13 tháng 4, 2014

THẾ SỰ - “HẢ HÊ”, “CHẠNH LÒNG” & “HY VỌNG”

“HẢ HÊ”, “CHẠNH LÒNG” & “HY VỌNG”

HẢ HÊ :
Tiếp nối sự sụp đổ của các nhà độc tài Ceausescu (Rumani), Gaddafi (Liby), Saddam Hussein (Iraq), Mubarak (Ai Cập) … thì các thông tin dồn dập về các sự kiện đang xảy ra tại Ucraina làm nức lòng những người yêu chuộng tự do, dân chủ ở khắp mọi nơi, nhưng sự vu mừng chỉ đạt đỉnh điểm khi thông tin về nhà độc tài Yanukovich cuối cùng cũng phải lẩn trốn trước sự căm phẫn của người dân, giờ đây, thậm chí ông ta đang trở thành tội phạm bị truy nã và phải đối mặt với khả năng bị truy tố trước tòa hình sự quốc tế  …

Theo đó, biên giới của quỷ dữ, của cái ác đang phải thu nhỏ dần biên giới của chúng …



CHẠNH LÒNG :
Niềm vui mừng, hả hê của người dân Ucraina càng lớn thì sự chạnh lòng của người dân đang sống nô dịch tại các quốc gia còn tồn tại những nhà độc tài như Kim Jong Un và đồng bọn của hắn trên thế giới lại không hề nhỏ … ở đó, người dân đang phải sống kiếp người còn kém hơn cả cầm thú được nuôi nhốt … mọi suy nghĩ, lời nói … đều đã được chăn dắt, định hướng … khôi hài nhất là kể cả sự sáng tạo !? Sự nghèo đói. lạc hậu, tình trạng tham nhũng, nói dối triền miên đã trở thành đặc sản của chế độ … … Công bằng, công lý bị cười cợt … Tội phạm, đối với chế độ nếu có cũng không hề được xét xử theo những tiêu chuẩn tư pháp tối thiểu, mà tất tần tật đều bị giải quyết trong bóng tối, trong hậu trường, nơi chỉ có tiếng sột soạt soạt của những tờ giấy bạc, nhưng không bao giờ là ở tòa án, nơi mà thế giới văn minh đã xây dựng nên …

Thế nên, ở đâu đó trên thế giới, quỷ dữ với bản chất bất phục của nó không hề học hỏi được bài học gì từ đồng loại đã bị tiêu diệt ở Rumani, ở Liby, ở Iraq, ở Ai Cập và mới đây ở Ucraina cả … Có chính trị gia hơn nửa đời người theo quỷ, khi trở lại loài người đã thốt lên : Quỷ dữ không thể cải sửa mà chỉ bị hủy diệt  !!!

HY VỌNG :
Có nơi từng được mệnh danh là thành trì của quỷ dữ, sau nhiều thập niên tác oai tác quái, cuối cùng nó cũng bị chính người dân ở đấy tiêu diệt  … rồi dần dần cho đến nay thì biên giới của chúng cũng bị thu hẹp, cho thấy quỷ dữ không phải lúc nào cũng bách chiến bách thắng như chúng thường tâng bốc và muốn cho mọi người tin thế  !!!
Lịch sử chưa từng ghi nhận sự bạo tàn nào đã có thể duy trì mãi được …

Hôm qua người dân ở Liby, ở Iraq … đã cười, hôm nay người dân Ucraina đã cười, hãy chờ đến ngày mai nhé  !!!


Manh Dang
-----------------
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog

THẾ SỰ - NHÂN NGÀY SINH NHẬT CHA ALEXANDRE DE RHOTHES

Cha Alexandre de Rhodes, 
kính nhớ sinh nhật Người (ngày 15/03) !

Cha Alexandre De Rhothes (15/03/1591 - 05/11/161)

Khi bạn đọc những dòng chữ quốc ngữ này, là bạn đang chiêm ngưỡng tác phẩm của các linh mục thừa sai Dòng Tên gồm các cha Gaspar de Amaral, cha Antonio Barbosa … và cha Alexandre de Rhodes, tất cả họ đều là cha đẻ của quốc ngữ mà người Việt ta đang dùng hàng ngày.

Với linh mục Gaspar de Amaral, cha đã soạn cuốn từ điển Việt – Bồ. Với linh mục Antonio Barbosa, cha soạn cuốn từ điển Bồ – Việt. Nhưng hai cha đều mất khá sớm, tuy vậy, cùng với một số linh mục khác trong giai đoạn tiên khởi này, các cha đã giúp đặt nền móng đầu tiên cho quốc ngữ Việt Nam.

Với linh mục Alexandre de Rhodes, thì cha đã dựa vào hai công trình từ điển nêu trên và bổ sung thêm phần La tinh để hình thành nên cuốn từ điển Việt – Bồ – La.

Thực tế, chính việc bổ sung phần La tinh của cha Alexandre de Rhodes đã trở thành đóng góp quan trọng bậc nhất giúp hình thành nên lối chữ viết theo lối La tinh mà sau đó nhanh chóng trở thành quốc ngữ Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes trong việc khai sinh nên quốc ngữ Việt Nam, tờ Nguyệt San MISSI do các linh mục Dòng tên người Pháp quản lý đã từng viết nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, đại lược như sau : "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, cha Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ".

“Thật vậy, khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách in quyển từ điển và các sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ tại nhà in Vatican - Roma, thì cha Alexandre de Rhodes đã giải phóng cho nước Việt Nam về chữ quốc ngữ.

Bởi lẽ trước đó, tương tự như Nhật Bản và Cao Ly (Triều Tiên), thì người Việt Nam luôn luôn sử dụng lối chữ viết của người Tàu hoặc chữ nôm do tự sáng chế và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Cao Ly mới chế biến ra chữ viết riêng của họ, nhưng vẫn không theo cách viết La tinh nên bị hạn chế nhiều. Còn người Nhật Bản thì sau nhiều lần thử nghiệm chế biến lối chữ viết khác, nhưng cuối cùng đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình, biểu ý của người Tàu.

