21 tháng 1, 2014

NGỤY

NGỤY …


Lòng dân ở Muechen - Đức trong buổi tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa


Trong ngôn từ chính trị, “ngụy” thường được dùng để chỉ một chính quyền không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất của một chính quyền đúng nghĩa, được dựng lên theo cách thức không hợp pháp và không chính danh.

Sử sách nước ta từng ghi nhận những chính quyền bị gọi là ngụy, như : “Ngụy Hồ” chỉ Nhà Hồ, với Hồ Quý Ly người khai mở triều đại thông qua con đường cướp ngôi, nên bị đánh giá là không chính danh; “Ngụy Mạc” chỉ nhà Mạc, với Mạc Đăng Dung người khai mở triều đại, cũng với lý do tương tự;  “Ngụy Tây Sơn” chỉ chung anh em nhà Tây Sơn; “Ngụy quyền” chỉ triều đình Nhà Nguyễn thời thuộc Pháp bảo hộ và cũng “Ngụy quyền” chỉ chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

Điểm qua những triều đại, chính quyền liệt kê từ lịch sử như thế, cho thấy từ “ngụy” không phải bao giờ cũng mang ý nghĩa tiêu cực để chỉ một chính quyền, mặc dù hàm ý tiêu cực chính là nguyên nhân để sử gia của các chính quyền đương thời sử dụng để chỉ những đối thủ chính trị của họ, đơn cử, nhà “Ngụy Hồ” chẳng hạn, từ do các sử gia thời sau đặt để, thì nhân vật Hồ Quý Ly lại được các sử gia hiện đại đánh giá như một nhà cải cách cấp tiến về nhiều phương diện quốc gia, như chính trị, giáo dục, kinh tế … Ông là người chủ trương in tiền giấy đưa vào sử dụng đầu tiên ở Việt Nam và là một trong số rất ít các quốc gia sử dụng tiền giấy rất sớm trong lịch sử tiền tệ thế giới.

Nhà “Ngụy Tây Sơn” cũng lại là một ví dụ tương tự, các sử gia Nhà Nguyễn đặt để từ “ngụy” với nhà Tây Sơn vốn là một đối thủ chính trị, tuy vậy, họ không hề và không thể khuất lấp chiến công oanh liệt của Vua Tây Sơn Quang Trung, vị anh hùng từng đả bại hơn 2 vạn thủy binh cùng 300 chiến thuyền của quân Xiêm La trong không đầy một ngày chiến đấu tại Rạch Gầm- Xoài Mút, sau đó, hiển hách hơn gấp bội, chỉ trong vòng chưa đầy năm tuần lễ xuất quân, Ông lại phá tan đến 29 vạn quân Thanh xâm lược … Chí kiêu hùng của Ông đã từng vươn xa hơn Ải Nam Quan về phía Bắc, nếu Ông không yểu mạng thì có lẽ bản đồ phía bắc quốc gia đã có ranh giới như thời Giao Chỉ cách đây 2000 năm.

Nhà Nguyễn lại là một trường hợp khá đặc biệt, vì lẽ họ vừa là “tác giả” lại vừa là “nạn nhân” của từ “ngụy”, tác giả vì chính sử gia thời họ đã gọi nhà Tây Sơn là “ngụy”, nhưng là nạn nhân khi những đời vua thời thuộc Pháp cũng lại bị gọi là “ngụy quyền” bởi những nghĩa sỹ, tổ chức kháng Pháp. Nhưng lịch sử cũng đã ghi nhận rằng dưới thời nhà Nguyễn, diện tích lãnh thổ, lãnh hải quốc gia được mở rộng nhất, mà chưa từng có triều đại hoặc chính quyền nào trước đó hay sau đó sánh bằng …

Thế nên, đôi khi từ “ngụy” dùng để chỉ một chính quyền nào đó cũng chưa hẵn mang ý nghĩa tiêu cực như tác giả mong muốn đặt để …

Ở Nam Bộ, người dân Miền Tây có câu rất hay “Nói dzậy mà hem phải dzậy !”.


Manh Dang
----------------
Có thể bạn muốn đọc thêm các bài viết khác Tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét