý nghĩa như thế lại không được nhà nước cấp phép ?” Những câu hỏi không có câu trả lời.


Khác với tác giả bài hát, người ta không phải đợi “nhà nước” duyệt hay cấp phép. Hàng ngàn người đồng hành với ông trong ngày “Chủ Nhật buồn” ấy đã “duyệt” cho ông bài hát ấy. Hoặc nói như cách nói ở trong nước, “một bộ phận quần chúng nhân dân” đã cấp phép cho bài hát ấy; hơn thế nữa, đã “biểu diễn” bài hát ấy như một dàn đồng ca tự phát.


Bài hát, lần đầu tiên được cất lên kể từ ngày ông về nước. Phải đợi đến lúc hạ huyệt, đến lúc thân xác ông được gửi vào lòng đất mẹ thì bài hát ấy mới cất lên. Cũng đâu có gì là muộn màng, phải không? “Có còn hơn không, có còn hơn không”, như câu hát trong một bài hát quen thuộc của ông. Bây giờ thì ông không còn phải chờ đợi thêm nữa.


“Việt Nam, Việt Nam” từng là một trong những bài hát cộng đồng khá phổ biến trên môi tuổi trẻ, sinh viên, học sinh ở miền Nam tự do một thời nào. Bài hát vang lên trong những sân trường, lớp học, trong những đêm không ngủ, trong những ngày lên đường, xuống đường rực lửa đấu tranh. Mọi người vừa hát vừa vỗ tay rất nhịp nhàng, rất khí thế, rất sôi nổi. Bài hát ấy, nhiều năm sau lại vang lên bên huyệt mộ người nhạc sĩ trong một ngày cuối đông. Người ta đã hát cho ông nghe bài hát bao năm ông hằng chờ đợi, bài hát ông gửi vào những tâm huyết, tâm nguyện, tâm tình. Ông còn mong gì hơn nữa!


Hát “Việt Nam, Việt Nam” là hát về những giấc mơ, những khát vọng của người dân Việt tội tình. Giấc mơ “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ của Phạm Duy, giấc mơ của tuổi trẻ ngày ấy, của tuổi trẻ hôm nay, của người Việt khắp nơi khắp chốn, giấc mơ ấy vẫn còn… xa vời vợi.


“Việt Nam, Việt Nam”, sau năm mươi năm, bài hát vẫn còn là giấc mơ.


“Việt Nam, Việt Nam”, chung khúc ấy là viễn mơ.


Bài chung khúc ông viết cho “Mẹ Việt Nam”, cho dân Việt Nam và cho tâm nguyện của riêng ông cách nay nửa thế kỷ, chung cục trở thành “bài hát tiễn đưa” ông về lòng Đất Mẹ, như là những gì thuộc về ông nay chính thức trả về ông, cho ông mang theo làm hành trang của “những gì sẽ đem theo về cõi chết”.(1)


Liệu có một “chung khúc” nào cho người dân Việt ? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Giáo sư Eric Henry (Đại Học North Carolina, Chapel Hill, NC), giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam–người dành ra nhiều thời gian vào việc khảo cứu về lịch sử tân nhạc Việt cũng như chuyển dịch sang tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy–trong một bài tham luận, tỏ ra lạc quan về những tín hiệu cho thấy “hai phía Việt Nam – Việt Nam” ngày càng có khuynh hướng “xích lại gần nhau” hơn: “Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế.”(2)


Nhạc sĩ Phạm Duy, ngược lại, trong bài trả lời phỏng vấn của đài RFA (23/6/2012), gọi là “Những bộc bạch cuối đời”, đã không giấu nỗi chua xót của chính mình: “Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi, cho đến giờ phút này, tôi thấy là tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử nếu tôi có chết đi thì gần như là tôi không có được thỏa mãn.”  Trả lời câu hỏi “Tại sao?” ông nói, “Giản dị lắm, anh muốn biết tại sao như vậy thì anh phải hỏi thẳng chính quyền ấy.”


Ngày ông nằm xuống, người Việt vẫn chưa đi đến một “chung khúc”.


“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ông viết ra từ thời chiến như gửi đi một thông điệp của thương yêu và hòa giải, của thống nhất đất nước và thống nhất lòng người. Thông điệp ấy đến nay người ta vẫn chưa sẵn sàng đón nhận.


Nếu có “thống nhất” được điểm nào thì chỉ là “hai phía” đều gọi ông là “cây đại thụ” của làng nhạc Việt. Sau ngày cây đại thụ ấy bật gốc, cả hai phía ấy và cả những người yêu ông và ghét ông, đều nói rằng cả trăm năm nữa cũng khó mà có được một tài năng âm nhạc nào như ông.


Người ta vẫn hay gọi một văn nghệ sĩ tên tuổi là “tác giả”, theo sau là tên tác phẩm phổ biến nhất, ý nghĩa nhất và được yêu chuộng nhất. Cách gọi ấy gọi được cả “tác giả và tác phẩm”.


Phạm Duy, tôi chắc nhiều người sẽ gọi ông là “Tác giả Việt Nam, Việt Nam”.






Ngày 26/02/2013
Lê Hữu
-----------
(1) Nguồn : Tại đây
-------------
* Có thể bạn muốn tham khảo các bài viết khác tại đây :  Mục lục Blog Manh Dang
-------------
*Ảnh minh họa từ nguồn Internet.