Trong khi đó, chính người Tàu dưới chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông cũng đã từng tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexandre de Rhodes, đã tiến bộ trước người Tàu đến ba thế kỷ (tác giả tính từ năm in cuốn từ điển Việt – Bồ – La năm 1651 đến thời điểm viết bài báo trên Nguyệt san MISSI năm 1960).

Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Alexandre de Rhodes khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, chính cha Alexandre de Rhodes là người hệ thống hóa, hoàn tất công trình làm ra chữ quốc ngữ thành công vào năm 1651, tức là năm mà cuốn tự điển Việt - Bồ - La chào đời tại nhà in Vatican - Roma.

Thế nên, chính tại nhà in Vatican ở Roma là nơi mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình, và chính năm 1651 cũng là năm khai sinh chính thức của chữ quốc ngữ Việt Nam.

Theo đó, chữ viết theo lối La tinh ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng trong cộng đồng Ki-tô giáo Việt Nam, đặt nền móng cho việc sử dụng rộng rãi sau này, đến khi được toàn thể người dân Việt Nam sử dụng thì mặc nhiên nó đã biến thành chữ quốc ngữ”.

Ghi nhận công ơn của cha Alexandre de Rhodes, năm 1941, một tấm bia kỷ niệm nhân ngày sinh nhật thứ 350 của cha đã được dựng ở gần bên bờ Hồ Gươm trước cửa đền bà Kiệu. Đến năm 1957, khi Hà Nội thuộc sự quản lý của chính quyền Cộng Sản thì bia bị gỡ bỏ.

Chính quyền Sài Gòn cũ đặt tên ông cho một con đường tọa lạc gần Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất. Sau đó, chính quyền cộng sản đổi tên đường thành Thái Văn Lung và bây giờ thì đã đặt lại tên cũ là Alexandre de Rhodes cho con dường này.

Nguyên, cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) sinh ngày 15/03/1591 (hay 1593 ?) tại Avignon, miền nam nước Pháp. Gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia), tổ tiên sang tị nạn dưới bóng Giáo Hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo Hoàng. Ông gia nhập Dòng Tên tại Roma năm 1612, thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Đầu năm 1625, cha Alexandre De Rhodes đến Việt Nam bắt đầu từ Hội An. Cha bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của cha. Nhưng cuộc đời truyền giáo của cha ở đây rất gian nan, trong vòng 20 năm, cha bị trục xuất đến sáu lần. Đến năm 1645, cha bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Cha mất ngày 5/11/1660 ở Iran, thọ 69 tuổi.

Hiện nay, ở Việt Nam đã từng xuất hiện ý kiến phủ nhận công lao đóng góp của cha Alexandre de Rhodes trong việc khai sinh chữ quốc ngữ, một trong số họ nêu quan điểm : “Alexandre de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi. (nguồn : Tại đây).

Riêng đối với người viết, thì :
Lối chữ viết đã trở thành quốc ngữ của quốc gia với chín mươi triệu đồng bào sử dụng;
Lối chữ viết được dùng để viết lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh chế độ;
-  Lối chữ viết được dùng để thể hiện Hiến pháp văn bản pháp luật cao nhất của quốc gia;
-  Lối chữ viết được dùng trong tất cả mọi sinh hoạt chính trị, hành chính, xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa …
-  Lối chữ viết được dùng để thể hiện những dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ thuở hồng hoang đến nay.
-  Lối chữ viết được dùng để thể hiện lời ru ân cần của mẹ từ ngày sinh tôi làm kiếp người.
-  Lối chữ viết được dùng để thể hiện sự yêu thương giữa những thành viên trong gia đình, giữa những đôi tình nhân, giữa những người tri kỷ …
 Lối chữ viết được dùng thể hiện ca từ những nhạc phẩm bất tử như Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng, Trưng Nữ Vương, Lòng mẹ, Tình ca  …
-  Lối chữ viết mà người dân nước tôi có thể tự hào là sở hữu riêng biệt trong khi rất nhiều quốc gia khác vẫn còn phải vay mượn (Úc, Phi, Sin, Ấn, Canada, một loạt các nước Nam Mỹ …).
Thì người khai sinh của lối chữ viết ấy chắc chắn phải là ân nhân của mình, bất kể đến quốc tịch của họ, bất kể đến tôn giáo của họ và bất kể động cơ của họ khi khai sinh lối chữ ấy !

Thế nên, nhân ngày 15/03, lại một ngày sinh nhật mới của cha Alexandre De Rhodes, tôi viết bài này để bày tỏ lòng biết ơn và kính nhớ Người … vị ân nhân của tôi và của những người cùng chung ý nghĩ như thế !

Ngày 14/03/2014
Manh Dang
-----------------
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog

Trang in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên



THẾ SỰ - NGỤY DANH 2

Thời đại của những NGỤY DANH 2

Phần đầu, người viết đã điểm lược sơ về các ngụy danh : "Tàu lạ", "Đồng chí X" và "Lề phải" (nguồn : THẾ SỰ - NGỤY DANH 1), ở phần này, người viết điểm thêm một vài ngụy danh khác.

KẾT NGHĨA :
Kết nghĩa là từ để chỉ mối quan hệ khăng khít, thân thiết giữa vài cá nhân, tuy họ không có quan hệ huyết thống, nhưng cam kết đối đãi với nhau như là anh em ruột thịt.

Lưu, Quan, Trương kết nghĩa huynh đệ tại vườn đào
Điển hình, chúng ta đã từng biết đến câu chuyện kết nghĩa vườn đào từ Tam Quốc Diễn Nghĩa của ba anh em họ Lưu, Quan, Trương … đã sống trọn tình, trọn nghĩa với nhau cho đến chết. Ở nước ta cũng lưu truyền câu chuyện đẹp bằng thơ nôm về mối quan hệ anh em kết nghĩa giữa Lưu Bình - Dương Lễ, họ đã chí tình giúp nhau cùng thăng tiến trong cuộc sống.

Thông lệ, khái niệm “kết nghĩa” thoát thai từ những câu chuyện cao thượng … họ kết nghĩa vì quý nhau ở chí hướng, trọng nhau vì tình nghĩa, nên thường được nhắc đến như là một khái niệm đẹp đẽ. 

Tử tù Dương Chí Dũng
Nhưng đến thời ta, Ông Dương Chí Dũng, một tử tù, đã kết nghĩa biển trời với “Ông anh” Thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ chẳng phải vì tình nghĩa, mà càng không phải vì chí hướng, mà là bằng ngót nghét hơn nửa triệu đô-la Mỹ !!! Quy ra tiền đồng ước khoảng hơn 10 tỷ đồng  !!!  Đó là câu chuyện và con số do vị tử tù ấy thuật lại, sự thật thì có lẽ đã vĩnh viễn bị chôn sâu dưới ba thước đất !  

Thứ là câu chuyện khác về kết nghĩa, cũng ở thời ta là cựu Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền. Để giái thích về một phần khối tài sản khổng lồ bất thường mà cha mình, ông Trần Văn Truyền đang sở hữu, thì con của ông ấy nói gọn hơ : “Người em kết nghĩa ở Quận 9 của ba cho tiền xây nhà …” !?

Lại kết nghĩa, nhưng sự kết nghĩa này trị giá tương đương bằng 1.000 năm, xin viết bằng chữ cho đỡ nhầm : MỘT NGHÌN NĂM thu nhập của ông Trần Văn Truyền !!!
  
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền
(Báo chí có nêu tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với mức lương Bộ trưởng, phải dành dụm 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp. Nên nếu lên chức Bộ trưởng lúc 50 tuổi, thì đến lúc mừng đại thọ 90 tuổi, ông Bộ trưởng ấy mới mua được căn hộ chung cư thu nhập thấp. Lương của một Tổng thanh tra Chính phủ (như Ông Truyền) trên dưới 10 triệu đồng có lẽ phải tằn tiện lắm mới đủ sống trong thời đại "bão giá", hoặc nếu có ky cóp lắm thì chắc phải … 1.000 năm sau, ông mới có thể xây dựng được một dinh thự như vậy). 

Thực tế, gọi đích danh các mối quan hệ kết nghĩa mua bằng tiền ấy giữa một bên là người có chức vị là hành vi hối mại quyền thế (tức tham nhũng). Những người như Dương Chí Dũng, Trần Văn Truyền đang làm vấy bẩn đi khái niệm “kết nghĩa” tốt đẹp ! Với họ, “kết nghĩa” đơn thuần chỉ là ngụy danh chỉ quan hệ ám muội của họ mà thôi !

-----ooOoo-----

Với những loại cán bộ như Dương Chí Dũng, Trần Văn Truyền  … thì những mối quan hệ thiêng liêng, thân thiết trong quan hệ gia đình, bè bạn như “Ông anh” hay “Em kết nghĩa” đều có thể mua bán được, đổi chác được … để biến hóa thành phao cứu sinh thời trang khi hữu dụng !!!  Thế thì còn điều gì là không thể không mua bán được nhỉ ? Người viết nghĩ chưa ra ?


HỌC TẬP CẢI TẠO :
Quyền tự do nhân thân và an toàn thân thể là quyền được minh thị công nhận tại Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (điều 9, 10 và 11), thể theo đó, luật pháp ở các nước tiên tiến đều quy định việc hạn chế sự tự do của một người bằng biện pháp câu thúc thân thể, tức giam giữ (tạm giữ, tạm giam hay tù chung thân hoặc có thời hạn), tức cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội luôn luôn được tiến hành theo một thể thức hết sức chặt chẽ do luật tố tụng hình sự quy định, theo đó, bất luận thế nào thì hình phạt câu thúc thân thể cũng phải được tuyên từ bởi một tòa án hình sự có thẩm quyền, trong đó đã bảo đảm bao gồm quyền bào chữa của bị cáo.

Là một thành viên ký kết Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, nên luật pháp tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay cũng đã bắt kịp một phần các tiêu chuẩn tiên tiến này, tuy nhiên, giữa quy định của pháp luật và thực tế hành xử đôi khi vẫn có khoảng cách …

Tuy vậy, nếu so chiếu với việc câu thúc thân thể được áp dụng dưới một thuật ngữ riêng có của Việt Nam là “học tập cải tạo” được áp dụng ngay sau thời hậu chiến năm 1975, thì đó đã là một sự tiến bộ lớn lao.

Một buổi "trình diện" sau ngày 30/04/1975
Thật thế, sau ngày 30/04/1975, thì tất cả những người tòng sự dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa như quân nhân, cảnh sát, công chức, cán bộ, kể cả những người không làm việc cho chính quyền nhưng sinh hoạt các đảng phái chính trị hay văn nghệ sĩ  … đều phải ra trình diện chính quyền mới và nhiều người trong họ phải chịu qua thời gian học tập cải tạo dưới chính thể mới.

Tùy theo sự đánh giá của chính quyền, có người chỉ phải đi học tập cải tạo đôi ba ngày, nhưng cũng có người đi học tập cải tạo trong nhiều năm, hoặc đến một hay gần hai thập kỷ mất tự do.

Người phải đi học tập cải tạo chịu sự hạn chế tối đa các quyền tự do của công dân, điều kiện sống khó khăn … hoàn toàn tưởng như ở trong thân phận một tù nhân ! Nhưng xét ra, họ vẫn còn kém tù nhân hình sự ở hai điểm rất cơ bản về phương diện pháp lý :

- Một là là việc mất tự do của họ không được xét xử ở bất kỳ phiên tòa nào.
- Hai là việc mất tự do của họ không được biết thời hạn kết thúc.

Chính sách của học tập cải tạo là dùng lao động để cải tạo tư tưởng, nên lao động sản xuất là trọng điểm hoạt động của khoảng 80 trại cải tạo được xây dựng trong khắp đất nước, chủ yếu ở các vùng xa xôi hoặc ven biên giới. Xen lẫn vào đó là các buổi học về những đề tài, như : Tội ác của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Lý thuyết Xã hội chủ nghĩa, Chính sách khoan hồng của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, người học tập cải tạo phải viết các bài lý lịch gọi là "bài tự khai" định kỳ …

Người viết không thể đánh giá rằng chính sách đưa người đi học tập cải tạo bằng biện pháp lao động bên cạnh sự hạn chế tự do có đạt hiệu quả cải tạo hay không ? Nhưng người viết biết rất rõ những người đi học tập cải tạo mà người viết đã từng quen biết, tất cả họ đều đã xuất cảnh đi Hoa Kỳ theo diện HO (viết tắt từ chữ “Humanitarian Operation” - Chiến Dịch Nhân Đạo).


Ít nhất đối với họ, “học tập cải tạo” luôn luôn đã từng là một ngụy danh cay đắng để chỉ thời gian họ phải sống trong thân phận tù nhân …

Manh Dang
-----------------
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog

THẾ SỰ - NGỤY DANH

Thời đại của những NGỤY DANH 

Người viết đã có dịp lạm bàn về ý niệm NGỤY QUÂN, NGỤY QUYỀN trong bài viết “NGỤY” (nguồn : Tại đây).  Hôm nay, xin lạm bàn một ý niệm khác cũng bắt đầu từ NGỤY : NGỤY DANH !

Còn nhớ dưới thời quân chủ ở nước ta, khi ấy vua vốn được xưng là “thiên tử” tức con trời, vua “thế thiên hành đạo” tức là thay trời mà trị vì, sứ mệnh cao cả như thế, nên quyền lực của vua là tối tượng và những gì thuộc về vua đều bất khả xâm phạm, tên của vua cũng thuộc phạm trù đấy ! Theo đó, thì từ quan cho đến trong dân tuyệt đối không được nhắc đến tên vua, kể cả nói ra cửa miệng cũng không ! Nếu bất tuân, thì gọi là “phạm húy” vua sẽ bắt tội …

Trong lịch sử đã từng lưu ghi nhiều trường hợp vua bắt tội hay đánh trượt sĩ tử đi thi vì “phạm húy”! Thi nhân Trần Tế Xương ngày trước đã từng chua chát than trong bài thơ “Thi hỏng” rằng :

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui

Nền quân chủ đã cáo chung từ giữa bán thế kỷ trước (tháng 8/1945), cách nay non khoảng 80 năm trước, thay vào đó là nền dân chủ được thiết lập. Như thế, thì chúng ta những tưởng rằng tội “phạm húy” cũng đã phải cáo chung theo nền quân chủ !!! Tiếc rằng không phải ! Với nền dân chủ mà người viết nghe xưng tụng rằng mình đang được sống trong đấy, thì việc sử dụng từ ngữ để tránh “phạm húy” đang hồi phục và trở nên phổ biến mạnh mẽ từ khoảng một thập niên trở lại, đương nhiên, “phạm húy” không còn dùng trong phạm vi vương quyền nữa … Thay vì gọi đúng tên sự việc, thì để tránh phạm húy, người ta phải gọi bằng danh xưng khác, theo đó, người viết gọi nó là ngụy danh, tức danh xưng không chính danh !

Người viết ghi chú lại đây một số ngụy danh như thế …

TÀU LẠ :
Đầu tiên phải kể đến “Thiên triều Trung Quốc”, câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, khi ngư dân ở miền trung ra biển hành nghề thì thường xuyên bị tàu thuyền Trung Quốc quấy rối, nhẹ nhàng thì bị ngăn cản, bị cướp sản vật đánh bắt được, lương thực, vật tư hay các trang thiết bị trên thuyền, tệ hơn thì bị phá hư tàu thuyền, bị bắn, bị đâm, thậm chí bị tịch thu tàu thuyền rồi tống tiền, bắt chuộc … Thủ phạm khi ấy cho đến nay vẫn thường xuyên được gọi là “tàu lạ”, mặc dù người gọi và cả độc giả ai cũng biết rất rõ đến 99,99% “tàu lạ” đấy là tàu thuyền Trung Quốc !  Trong trường hợp này, tàu thuyền Trung Quốc trở thành danh xưng “húy”, đương nhiên, để tránh “phạm húy” thì dân ta bắt đầu bị làm quen đến ngụy danh “tàu lạ”.

Nực cười là trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, ông cha chúng ta thường xuyên chống chọi với nhiều cuộc xâm lăng của người Trung Quốc, và cuối cùng là người Pháp …  những tráng sĩ đời Trần kiêu dũng dùng sắt nung trong lửa đỏ để thích lên bắp tay, lên vai trần, lên cả trước trán hai chữ “Sát thát” … nhưng chưa bao giờ, xin nhấn mạnh là CHƯA BAO GIỜ ông cha chúng ta phải tránh né bằng cách dùng ngụy danh cả, lúc nào họ cũng gọi đúng tên của giặc ngoại bang ! Chỉ trừ hậu thế của họ đang sống ở đời nay ?!?

Dân gian có sự phản ứng riêng của mình, họ nói “Tàu thì lạ nhưng sự hèn hạ thì quen” !



ĐỒNG CHÍ X :
Nếu xem X chỉ là một chữ trong bảng chữ cái đơn thuần thì thông thường không ai phải nhắc đến nó, thực tế, khi nhắc đến X thì người ta thường dùng để diễn đạt ý nghĩa của nó trong vốn từ thuật ngữ toán học, nó chỉ một ẩn số cần tìm trong phương trình.

Ông Trương Tấn Sang, đương kim chủ tịch nước đã từng có dịp dùng thuật ngữ toán học X này trong chính trị. Thật vậy, tháng 10/2012, khi tiếp xúc với cử tri, ông đã dùng “đồng chí X” để ám chỉ một đồng chí của ông trong Bộ chính trị đã có những khuyết điểm nhưng không phải chịu kỷ luật ! Khi ấy, ông đã không nêu đích danh tên người ấy, nhưng khi dùng chữ X, có lẽ ông đã lưu ý với cử tri rằng tên họ người này như một ẩn số cần giải đáp !

Nghịch lý ở chỗ Ông là người biết đáp số, nhưng ông vẫn muốn đánh đố dân đen của mình trong bối cảnh ông kêu gọi  "Cứ nói thẳng, nói thật, công khai, minh bạch. Sự úp mở là nguyên nhân rất quan trọng chứa chấp tham những, ung nhọt của xã hội ..." (nguồn : Tại đây ).

Thật ra, trước khi ông Trương Tấn Sang sử dụng cách gọi “đồng chí X” để tránh “phạm húy” thì hầu trong dân đã sớm biết người mà ông ám chỉ chính là đương kim thủ tướng chính phủ, Ông Nguyễn Tấn Dũng, đương nhiên, từ các nguồn thông tin khác … Chắc đây cũng đã là nỗi buồn của ngành truyền thông trong nước, bởi lẽ, cho đến nay, họ chưa bao giờ dám làm cái việc theo thiên chức chức nghề nghiệp của họ là thông tin công khai tên “đồng chí X” là ai ?


Với việc sáng tác danh xưng “đồng chí X”, Ông Trương Tấn sang đã góp thêm một ngụy danh vào tự điển Việt Nam.

Ông Trương Tấn sang, Tác giả ngụy danh "Đồng chí X"

LỀ PHẢI :
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, Ông Lê Doãn Hợp được xem như người khai sinh ra ý niệm "lề bên phải" cho báo chí Việt Nam, một ý niệm gây rất nhiều tranh cãi, cụ thể ông ví việc đưa tin của báo chí phải giống như người đi đường chấp hành đúng luật giao thông là đi theo lề bên phải.

Phản ứng, Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, người nổi tiếng thế giới khi đạt giải thưởng Fields danh giá (thường được ví tương đương như giải thưởng Nobel trong toán học), ông viết trong blog của mình : "Bám theo lề là việc của con cừu. Không phải là việc của con người tự do", ông cho rằng việc phải "đi theo lề bên phải" sẽ hạn chế quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam.

Sau đó, như mặc định, tất cả hệ thống truyền thông trong nước thuộc sở hữu chính quyền đều được xem là “lề phải” hay “chính thống”, và tất cả các nguồn truyền thông khác trở thành “lề trái” hay “không chính thống”, hài hước hơn với “không lề”, “lề dân”, thậm chí “lề giữa” !

Thực tiễn cho thấy, không phải bao giờ “lề phải” cũng phải (phải theo quan điểm chính quyền), đơn cử gần đây nhất có một số báo thuộc “lề phải” đã bị chính quyền xử phạt vì các vi phạm như : Sao chép bài của nhau, sử dụng ngôn từ phản cảm, bài viết vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ súy mê tín, dị đoan và thông tin sai sự thật, như gọi một loạt các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Fidel Castro, Mao Trạch Đông là những nhà độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử, xếp chung với những nhà độc tài khát máu khác như Hitle, Mussolini, Franco, Polpot … (nguồn http://giaoduc.edu.vn/news/van-hoa-661/bon-co-quan-bao-chi-bi-xu-phat-225143.aspx).

Cũng như thế, “lề trái” không hẳn là trái (trái theo quan điểm chính quyền) khi họ làm được những điều theo thiên chức nghề nghiệp truyền thông là thông tin mà lề phải bị (hay tự) hạn chế mình, đơn cử như thông tin một cách bình thường về tên tuổi, chức vụ “đồng chí X”, trong khi đó thì truyền thông “lề phải” vẫn cứ phải im lặng là minh chứng …

Thế nên, “lề phải” đã trở thành một ngụy danh riêng có đối với ngành truyền thông !
 
Ông Lê Doãn Hợp, tác giả ngụy danh "Lề phải"

(còn nữa)

Manh Dang
-----------------
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog

THẾ SỰ - NGƯỜI TÀU SẼ LÀM ĐẠI SỨ DU LỊCH VIỆT NAM

Người Tàu sẽ làm Đại sứ du lịch Việt Nam ?

Trước nay, tôi vẫn bàng quan với việc bầu bán Đại sứ du lịch Việt Nam, bởi lẽ, tôi thấy nó vô bổ quá, kể cả với ngành trực tiếp có liên quan là ngành du lịch ! Thực tế, tôi thấy vấn đề cần cải thiện chỗ đi “ỉa đái” cho khách thì ngành du lịch cũng đã bất lực rồi, nên không thấy cần phải mơ xa hơn cái chỗ “ỉa đái” ấy nữa …

Lục Tiểu Linh Đồng - Ứng viên Đại sứ du lịch VN tại Tàu
Nhưng khi nghe thông tin tài tử phim ảnh người Tàu là Lục Tiểu Linh Đồng ứng cử làm Đại sứ du lịch Việt Nam thì tôi giật mình đánh thót, khó mà bàng quan được …

Phải nói ngay từ đầu là tôi không có ác cảm gì với ông tài tử Lục Tiểu Linh Đồng này cả, trái lại là khác, tôi rất có thiện cảm khi biết ông là người đã đóng vai nhân vật “Tề thiên đại thánh” trong phim Tây Du Ký, nhân vật mà tuổi niên thiếu của tôi đã từng mê như điếu đổ !


Nhưng làm đại sứ cho Việt Nam lại là một câu chuyện rất khác, cho dù là đại sứ du lịch !

Đại sứ, chức danh bao hàm sự đại diện cao nhất cho một quốc gia ở nước ngoài, thế thì trong 90 triệu đồng bào người Việt, vô lẽ không kiếm được ai có đủ tài sắc, danh đức xứng đáng để đảm nhận chức danh đại sứ ấy hay sao ? Đến nỗi để cho một người nước ngoài nhảy xổ vào nhà ta mà tự ứng cử ? Xem đó, thì mới nhận thấy tay tài tử Lục Tiểu Linh Đồng này xem thường người Việt mình quá xá …

Lý Nhã Kỳ - Cựu Đại sứ du lịch Việt Nam
Vớ vẩn hơn khi cô Lý Nhã Kỳ, một cựu đại sứ du lịch Việt Nam, nhưng vứt bỏ đâu mất lòng tự ái dân tộc khi có lời phát biểu hoan nghênh ứng viên Lục Tiểu Linh Đồng ? Có lẽ phát ngôn của cô ấy thích hợp với sân khấu, sau lớp mặt nạ hóa trang xanh đỏ, bên cạnh ánh đèn màu chớp tắt hơn là cung cấp những phát ngôn cho vấn đề nghiêm túc theo kiểu Lý Kỳ Cục của cô !

Giả thiết điều đáng lo trở thành hiện thực là tài tử Lục Tiểu Linh Đồng trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam, thế thì sau đó, sẽ không còn thấy ngạc nhiên nữa khi có đại sứ ngoại giao Việt Nam cũng là người Trung Quốc …

Rồi sao nữa thì tôi không muốn tưởng tượng tiếp … nhưng trước mắt, để nuốt cho trôi cục tức cái đã ! Tiên sư chúng !

Manh Dang
-----------------
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog
* Nguồn : 
- http://laodong.com.vn/van-hoa/dai-su-du-lich-viet-nam-gian-nan-tim-kiem-nhung-co-the-191704.bld
- http://www.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fvan-hoa%2Fly-nha-ky-noi-gi-ve-ung-vien-luc-tieu-linh-dong-858800.htm&h=vAQGfVgz8
- http://www.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fvan-hoa%2Fton-ngo-khong-nhan-tu-tuc-kinh-phi-lam-dai-su-du-lich-viet-nam-861428.htm&h=hAQHZX9iz

THẾ SỰ - THÁNG TƯ "ĐAU LÒNG CON QUỐC QUỐC”

THÁNG TƯ “ĐAU LÒNG CON QUỐC QUỐC”

Câu chuyện Tháng Tư, bắt đầu từ khi cổng dinh Độc Lập đổ ngã dưới bánh xích xe tăng

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(trích từ “Qua Đèo Ngang”)
Hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan sáng tác tự thuở trước vẫn thường được người xa xứ nhắc đến trong nỗi niềm thương nhớ quê nhà, khi họ đang phải sống nơi “đất khách”. Nỗi niềm đó lại càng thấm thía nhân lên gấp bội phần vào khoảng thời gian hạ tuần tháng tư hàng năm, mốc cắm đỏ giao thời cho sự biến chuyển của quê hương, kéo theo sự thay đổi lớn chưa từng có của hàng triệu người kể từ thời điểm năm 1954  …

Ngẫm sao mà không thương, không nhớ quê nhà cho được, khi mà họ đã phải mất mát ở đó cả một trời hoa mộng về tinh thần lẫn vật chất, mà nay di sản còn là chỉ là kỷ niệm trong sách vở hoặc mang nặng trong tâm trí ! Ở đó không chỉ là nơi chôn nhau, cắt rốn ! Mà còn là nơi mà họ để lại biết bao niềm yêu thương, trìu mến ! Là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, hy vọng, danh dự và cả công lý ! Là nơi họ đã phải quay lưng rời xa một phần gia đình, bạn bè, tình nhân … mà sự mất mát hầu như đã là vĩnh viễn …

Viết cho người xa xứ, ngẫm đến mình, tôi ngỡ ngàng đến ngẩn người ra khi chợt nhận thấy không chỉ người xa xứ mới “độc quyền” nỗi niềm thương nhớ quê nhà, mà chính tôi và những người như tôi, những người sống ở quê nhà vẫn nhớ quê da diết, vẫn “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, khi chúng tôi mất quê ngay trên mảnh đất mình được sinh ra …

Bởi lẽ, cũng như người xa xứ, chúng tôi cũng đã mất ước mơ của mình ! Chúng tôi cũng đã mất người thân ! Chúng tôi cũng đã mất … mất nhiều lắm ! Phần tệ hơn người xa xứ là chúng tôi chỉ giữ lại được cho mình danh dự công dân thứ cấp ! Chúng tôi bị xem như những người xa lạ trên quê hương của mình và quả thật, chúng tôi cũng thấy mình xa lạ ngay trên quê hương của chính mình …

Đi ư ? Mà đi đâu ? Nhưng sẽ vô ích, đừng hỏi chúng tôi rằng có muốn rời đi hay không khi mà cái cột đèn nó cũng đã đi khuất dạng … đương nhiên, nếu nó có chân !

Ở lại ư ? Mà để làm gì ? Nhưng sẽ vô ích, đừng hỏi chúng tôi rằng có muốn sự yên bình không khi mà “sống muốn lặng mà gió chẳng đừng” !
Tiến thoái lưỡng nan, tôi không rõ người nhạc sĩ quá cố họ Trịnh đã suy tư điều gì qua lời ca từ :

“…
Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
Ngày xưa lận đận, không biết về đâu
Về đâu cuối ngõ, về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi, tôi tìm lại tôi
Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận
…”

Nhưng với chúng tôi, mỗi lời ca từ bài hát như hình ảnh âm bản nỗi lòng mình bây giờ, chúng tôi tiếc khi chưa bao giờ “trốn đời” hay “vượt thoát” được như người nhạc sĩ tài hoa đó : “Ngày nay lận đận là ... giọt hư không”! Quả vậy, chưa thể, không thể và không bao giờ là “giọt hư không” …

Thế nên, lật tờ lịch trong một ngày tháng tư, lại thấy càng gần hơn đến thời điểm hạ tuần của một tháng tư mới, cùng với người xa xứ, chúng tôi cùng chia sẻ nỗi niềm thương nhớ quê nhà, nhớ từ tháng tư năm ấy, mà đằng sau tháng tư đó, chính nơi đã là quê nhà đã mất của chúng ta …  
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Tháng Tư/2014
Manh Dang

... kế tiếp với dòng người bỏ nước ra đi ...
----------------
Tiến thoái lưỡng nan - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog


THẾ SỰ - CÁI BAO CAO SU TRONG ĐẠO THẦY TRÒ



“Thầy ơi! Nhớ mua bao cao su cho em nha , em nhớ thầy lắm rồi  !?! ”
Đó là lời tin nhắn trong điện thoại của một nữ sinh cấp III cư trú ở Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước gởi vào điện thoại của thầy của mình … Không biết đã “giảng dạy” bằng cách gì ? “giáo dục” như thế nào ? “sư phạm” ra sao ? mà vị thầy khả kính được cô trò nữ “ưu ái” gởi tin nhắn động trời như thế ?

Chỉ là câu chuyện “vòng tay học trò”(1) trong số vô vàn câu chuyện của thời nay về mối quan hệ thầy trò thuộc phạm vi giáo dục … mà nếu sống ở thời nay, thì đức ngài Khổng Tử, người được xưng là “thầy của các thầy” chắc sẽ phải khóc thét vì quá kinh ngạc !  Mà không kinh ngạc sao được khi đức ngài đã từng là cha đẻ của khái niệm thứ bậc “Quân Sư Phụ” tồn tại, chi phối xã hội một loạt các nước Á Đông suốt hơn hai nghìn năm qua trong lịch sử cho đến nay.

Tương tự thế, để mưu đồ cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, ông Quản Trọng thời Xuân thu vẫn đề cao giáo dục khi dâng kế sách “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” hiểu nôm na “Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; Kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; Kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người”. Mà trong sách lược giáo dục, thì chính người thầy là trung tâm.

Khổng Tử - Người đề xướng "Quân Sư Phụ"
Tọa lạc ở vị trí địa lý Á Đông, thoát thai từ một quốc gia mang nặng tư tưởng Nho giáo từ lịch sử hàng nghìn năm, nền quân chủ Việt Nam cũng đã từng xem “Quân Sư Phụ” của Đức Khổng như là nền tảng, giềng mối thứ bậc tôn ti trong quốc gia. Theo đó, đặt để vai trò của Quân tức là vua ở vị trí quan trọng bậc nhất, sau vua mới đến Sư tức người thầy trong xã hội và sau cùng mới đến Phụ tức người cha trong gia đình …

Ngày nay, cùng với việc cáo chung của nền quân chủ, thì Quân tức vua cũng đã phải bế mạc luôn vai trò chúa tể trị vì của mình … Tuy nhiên, thứ bậc của Sư và Phụ hầu như vẫn giữ nguyên vị thế tồn tại từ lịch sử, trong đó, Sư tức người Thầy vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội.

Nhắc đến Sư/Thầy cũng vô nghĩa nếu không bao gồm Đồ/Trò, tức là mối quan hệ Sư Đồ hay Thầy Trò …

Chẳng phải người Việt ta vẫn thường được giáo dục tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, vẫn thường đọc trong sách thấy câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, vẫn thường thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo trang trọng trong các trường học, vẫn thường nghe câu hò ru “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”, hoặc nhắc nhở nhau “Không thầy đố mày làm nên” …

Thế nhưng, như câu chuyện có thật đã kể “Thầy ơi! Nhớ mua bao cao su cho em nha, em nhớ thầy lắm rồi  !?! ”, cho thấy quan hệ Sư Đồ tức Thầy Trò ngày nay dường như đang mang một bộ dạng rất khác so với những điều tốt đẹp mà chúng ta thường giáo huấn nhau, điều đó được thông tin nhan nhản trên báo đài với những cái tít sẽ làm lo lắng bất cứ ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, điều đáng nói là những thông tin kiểu như thế xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn, tựa như : 

- Có cô giáo bóp cổ con trẻ hay dốc ngược đầu toan nhận vào lu nước ở thành phố nay mang tên ông Hồ Chí Minh, ở Bình Dương hay ở Đồng Nai  …
- Có thầy giáo tát đến thủng màng nhỉ tai học trò ở Hà Tĩnh, hoặc ở Bình Định lại có thầy tát lấy tát để vào mặt trò, phản ứng lại, trò cũng dang tay tát thầy trả lễ …
- Có thầy giáo bán điểm lấy tiền và cũng có những thầy giáo “dạy” học sinh cách gian lận thi cử ở đất thủ đô ngàn năm văn vật …
- Có những thầy giáo gạ tình lấy điểm, tống tình, thậm chí cưỡng dâm, hiếp dâm nữ sinh ở An Giang, Nghệ An, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Cần Thơ, Đắc Lắc, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội, TP.HCM … Không những là thầy giáo, có người đồng thời đã giác ngộ chính trị đến bí thư chi đoàn trường vẫn cam lòng hiếp dâm 05 nữ sinh lớp ba ở Bắc Ninh …
Bị án Sầm Đức Xương - Hiệu trưởng mua trinh và tổ chức mại dâm nữ sinh
Có vị hiệu trưởng mua trinh nữ sinh bằng tiền và bằng điểm, rồi tự mình chăn dắt đường dây mại dâm với con hàng là chính các nữ sinh của mình, chuyện ở Hà Giang …
- Có cô giáo “bóp” vùng kín của nam sinh cấp ba là cách để phạt ngay dưới sân trường tại TP.HCM …
- Có những trường thu tiền “chống trượt thi” cao học ở Thanh Hóa, tốt nghiệp trung học ở Gia Lai  …
- Có thầy hiệu phó dùng kéo cắt vụn đồng tiền quốc gia trước mặt các thầy cô giáo khác ở Hải Dương …
Có thầy thuê côn đồ hành hung người vì tư thù ở Hà Nội …
Có thầy tổ chức đường dây cá độ bóng đá ở Sóc Trăng …
-  Có những thầy giáo, cô giáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của người xin việc làm ở Nghệ An, Thái Bình …
Có thầy trộm cắp tài sản để hút chính ma túy ở Hà Tĩnh …
- Có thầy tạt acid vào mặt 04 đồng nghiệp ở Đồng Tháp, hoặc sinh viên tạt acid rồi cầm dao rượt chém thầy giáo ở TP.HCM …
Có những phụ huynh hành hung giáo viên ngay trên bục giảng ở Hà Tĩnh …
Có những trò tìm đến nhà thầy để xin điểm trắng trợn rất nhộn nhịp vào mỗi kỳ thi, chuyện có ở mọi nơi  ...
Có những trường tổ chức gian lận thi cử quy mô lớn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước …
Có những nam sinh rủ bạn chặn đường hành hung thầy ở An Giang …
Có những học sinh đăng lời xúc phạm thầy cô giáo trên trang mạng xã hội facebook …
-  Có những …

Và có những … câu chuyện bất ưng về quan hệ Sư Đồ như thế này cứ kéo dài mãi không dứt ! Nó hiện diện ở khắp mọi cấp dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc gia, từ nhà trẻ cho các cháu từ tầm 12 tháng tuổi đến mẫu giáo, từ các bậc tiểu học, trung học, đại học, sau đại học và đến tận bậc học vị cao nhất … từ hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước, trong đó, bao gồm cả đất thủ đô nghìn năm văn vật và thành  phố mang tên ông Hồ Chí Minh, từ phạm vi giáo dục thuần túy công đến bán công hay hoàn toàn tư !

Cho dù, vẫn còn hàng vạn thầy cô miệt mài thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình, thì những câu chuyện liệt kê trên đã mô tả sự nghiệp “trồng người” ngày nay có vẻ đã như hình ảnh một khu vườn tan hoang, xác xơ, rệu rã sau cơn bão. Và cái tát của cậu học trò trả lễ vào mặt thầy mình xảy ra ở Bình Định, đích thực là cái tát vào khuôn mặt của quan hệ Sư Đồ đời nay  …

Đành rằng ở thời đại nào cũng có những câu chuyện vô luân, vô đạo xảy ra trong quan hệ Sư Đồ, nhưng chắc chắc rằng đối với những câu chuyện bất ưng như thế thì không có thời đại nào có thể so sánh bằng được với thời đại ngày nay ở Việt Nam …  cả về tính chất, mức độ, số lượng, về tính phổ biến … nó vượt xa các ngưỡng, các giới hạn mà xã hội đã từng biết hay từng tưởng tượng ra.

Nêu ra vấn đề như là một hiện tượng xã hội, quả thật, người viết không đủ khả năng điểm mặt, chỉ tên nguyên nhân … Nhưng phải chăng, khi “Thượng bất chính” thì ắt “Hạ tắc loạn”, người thầy mất đi tấm gương để soi rọi, thì bản thân họ cũng không còn là tấm gương để người trò soi rọi, và ta đã bị mất đi những tấm gương soi rọi ấy từ khi nào vậy ? và ta vẫn sẽ phải sống với tình trạng đó cho đến bao nhiêu thế hệ nữa ? Đồng thời, cũng không còn có thể đổ thừa là tàn dư, là ảnh hưởng của bất kỳ chế độ nào khác, khi mà 39 năm qua đất nước thuộc quyền quản lý của chế độ cộng sản.

Với tư cách là phụ huynh của người trò trong xã hội ngày nay, người viết nghĩ mà lo lắng quá …

Người viết tiếc ngẩn ngơ cho nền giáo dục Việt Nam khi bất chợt đọc được những lời lẽ hết sức cao quý của một vị giáo sư dạy học ở miền Nam trước năm 1975, về một cơ sở giáo dục đã từng có ở Dalat : “Thành quả đẹp đẽ của Viện Đại Học Đà Lạt chính là tinh thần Thụ Nhân. Thụ Nhân không khép lại cùng biến cố 1975 chỉ trong khuôn viên Đại Học Đà Lạt. Tinh thần đó vẫn còn tiếp nối, mở rộng ra khắp chốn và trải dài theo tháng năm - GS Vũ Quốc Thúc”.

Khi những giá trị vô giá của giáo dục “… vẫn còn tiếp nối, mở rộng ra khắp chốn và trải dài theo tháng năm …” không hề bị giới hạn bởi biến cố chính trị hay lịch sử hoặc ý thức hệ, nó vượt qua mọi không gian địa lý, vượt qua mọi thách thức thời gian … đến nay thì giá trị đó vẫn còn hiện diện, nhưng không phải ở Việt Nam lúc này !  
“Quân Sư Phụ”, cái ngôi vị thứ hai trong xã hội của người thầy thời xưa vốn được đặt trước cả cha mẹ, chỉ có dưới vua, giờ đang nằm ở vị trí nào trong xã hội ngày nay ? nhưng chắc chắn không ai mong vị trí ấy nằm dưới cát tát tai của cậu học trò người Bình Định ? không và không bao giờ !
Manh Dang

-------------------
* “Vòng tay học trò” tiểu thuyết được xuất bản trước năm 1975 của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng
* Bài này tôi viết dang dở vào tháng 11/2013, nhưng tôi thấy không thích hợp để chia sẻ trong thời điểm kỷ niệm những ngày hiến chương nhà giáo 20/11, nên tôi gác lại để lần khân cho đến nay, đến sự kiện thầy giáo tạt acid vào đồng nghiệp của mình tôi thì có lẽ cũng chưa phải là sự kiện cuối cùng trong “danh mục xấu xí” của ngành giáo dục, nhưng nó đã thúc đẩy tôi cập nhật, hoàn chỉnh và chia sẻ bài viết hôm nay …
* Ảnh minh họa từ nguồn internet
* Có thể bạn muốn tham khảo thêm các bài viết khác tại đây : Mục lục Blog